Học sinh rối loạn phổ tự kỷ: Định hướng nghề thế nào để tự lập?

(Dân trí) - Hướng nghiệp cho học sinh rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) nhằm giúp họ được hòa nhập cộng đồng. Bởi khi trưởng thành, những bạn trẻ này thường khó tìm công việc phù hợp để có cuộc sống độc lập, tự chủ.

Tại Việt Nam, dù chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ tự kỉ nhưng từ năm 2000 đến nay, số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỉ ngày càng gia tăng.

Nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000 – 2007 cho thấy số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỉ ngày càng nhiều; số lượng trẻ tự kỉ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000; xu thế mắc tự kỉ tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004 – 2007 so với năm 2000.

Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, không quá khó khăn để tìm kiếm một trường, trung tâm đào tạo nghề cho người khiếm thính, khiếm thị hoặc khuyết tật vận động. Nhưng đối với thanh thiếu niên rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) điều đó không phải là dễ dàng.

Học sinh rối loạn phổ tự kỷ: Định hướng nghề thế nào để tự lập? - 1

Từ kỹ năng sống cho tới việc chuẩn bị một cuộc sống độc lập, tự chủ của thanh thiếu niên rối loạn phổ tự kỷ vẫn là một bài toán khó.

Nhiều trẻ RLPTK sau khi được can thiệp tại các Trung tâm, trường học hoà nhập, đến sau 10 tuổi phải ở nhà vì các cơ sở đó không đủ điều kiện để tiếp tục tiếp nhận trẻ.

Theo PGS.TS Phạm Minh Mục, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, cho biết: “Trước đây, các trung tâm chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật tại Hà Nội hiện chỉ tập trung vào mảng can thiệp sớm và hỗ trợ học đường.

Cả nước có rất ít những trung tâm, trường học đào tạo hướng nghiệp cho thanh thiếu niên khuyết tật đặc biệt là trung tâm dành cho nhóm rối loạn phát triển trong độ tuổi từ 14 đến 24 - giai đoạn cần tác động nhất trong quá trình trưởng thành và phát triển nhân cách, tâm sinh lý.

Đây là niềm trăn trở không chỉ riêng phụ huynh mà của nhiều thầy cô giáo, của những trường học dành cho học sinh khuyết tật…”.

Học sinh rối loạn phổ tự kỷ: Định hướng nghề thế nào để tự lập? - 2

PGS.TS Phạm Minh Mục, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia trăn trở về đào tạo hướng nghiệp cho trẻ rối loạn phát triển trong độ tuổi từ 14-24.

Còn TS Đào Thị Thu Thủy - người dành nhiều tâm huyết trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt và thực hiện dự án hướng nghiệp cho thanh thiếu niên RLPTK và khuyết tật trí tuệ (KTTT) mang tên SEED CENTER - chia sẻ: “Hầu hết những trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ rất hạn chế về hoạt động giao tiếp và kỹ năng sống.

Nhiều em đến tuổi vị thành niên rồi nhưng không biết làm bất cứ công việc gì, dù đơn giản nhất bởi thiếu môi trường học hỏi, thực hành.

Qua tiếp xúc và làm việc trực tiếp, chúng tôi nhận ra được ưu điểm và thế mạnh của các em. Ý tưởng hướng nghiệp cho thanh thiếu niên RLPTK và KTTT cũng là để đồng hành, sẻ chia một phần khó khăn của các em”.

Học sinh rối loạn phổ tự kỷ: Định hướng nghề thế nào để tự lập? - 3

TS Đào Thị Thu Thủy cho rằng việc hướng nghiệp cho thanh thiếu niên RLPTK và KTTT cũng là để đồng hành, sẻ chia một phần khó khăn của các em.

Hiện tại, một số trung tâm đào tạo hướng nghiệp dần hình thành giúp các em vừa được bổ trợ kiến thức ứng dụng trong cuộc sống, vừa được rèn luyện kỹ năng sống tự lập và bước đầu định hướng nghề nghiệp và học nghề.

Tuy nhiên, từ các nghề đã được học, việc thanh thiếu niên RLPTK ứng dụng những kiến thức đã được học ấy trong cuộc sống như thế nào vẫn đang còn rất nhiều khó khăn.

Trước mong muốn của phụ huynh có con RLPTK và KTTT trong độ tuổi thanh thiếu niên, dự kiến buổi hội thảo - tọa đàm khoa học “Mô hình giáo dục hướng nghiệp cho thanh thiếu niên rối loạn phổ tự kỷ và khuyết tật trí tuệ trên thế giới và Việt Nam” do Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Hướng nghiệp VIPOWER SEED (thuộc Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tâm lý trị liệu và Phát triển Nguồn Nhân lực) sẽ được tổ chức vào 8h30 sáng 4/7 tại Tầng 3, Cung Trí thức Thành phố (Số 01 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội).

Đây là dịp để phụ huynh có con RLPTK và KTTT trong độ tuổi thanh thiếu niên được tìm hiểu một mô hình giáo dục phù hợp và định hướng nghề nghiệp trong tương lai, giúp các em có những lựa chọn cho cuộc sống phía trước được tự chủ, bớt khó khăn hơn.

T.Nga

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm