Học sử dễ hay khó?

Là người Việt Nam nhưng mỗi khi nhắc đến lịch sử nước nhà thì nhiều bạn trẻ, nhất là học sinh sinh viên - những người chủ tương lai của đất nước, lại lúng túng khi gặp những kiến thức phổ thông sơ đẳng nhất. Thực trạng trên đang báo động trong bộ phận giới trẻ hiện nay khi còn coi nhẹ “sử ta”.

Sinh viên tham dự triển lãm Quần đảo Hoàng Sa - chủ quyền của Việt Nam
Sinh viên tham dự triển lãm "Quần đảo Hoàng Sa - chủ quyền của Việt Nam".

Báo động…!

Vừa qua, tôi được may mắn tham gia một cuộc thi tìm hiểu 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do nhà trường tổ chức. Bên cạnh những kiến thức bổ ích giúp khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thì vẫn còn rơi rớt ở đâu đấy những hạt sạn đáng buồn về lịch sử nước nhà trong bộ phận sinh viên Việt Nam.

Đơn cử các câu hỏi như ai là tác giả tiểu thuyết Đất nước đứng lên, hay tác phẩm Vợ chồng A Phủ là của ai... Tưởng những sinh viên sẽ dõng dạc trả lời vanh vách, nhưng hóa ra, câu trả lời của các bạn khiến những ai có mặt đều thật bất ngờ: Sai bét.

Hay những dữ kiện lịch sử đặt ra như anh hùng Phan Đình Giót, La Văn Cầu, Tô Vĩnh Diện, di tích Mường Thanh, Thăng Long,… cho các sinh viên liên tưởng đến một câu hỏi để gợi ý người bạn cùng chơi trả lời thì hầu như đều im bặt, không biết.

Kinh khủng hơn khi những câu giáo khoa như chiến dịch Việt Bắc 1947, Hiệp định sơ bộ 6.3, Hiệp định Giơnevơ 1954… sinh viên đều ngơ ngơ, ngác ngác. Và dĩ nhiên đây chỉ là một trong vô vàn những lỗ hổng kiến thức lịch sử của sinh viên.

Học sử dễ hay khó?

Chuyện giới trẻ xa lánh lịch sử đã được báo động vài năm trở lại đây, nhất là từ khi Bộ GD & ĐT quyết định đưa môn lịch sử trở thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 sắp tới. Và thực tế đáng buồn là môn lịch sử là môn được ít học sinh đăng ký thi nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Bởi các em học sinh quan niệm “môn Sử học rất chán, toàn sự kiện, con số thiệt hại…nghe thật buồn ngủ”. Nhưng với những ai đam mê, có tinh thần học môn này thì các bạn sẽ thấy thích thú và càng đặt ra mục tiêu động lực cho bản thân mình phấn đấu.

Học lịch sử, tuy có khó ở chỗ phải nhớ thời gian diễn ra sự kiện, các con số thống kê…nhưng nếu ai tinh ý và có khả năng xâu chuỗi sự kiện thì sẽ thấy được cái hay của nó mang lại.

Chẳng hạn, lịch sử Việt Nam trong giai đoạn 1930-1945, có mốc thời gian 19.5.1945, là ngày thành lập mặt trận Việt Minh, nếu muốn cho dễ nhớ, chúng ta chỉ cần liên tưởng đến ngày sinh nhật Bác Hồ. Hoặc ngày 22.12.1944 cũng vậy, là ngày thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, chúng ta chỉ cần vận dụng ngày đó để tìm ra sự trùng hợp, đó là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam sau này thì cũng chẳng khó gì để quên được ngày này.

Học Lịch sử qua những buổi triển lãm ảnh
Học Lịch sử qua những buổi triển lãm ảnh.

Để học tốt môn lịch sử, thì điều bạn cần phải có là hình dung ra được giai đoạn lịch sử. Chẳng hạn, chúng ta có thể chia lịch sử Việt Nam hiện đại từ 1930 đến 1975 ra nhiều giai đoạn khác nhau: giai đoạn thành lập Đảng và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (1930-1945), giai đoạn kháng chiến chống Pháp lần thứ II (1945-1954), giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Và thông qua những giai đoạn đó, chúng ta vạch ý những sự kiện quan trọng, chiến dịch cốt cán của từng giai đoạn, sau đó sẽ đi chi tiết tìm hiểu từng vấn đề, thì sẽ dễ dàng cho việc học và rất khó lẫn lộn vào đâu được.

Việc chán học môn Lịch sử đối với các bạn học sinh ngày nay có thể nói là một hiện tượng đáng báo động trong toàn hệ thống giáo dục nước ta.

Đâu là bài toán?

Vậy làm thế nào để khắc phục được những lỗ hổng trong kiến thức của các bạn học sinh - sinh viên? 

Thiết nghĩ, điều đầu tiên là ở các hệ thống giáo dục cơ sở, cần phải tìm tòi, đổi mới cách dạy và học cho phù hợp nhất đối với môn học này. Chẳng hạn, thầy cô có thể kể những câu chuyện về lịch sử cho học sinh nghe, chiếu các bộ phim tư liệu cho các em xem, hoặc kể về các nhân vật, tấm gương điển hình hy sinh trong các cuộc kháng chiến, để các giờ học lịch sử đỡ “khô khan” và giúp các em tránh được sự nặng nề khi tiếp nhận các con số, sự kiện ngày tháng năm.

Bên cạnh đó, việc học lịch sử cũng tùy thuộc vào niềm đam mê của các bạn học sinh, vì khi học lịch sử, ngoài sự thích thú, thì bản thân mỗi chúng ta cần phải mang trong mình trái tim của người yêu nước. Căm phẫn với những mất mát, đau thương và hạnh phúc, tự hào khi thấy dân tộc mình giành được. Đó là phương pháp hiệu quả nhất và thiết thực nhất!

Theo Văn Minh
Một Thế Giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm