Bạc Liêu:
Học sinh rớt nước mắt với chương trình “Từ trái tim đến trái tim”
(Dân trí) - Có em học sinh đôi mắt đỏ hoe, có em lau vội giọt nước mắt đang chảy dài xuống má,… mỗi khi nghe một mẩu chuyện cảm động về tấm lòng, tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái được chia sẻ trong chương trình “Từ trái tim đến trái tim”.
Chương trình “Từ trái tim đến trái tim” do Mobifone Bạc Liêu phối hợp Tỉnh Đoàn và Sở Giáo dục Bạc Liêu tổ chức, đã làm cảm động nhiều học sinh ở Bạc Liêu. Đó là “trái tim truyền tải” của những người tổ chức, dẫn dắt câu chuyện, đến “trái tim cảm nhận” của những em học sinh mới lớn.
Bà Ngô Thị Bích Ngọc - Giám đốc Mobifone Bạc Liêu chia sẻ, ai cũng có đấng sinh thành, nhưng có thể mỗi người sẽ có mỗi hoàn cảnh khác nhau. Với các em học sinh, được ngồi trên ghế nhà trường, đó là sự cố gắng của nhiều bậc cha mẹ, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Có thể vì lý do nào đó nên các em chưa hiểu hết những gì mà cha mẹ đã dành cho các em.
“Vì vậy, qua chương trình Từ trái tim đến trái tim mà Mobifone Bạc Liêu tổ chức ở nhiều trường học trên địa bàn, với mong muốn góp phần cùng nhà trường giáo dục các em học sinh có những kỹ năng sống tốt, sống đẹp, sống có ích, trước nhất là đối với gia đình của mình”, bà Ngọc bày tỏ.
Ghi nhận của PV Dân trí tại Trường THCS Trần Huỳnh (TP Bạc Liêu), chương trình vừa diễn ra mới đây, chỉ chừng 2 giờ đồng hồ nhưng đã làm lay động biết bao trái tim đang “tuổi ăn, tuổi lớn”. Không “đao to búa lớn”, không “hoa mỹ hoa văn”, chỉ là những mẫu truyện nhỏ xảy ra thường ngày nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực khiến trái tim rung động, nước mắt đã rơi...
Qua tiếng nhạc đệm nhẹ nhàng, qua lời dẫn chuyện truyền cảm, anh Nguyễn Hoàng Thoại- Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bạc Liêu, đã “ru” các em học sinh, để các em như thấy mình là nhân vật chính trong từng mẫu truyện ấy. Nhiều mẫu truyện kể về gia đình, trong đó có sự yêu thương của cha mẹ dành cho con, hay có những người con đã không hiểu cha mẹ nên làm cho họ buồn,... để các em cảm nhận, rút ra bài học cho mình.
Giao lưu với các em học sinh, anh Nguyễn Hoàng Thoại băn khoăn, hình như bây giờ có bạn cảm thấy cha mẹ không tương đồng với mình như cha mẹ không biết Zalo, Facebook. Nhưng các bạn nên nhớ, người thầy vĩ đại trong cuộc đời các bạn chính là cha mẹ các bạn. Có thể nói rằng, tổ hợp khó nhất để dạy cho con người chính là tổ hợp "đi và chạy".
“Nếu như lúc sinh ra, cha mẹ chắc chắn rằng các bạn đi không được đâu, thì các bạn sẽ không thể chạy nhảy trên sân trường này. Những điều khó nhất đầu tiên trong đời, chính cha mẹ dạy cho các bạn. Nhưng hình như đâu đó có nhiều bạn đã quên đi những giá trị của ngày hôm qua để cho các bạn có ngày hôm nay”, anh Thoại bày tỏ.
Mỗi ngày đi học, vài chục ngàn, vài trăm ngàn đồng có thể các bạn dễ dàng mở miệng xin cha mẹ, nhưng các bạn đâu biết rằng đồng tiền không thể trên trời rơi xuống được. Đồng tiền làm ra không dễ, cha mẹ các bạn phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thậm chí cả máu để kiếm tiền. Cuộc đời này giàu có, nghèo khó thay đổi liên hồi. Cho nên các bạn hãy biết trân trọng điều đó và biết chia sẻ với cha mẹ của mình.
Anh Nguyễn Hoàng Thoại chia sẻ mẩu chuyện xúc động với các em học sinh.
