TPHCM:

Học sinh lớp 8 choáng với đề Văn ra về “đức dày”, “tứ tán”

(Dân trí) - Có một câu trong đề thi học kỳ môn Văn lớp 8 ở quận 3, TPHCM đề cập “giàu về vật chất, nghèo về tinh thần” được cho là quá khó, nhất là khi đề này tương tự với đề nâng cao ở khối 11.

Sáng 15/12, ngay sau buổi thi học kỳ môn Văn, nhiều học sinh khối 8 ở Q.3, TPHCM than đề thi ở câu nghị luận xã hội quá sức của các em. Đoạn trích khó hiểu, khó lập luận so với khả năng chung của các em.

Đề Văn về giàu vật chất, nghèo tinh thần trong kỳ thi học kỳ của học sinh khối 8 ở Q.3, TPHCM bị phán ảnh là quá sức với học sinh
Đề Văn về "giàu vật chất, nghèo tinh thần" trong kỳ thi học kỳ của học sinh khối 8 ở Q.3, TPHCM bị phán ảnh là quá sức với học sinh

Cụ thể, trong đề, câu nghị luận trích đoạn của nhà văn Nguyễn Khải như sau:

“Còn gì đáng buồn hơn khi mà giàu có về vật chất thì lại nghèo nàn đến thảm hại về văn hóa tinh thần. Một bộ phận thanh niên bây giờ nghĩ nhiều, nói nhiều đến tiền bạc, hưởng thụ. Ăn mặc đẹp sang trọng, tiện nghi hiện đại lắm, nhưng con người thì vô cùng mỏng. Gió thổi nhẹ là bay biến tứ tán ngay. Ngày trước dân ta nghèo nhưng đức dày, nhân cách vững vàng, phong ba bão táp không hề gì,… chung quy tại giáo dục mà ra. Cha mẹ bây giờ chiều con quá, không để chúng thiếu thốn gì. Vì thế mà chúng rất mong manh, dễ vỡ, dễ hư hỏng".

Từ đoạn trích trên, câu nghi luận trong đề yêu cầu học sinh viết văn bản nghị luận khoảng 1 trang giấy thi trình bày suy nghĩ về những điều gợi lên từ nội dung trên.

Nhiều giáo viên dạy Văn cho hay đề thi trên sử dụng lại đề thi nghị luận xã hội trong bộ đề thi Olympic 30/4 của tỉnh Vĩnh Long. Cùng là đoạn trích này, phần yêu cầu có thay đổi một chút về về cách thể hiện nhưng nội dung giống nhau. Và với đoạn trích và yêu cầu như trên, theo các giáo viên là “quá sức” so với học sinh lớp 8 vì ngay với học sinh bậc THPT cũng đã không đơn giản.

Nhất là nội dung khá mơ hồ, không rõ nghĩa, câu chữ mang tính triết lý sâu xa không thích hợp với tư duy của học sinh lớp 8. Các em phù hợp những vấn đề đơn giản, dễ hiểu hơn.

Một giáo viên dạy Văn bậc THPT ở TPHCM cho hay, đoạn trích trong đề thi ngày nằm trong sách Ngữ văn nâng cao lớp 11. Với câu hỏi nghị luận như trên thì mặt bằng chung với học sinh ở bậc THPT cũng đã quá sức nên cô khá bất ngờ đề này lại được sử dụng cho học sinh khối 8.

Thầy L.T., giáo viên Văn bậc THCS ở Q.1, TPHCM bày tỏ, đối với học sinh lớp 8, các em mới bắt đầu làm quen với kiểu nghị luận xã hội. Thậm chí, lớp 9 thì sang học kỳ 2, các em mới được học nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý và hiện tượng đời sống.

Vì vậy, khi mới đọc đề Văn này, học sinh lớp 8 dễ rơi vào tâm lý hoang mang về việc xác định vấn đề nghị luận, rồi kiểu bài nghị luận xã hội. Hoang mang với các khái niệm về văn hóa tinh thần, con người vô cùng mỏng…

“Đoạn trích của đề cũng xuất hiên các từ ngữ đòi hỏi khả năng liên tưởng, khả năng giải thích các từ ngữ Hán Việt như đức dày, tứ tán… Các dữ liệu trong đề dễ làm học sinh mất tập trung, bối rối. Với đề Văn như thế, theo tôi chưa thật sự phù hợp với học sinh lớp 8”, thầy T. nêu quan điểm.

Về đề thi Văn gây nhiều tranh cãi nói trên, bà Dương Hữu Nghĩa, Phó phòng GD-ĐT Q.3 cho hay, hiện nay việc trích dẫn đoạn văn dưa vào đề thi rất phong phú, đa dạng, không đóng khung trong một giới hạn nào. Các giáo viên có thể tham khảo, sưu tầm làm sao để nội dung phù hợp với thực tế cuộc sống, với lứa tuổi.

Nếu như nói dùng đề thi ở THPT để “làm khó” các em, theo bà Nghĩa như vậy là hơi gượng ép. Từ một nội dung, các em ở bậc THCS cũng có thể thể hiện suy nghĩ, quan điểm theo lứa tuổi. Và những em ở bậc THPT hay những người lớn hơn sẽ lại thể hiện theo cách nhìn, mức độ cao hơn, trải nghiệm hơn…

Bà Nghĩa cũng nói thêm, khi đưa một đoạn trích dẫn vào đề, họ quan tâm đến tính giáo dục để từ đó học sinh nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình chứ không để ý đến việc đã trường nào, nơi nào sử dụng đề này hay chưa.

Lê Đăng Đạt