Học sinh thành phố đi học bằng… đò

Sau chuyến đò lắc lư trên sông, Hằng (học sinh lớp 2) cùng nhóm bạn tiếp tục bắt xe ôm để đến trường. Tính cả chiều về, mỗi ngày đi học, các em phải trả từ 8-12 ngàn đồng tiền đi đò và xe ôm.

Đó là hình ảnh của những em học sinh nghèo ở tổ 27 và 28 thuộc ấp An Hòa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TPHCM trên con đường đến trường. Bà Lê Thị Gòn, tổ trưởng tổ 28 cho biết, khu vực này có 55 hộ dân nhưng hơn 40 hộ trong số này thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.

 

Chuyến đò ngang chở học sinh đi học tại huyện Cần Giờ, TPHCM
Chuyến đò ngang chở học sinh đi học tại huyện Cần Giờ, TPHCM.


Chen nhau qua đò kẻo trễ giờ học

 

6 giờ sáng, em Võ Thị Tuyết Hằng, học sinh lớp 2 (trường Tiểu học An Thới Đông, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TPHCM) đã cùng các bạn khác chen nhau lên đò đi học. Tuy dáng người nhỏ con và phải mang trên vai chiếc cặp kiêm chiếc áo phao cứu sinh to đùng, cũ kỹ nhưng Hằng vẫn tỏ ra nhanh nhẹn. Hằng nhanh chân nhảy lên đò trước.

“Cũng chính vì trường có nhiều học sinh nghèo nên lâu nay, nhà trường luôn hạn chế các đề xuất, chủ trương gây tốn kém cho phụ huynh như may đồng phục riêng của trường, mua bút, vở… mà chỉ yêu cầu áo trắng quần xanh là được”. - Ông Nguyễn Kim Quang, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Thới Đông.

 

Tiếp ngay sau Hằng là Nguyễn Thanh Huỳnh (lớp 2), Võ Văn Linh (lớp 4)… cũng nhảy lên và nhanh chóng ngồi vào hai bên con đò để qua sông. Khi chiếc đò vừa cập bến, Hằng tiếp tục chạy ra ngõ, nhanh chóng nhảy lên chiếc xe ôm để tới trường. Chiếc xe máy cũ kỹ, trên xe không em nào có nón bảo hiểm…

 

Trưa tan học, Hằng được xe buýt của trường đưa về đến đầu đường cái nhưng do bến đò cách xa điểm dừng hơn 200m nên Hằng cùng các bạn phải đi bộ về bến đò.

 

Em Phạm Tú Trinh, học sinh lớp 6 suốt 5 năm qua phải đi xe ôm đến trường nay được mẹ mua cho chiếc xe đạp cũ để đi học. “Có được chiếc xe đạp đi em vui lắm, giờ không phải đi xe ôm, không phải sợ trễ học nữa”, Trinh vui vẻ nói.

 
Trinh cho biết, ba mẹ Trinh làm nghề mò cua bắt ốc ở trong rừng tràm. Trinh có một em gái năm nay học lớp hai. 5 giờ sáng ba mẹ đã vào rừng nên nấu cơm trước cho hai chị em ăn buổi trưa để chiều đi học tiếp. “Có lần em đi học do sợ trễ đò nên mấy đứa chen nhau, lúc đó em còn nhỏ nên bị rớt xuống nước và được cứu, may mà chỉ bị ướt áo quần với một ít sách vở thôi”, Trinh kể lại.

Mong có cây cầu để con đi học đỡ tốn kém
 
Đó là mong ước của các hộ dân ở hai tổ 27, 28 (thuộc ấp An Hòa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TPHCM), bởi một học sinh nơi đây đi học phải mất từ 8-12 ngàn đồng cho tiền đi đò và xe ôm… đến lớp học mỗi ngày. Trong khi người dân ở hai tổ này có đến hơn 3/4 là hộ nghèo và cận nghèo.
 
Những em học sinh này mỗi ngày phải 2 lần qua và về đò để đi học.
 
Vợ chồng anh Lê Tường Bờ và chị Nguyễn Thị Bưởi (27 tuổi, trú tổ 27 ấp An Hòa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TPHCM) làm nghề mò cua bắt ốc, cuộc sống rất chật vật nhưng vẫn ráng cho con đi học. Vợ chồng anh Bờ có 4 đứa con, một đứa lớp 3, đứa lớp 1 và hai đứa năm nay gần 3 tuổi.
 
Theo anh Bờ, buổi sáng vợ chồng anh đi làm từ 5 giờ, hai đứa nhỏ phải nhờ bà nội trông, hai đứa lớn đi học. Con anh Bờ học ở trường Tiểu học An Thới Đông, trường cách nhà khoảng 2 km nhưng mỗi ngày đi học, mỗi đứa tốn gần 10.000 đồng.
 
“Mỗi lần đi đò là 1.000 đồng, từ bến đò đi xe ôm ra trường mỗi đứa 2.000 đồng/lượt, mỗi chuyến họ chở 5- 6 đứa. Một ngày chúng nó học hai buổi nên dù tiền học phí không tốn nhưng tiền chi tiêu cho con đi học hằng ngày cũng là một gánh nặng. Ngoài ra, nếu đứa nào đi trễ thì phải đi bộ vì chỉ còn 1- 2 đứa, họ chê ít không chở”, anh Bờ nói.
 
Gần nhà anh Bờ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Tư (34 tuổi) có ba đứa con, chồng chị làm nghề bắt cua trong rừng, chị ở nhà buôn bán và trông con, gia đình chị thuộc hộ cận nghèo.
 
Theo chị Tư, con gái chị là Nguyễn Thị Ngọc Phụng học lớp 10 trường THPT An Nghĩa (cách nhà khoảng 10 km) nên mỗi ngày phải dậy từ 5 giờ sáng để đi học. 
 
Chị kể, đầu tiên là đi đò qua bên kia sông, tiếp đó, đi xe đạp đến trường. Do học hai buổi nên mỗi ngày chị cho con 20 ngàn đồng để trả tiền đi đò, ăn sáng và ăn trưa. “Mấy ngày đầu đi học, bé Phụng đạp đi đạp về nhưng được vài bữa thì xin mẹ ở lại buổi trưa vì trường nằm xa nhà”, chị nói.
 
Chị Tư còn có một cậu con trai năm nay vào lớp 8. Hai đứa con chị mỗi tháng đi học tốn từ 700- 800 ngàn đồng tiền “dọc đường”.
  Theo Nguyễn Dũng Tiền Phong