Anh Nguyễn Hoàng Thoại cũng chia sẻ, nhiều bạn học sinh bây giờ có thể nói ngay một lời xin lỗi với bạn bè khi làm cho bạn không vừa lòng, nhưng lại chưa bao giờ nói xin lỗi cha mẹ mỗi khi mình sai.
“Một cậu học sinh có một người mẹ bị khuyết tật ở mặt. Cậu bị bạn bè chế giễu khi gọi mẹ cậu là phù thủy. Cậu xấu hỗ với bạn bè và rất ghét mẹ của mình, đến nỗi cậu không muốn nhìn mặt mẹ. Cậu thấy chán nản nên quyết tâm học để muốn thoát ly khỏi nhà. Sau, đó cậu nhận học bổng đi học, rồi có việc làm, cưới vợ ở nước ngoài. Nhiều lần vợ cậu hỏi cha mẹ đâu thì cậu nói đã chết hết rồi.
Còn bà mẹ vì nhớ thương con nên đã dành dụm tiền, rồi mua được vé bay qua nước ngoài tìm con. Khi bà đến được nhà thì cậu con trai lại đuổi mẹ mình đi. Rồi thời gian trôi qua, cậu trở về dự họp lớp ở làng xưa theo học. Sau buổi họp, trong cơn say là ngà, không hiểu sau cậu lại đi về ngôi nhà của mình. Nhưng lần này, cậu đã về trễ khi mẹ không còn nữa.
Cậu nhận một bức thư của mẹ: “Con trai của mẹ, khi con đọc lá thư này, mẹ không còn nữa...,. Có một câu chuyện vào năm con 2 tuổi, con chơi với đám bạn trong xóm chẳng may con bị té, bụi tre đâm thẳng vào mắt con. Bác sĩ nói mắt con đã hư rồi. Mẹ đã xin bác sĩ lấy con mắt của mẹ để thay thế con mắt của con. Vì ca phẫu thuật diễn ra quá gấp nên gương mặt mẹ biến dạng từ ngày đó. Để rồi, mọi người gọi mẹ là phù thủy, để con cảm thấy xấu hổ vì có người mẹ có gương mặt như vậy. Con trai à, nếu như có kiếp sau, con hãy đừng là con của mẹ. Nhưng nếu có một điều ước, mẹ xin ước một lần nữa được làm mẹ của con, vì mẹ yêu con nhất trên cuộc đời này”, mẩu chuyện được kể tại chương trình đã lấy nước mắt nhiều em học sinh của trường.
Nhiều em học sinh đã không cầm được nước mắt khi mỗi câu chuyện về tấm lòng của cha mẹ được dẫn chứng.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bạc Liêu Nguyễn Hoàng Thoại bày tỏ, qua mẩu chuyện trên để thấy rằng cha mẹ sẵn sàng hy sinh vì các bạn. Còn các bạn đã làm gì để cha mẹ thấy được sự hy sinh đó là xứng đáng. Cuộc đời này các bạn đừng bao giờ để xảy ra “giá như...”, để rồi lời xin lỗi cha mẹ khi nói ra thì đã muộn màng
Mẩu chuyện trên chỉ là một trong những câu chuyện được chương trình “Từ trái tim đến trái tim” mang lại để giáo dục các em học sinh biết xin lỗi, sẻ chia, trân trọng,… những gì mình có. Tấm lòng của những người làm cha làm mẹ lúc nào cũng luôn vì con, miễn con được trưởng thành, nên người. Để từ đó, các em học sinh có thể nhận ra, yêu thương cha mẹ nhiều hơn.
Chương trình còn tặng hàng trăm cuốn vở cho Trường THCS Trần Huỳnh để hỗ trợ cho các em học sinh.
Cùng tham dự chương trình, ông Vưu Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Huỳnh đánh giá, chương trình "Từ trái tim đến trái tim", trong đó có những mẩu chuyện về tấm lòng cha mẹ đối với con cái trong gia đình là rất thiết thực, có ý nghĩa trong việc giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh.
Ông Tùng nhắn nhủ: "Về phía các em học sinh, qua chương trình này, em nào đi học chưa thuộc bài, chưa làm bài tập thì cố gắng hoàn thành, học tập tốt hơn để đáp lại tình yêu thương, nuôi dạy của cha mẹ. Nếu em nào có những cử chỉ, thái độ không đúng với cha mẹ thì phải có lời xin lỗi. Nếu em nào ngoan, học giỏi thì hãy tiếp tục phát huy đạo đức làm con, trở thành những người con sống có ích cho gia đình và xã hội".
Huỳnh Hải