Học sinh trường tư oằn mình đóng phí

Lẽ ra mọi học sinh đều được hưởng chính sách đầu tư của nhà nước cho giáo dục như nhau nhưng thực tế chỉ học sinh trường công mới được hưởng chính sách này, còn học sinh trường tư phải gánh nhiều khoản phí.

Năm học 2013-2014, Nguyễn Văn An (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) dự thi vào lớp 10 với kết quả thi 3 môn đạt 35 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển vào lớp 10 công lập. Muốn con mình học tiếp lên THPT, cha mẹ em đành cho con học ở trường ngoài công lập với mức học phí cao.


Học sinh ở các trường mầm non tư thục phải đóng nhiều khoản phí.
Học sinh ở các trường mầm non tư thục phải đóng nhiều khoản phí. Trong ảnh: Học sinh Trường Mầm non Mèo Con (quận 7, TPHCM). (Ảnh: Tấn Thạnh)

 

Thiệt thòi từ bậc mầm non

 

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, mẹ của An, cho biết từ khi con chị vào lớp 10 trường ngoài công lập, chi phí học tập của em đã tăng đáng kể. Chỉ riêng tiền học phí, mỗi tháng đã hết 3 triệu đồng . Thu nhập hằng tháng của gia đình không tới 10 triệu đồng, trừ chi phí sinh hoạt và tiền học của 2 đứa con, phần dư nay không còn nữa.

 

Năm học 2013-2014, TPHCM có gần 1.388.045 học sinh (HS) từ mầm non (MN) đến THPT (chưa tính hệ giáo dục thường xuyên). Ở bậc tiểu học và THCS, HS học trường công lập chiếm tỉ lệ rất cao do chủ trương của TP là bảo đảm mọi trẻ đều có chỗ học lớp 1; lên lớp 6, HS vẫn có thể học tiếp trường công lập. Nhưng đến bậc THPT, hằng năm TP chỉ tuyển khoảng 80% HS tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập. Chính thực tế này đã đẩy nhiều em vào các trường tư, giáo dục thường xuyên hay đi học nghề…

 

Ở bậc học thấp hơn, đặc biệt ở bậc MN, đáng ra trẻ phải được đối xử như nhau thì lại xảy ra tình trạng nhiều trẻ MN con nhà nghèo, không chen chân được vào các trường công, đành phải học tại các cơ sở MN ngoài công lập với mức học phí cao. Do không được hỗ trợ từ ngân sách nên trẻ ở những ngôi trường tư này phải chịu hết những khoản phí về cơ sở vật chất, lương giáo viên, tiền đầu tư xây dựng trường…

 

Bà Lê Thị Kim Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường MN Hoa Lư (quận 1, TPHCM), phân tích: Tùy khu vực nội thành hay ngoại thành mà mỗi năm, một trẻ MN được hỗ trợ từ ngân sách 3,5-7 triệu đồng, tương đương một trường được cấp 3-4 tỉ đồng/năm. Nguồn kinh phí này để chi trả lương giáo viên, sửa chữa cơ sở vật chất; phụ huynh chỉ phải đóng tiền ăn cho con nên kéo theo bữa ăn cho trẻ sẽ tương đối tốt, trong khi ở các trường ngoài công lập thì phụ huynh phải là người đóng hết.

 

Bữa ăn ngày càng teo tóp

 

Quy định hiện hành của UBND TPHCM về học phí và các khoản thu hiện nay thì HS công lập có mức đóng học phí từ 60.000 đồng/tháng đến 150.000 đồng/tháng, tùy khu vực nội, ngoại thành và bậc học. Sở dĩ HS công lập có mức đóng học phí thấp như trên vì đã được hưởng phúc lợi. Cụ thể, ngoài việc được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, mỗi HS đều được hưởng một khoản đầu tư nhất định từ ngân sách. Cụ thể, mỗi HS nhà trẻ hưởng 9.136.000 đồng/năm, mẫu giáo 5.965.000 đồng/năm, tiểu học 4.026.000 đồng/năm, THCS 4.071.000 đồng/năm...

 

Trái ngược với phúc lợi mà HS công lập nhận được, HS trường ngoài công lập không nhận được bất kỳ khoản nào nên phụ huynh phải gồng mình đóng học phí cho con. Tại TP HCM, mức học phí được các trường ngoài công lập công khai thường có mức từ 2 triệu đồng trở lên. Ví dụ, học phí bán trú cho học sinh lớp 10 tại Trường Dân lập châu Á - Thái Bình Dương (quận 1) là 2.520.000 đồng/tháng; THPT Văn Lang (quận 5): 2.400.000 đồng/tháng; THPT Phú Lâm (quận 6): 2 triệu đồng/tháng; THPT Sao Việt (quận 7): 8 triệu đồng/tháng...

 

Theo bà Vân, hiện nay, ở bậc MN mức học phí tại các trường tư cũng muôn hình vạn trạng, 10 triệu đồng/tháng cũng có, học phí bằng hoặc thấp hơn trường công (2-3 triệu đồng) cũng có nên chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ cũng tỉ lệ thuận theo. Nhưng thực tế là các trường tư không muốn thu học phí cao vì khó tuyển sinh, còn nếu ở mức trung bình cũng vẫn phải tính toán khoản thu sao đủ để chi trả lương cho giáo viên, bảo mẫu, tiền thuê mướn hay đầu tư xây dựng của chủ trường.

 

“Thu cao quá sẽ vấp phải sự phản ứng của phụ huynh nên gặp phải chủ trường không có tâm thì biện pháp khả thi nhất là bớt xén bữa ăn của trẻ. Phụ huynh có biết cũng phải chấp nhận vì còn chỗ nào đâu mà gửi con!”. Bà Lê Thị Kim Vân (nguyên Hiệu trưởng Trường MN Hoa Lư)

 

Theo Huy Lân - Đặng Trinh

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm