Học sinh yêu sớm: Cấm đoán hay "vẽ đường"?
Học sinh ở độ tuổi vị thành niên bắt đầu có những rung động đầu đời nhưng chưa đủ khả năng để xử lý khi rắc rối xảy ra, rất cần sự đồng hành của phụ huynh và giáo viên.
Theo nhiều chuyên gia, ở lứa tuổi từ 10 đến 16 xuất hiện tình yêu đôi lứa là chuyện hết sức bình thường. Bởi đây là giai đoạn dậy thì, học sinh bắt đầu có những thay đổi rõ hơn về tâm sinh lý.
Học sinh nam, nữ đã có những nhận thức mơ hồ về giới tính của mình, cũng như sự hấp dẫn, tò mò về sự khác biệt giữa hai giới. Đây là thời điểm cần nhiều sự quan tâm của phụ huynh, giáo viên để giúp các em đi đúng hướng.
Nhiều hệ lụy nếu không giáo dục đúng
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho biết khái niệm yêu chân chính có 3 yếu tố: sự tâm đầu ý hợp về giao tiếp, hòa hợp về tình dục và cam kết. Với lứa tuổi học sinh, có thể các em chỉ có một yếu tố là tâm đầu ý hợp, có cảm giác thích, khi đó các em nghĩ là tình yêu rồi.
Hiện nay, trước sự phát triển của xã hội, học sinh được tiếp cận nhiều nền văn hóa, đọc nhiều trong sách vở và phương tiện truyền thông để hiểu hơn về bản thân. Học sinh đã nhận thấy "yêu" là nhu cầu rất bình thường của một con người.
Và nhu cầu được bày tỏ tình cảm, đáp ứng tình cảm của học sinh không xấu. Vì vậy giáo viên, phụ huynh cần nhìn nhận rằng dù có cấm đoán thì các em vẫn sẽ yêu, nên "vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng".
Đã có nhiều học sinh bắt đầu có khái niệm "cặp bồ" từ lớp 5, phụ huynh không chấp nhận, la mắng hoặc có những hành động bạo lực. Từ những điều đó, học sinh sẽ hình thành bức tường bảo vệ mình, không chia sẻ với ba mẹ, lén lút yêu đương.
Trong quá trình đó sẽ có nhiều rắc rối xảy đến như chia tay, cãi nhau, ghen tuông… thì học sinh không đủ khả năng giải quyết vấn đề một mình. Chia sẻ với bạn bè cũng không thể định hướng đúng cho học sinh, bởi ở tuổi vị thành niên, các em chưa đủ trải nghiệm, kỹ năng để giải quyết rắc rối.
Khi đó, nhiều vấn đề tâm lý sẽ xảy ra, nhẹ là stress, buồn chán, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, học tập sa sút. Nhưng nếu không được giải phóng khỏi tâm lý đó, lâu ngày học sinh rất dễ bị stress sau sang chấn, trầm cảm nặng, dẫn đến có những hành vi tự hủy hoại bản thân, thậm chí là tự tử.
"Vì vậy, thay vì cấm cản, cha mẹ cần quan sát, chú tâm và đồng hành với học sinh, khi có sự cố, kịp thời xử lý. Khi cha mẹ phát hiện con mình đang yêu thì đừng bối rối, hãy cùng với giáo viên thấu hiểu và trò chuyện với con" - chị Diệu Anh cho hay.
Đừng thờ ơ hay ngăn cấm bằng mọi cách
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, phụ huynh nên theo sát quá trình phát triển tâm sinh lý của học sinh, vì mỗi em sẽ có sức khỏe sinh lý khác nhau. Đối với học sinh cấp II, các em đang ở khoảng giữa của người lớn và trẻ con, nên còn hạn chế về năng lực nhận thức.
Khi thấy thích một bạn nào đó, các em rất nhanh tiến đến yêu đương nhưng vì thiếu kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết vấn đề nên khi gặp rắc rối, các em sẽ dễ phản ứng theo cách tiêu cực như đánh ghen, bỏ học, tự tử…
Do vậy, cha mẹ và giáo viên không nên thờ ơ trước những biểu hiện bất thường của học sinh, càng không nên ngăn cấm, buộc các em không được yêu. Không có ai định hướng, học sinh sẽ không biết cách bảo vệ bản thân dẫn đến quan hệ tình dục sớm, quan hệ không an toàn và đánh mất cả tương lai.
Thầy Hoàng Sĩ Đăng, giáo viên dạy kỹ năng sống Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), chia sẻ nhu cầu được yêu ở lứa tuổi học sinh là điều bình thường.
Phụ huynh, giáo viên không thể ngăn cản các em bày tỏ cảm xúc của mình với một người mình yêu mến, nên giáo dục học sinh cách yêu, cách bảo vệ mình và tư duy tích cực, lắng nghe những tâm sự của các em. Từ đó sẽ hình thành sự tin tưởng ở học sinh, có vấn đề gì phụ huynh và giáo viên cũng dễ dàng nắm được và xử lý kịp thời.
Chị Nguyễn Thị Diệu Anh cũng cho rằng giáo viên nên giáo dục về giới tính cho học sinh, khi phát hiện học sinh yêu nhau thì không nên la mắng hay miệt thị, cần chia sẻ và cảm thông.
Bên cạnh đó, giáo viên và phụ huynh đừng thờ ơ trước những biểu hiện của học sinh như đột nhiên ủ rũ, sử dụng điện thoại nhiều, bỏ ăn… vì có thể đó là những biểu hiện trầm cảm khi gặp vấn đề về tình cảm.
Cởi mở để giáo dục giới tính hiệu quả
Về giáo dục giới tính trong nhà trường, chị Nguyễn Thị Diệu Anh cho hay nên cởi mở hơn, cách thức giảng dạy phong phú và thực tiễn. Hiện nay, phương pháp truyền đạt kiến thức giới tính ở nhiều trường còn chưa đồng đều.
Theo quan niệm cũ, giáo dục giới tính sớm là cổ xúy cho học sinh yêu đương nhưng với khái niệm khoa học hiện nay, giáo dục sớm giúp học sinh đi đúng hướng, bảo vệ bản thân. Lộ trình dạy cũng cần phù hợp với từng lứa tuổi và nhắc lại thường kỳ.