Học sinh làm bài kiểm tra bằng điện thoại: Lạ và lo!
(Dân trí) - Gần 1.000 học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang, TPHCM trải qua bài kiểm tra giữa kỳ nhiều môn học bằng điện thoại cá nhân có kết nối wifi. Thông tin này làm nhiều người khấp khởi, nôn nao nhưng cũng có lắm lo ngại.
Trong buổi kiểm tra môn Toán qua điện thoại tại một lớp 12, Trường THPT Trần Hữu Trang, điện thoại của một nữ sinh không vào được phần làm bài. Ngay lập tức, em được thầy giáo chỉ dẫn lên phòng máy của trường làm bài kiểm tra. Hơn 40 học sinh trong lớp làm bài trên điện thoại dưới sự giám sát của giáo viên.
Gần 1.000 học sinh của trường làm bài kiểm tra giữa kỳ 1 cho cả 3 khối với hình thức kiểm tra trực tuyến, làm bài ngay trên điện thoại cá nhân. Hình thức này áp dụng cho các môn học, trừ 3 môn Văn, Thể dục và Giáo dục quốc phòng.
Ông Võ Thiện Cang, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước khi kiểm tra chính thức, nhà trường đã cho học sinh tập dượt kiểm tra thử, sau đó triển khai đến 100% khối lớp của trường.
Trước đó, giáo viên được tập huấn để chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc làm bài trực tuyến. Mỗi giáo viên bộ môn vẫn biên soạn đề kiểm tra theo ma trận đề như trước, nộp cho tổ trưởng chuyên môn. Phó hiệu trưởng là người cuối cùng duyệt đề kiểm tra. Mỗi đề thi tự động đảo thành 8 mã đề.
Sau khi thí sinh bấm nút nộp bài, bài thi được chấm ngay lập tức trên hệ thống, tự động vào sổ điểm, và báo điểm ngay cho thí sinh.
Năm học vừa rồi, thi giữa kỳ học kỳ 2, Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM cũng làm bài thi môn Toán trực tuyến qua hệ thống máy tính của nhà trường.
Sau lần thí điểm trên máy tính này, Trường THPT Nguyễn Du dự định sẽ triển khai kiểm tra qua điện thoại, ở nhiều môn học.
Việc thi trên điện thoại, các trường kết hợp với một đơn vị khảo thí online. Được biết, qua hệ thống website, giáo viên thực hiện nhiều khâu trong dạy học như kho đề mẫu, soạn đề thi, giao bài tập, chấm điểm, vào sổ điểm, báo điểm tới phụ huynh...
Theo ý kiến các trường, hiện tại học sinh nào cũng có smartphone và có thể biến điện thoại thành một công cụ học tập hữu hiệu. Qua đó kích thích tinh thần học tập cũng như sự tìm tòi học hỏi của học trò. Còn giáo viên giảm được nhiều áp lực công việc, sổ sách và cũng có điều kiện va chạm, cọ xát với công nghệ.
Nhiều giáo viên bày tỏ, với cách thức này giúp giáo viên giảm nhiều áp lực về soạn đề, chấm bài, vào sổ điểm. Độ chính xác trong việc chấm thi cũng có thể cao hơn, tránh được những sai sót hay tiêu cực không đáng có.
Còn nhiều e ngại
Thông tin học sinh làm bài kiểm tra qua điện thoại làm rất nhiều người nôn nao, tò mò. Một số giáo viên, học sinh tại các trường học ở TPHCM khấp khởi mong sẽ được thử kiểm tra qua hình thức này.
Tuy nhiên, cũng không ít lo ngại được nhắc đến như gian lận thi cử, trường hợp học sinh không có điện thoại, rồi đường truyền internet...
Nhất là vấn đề gian lận thi cử, điện thoại vốn là công nghệ được cảnh báo, nhắc đến nhất trong các kỳ thi như một "vật dụng gian lận". Ở đây, học sinh lại làm bài trực tiếp trên điện thoại của mình, có nối wifi. Nhiều người băn khoăn, các trường đã tính đến phương án học sinh có thể gửi đề ra ngoài bằng nhiều hình thức kết nối để nhờ giải.
Giáo viên hướng dẫn học sinh làm bài kiểm tra qua điện thoại
Việc làm bài kiểm tra cũng có những yêu cầu chặt chẽ với học sinh, các em phải thoát hết các ứng dụng mạng xã hội, kết nối.
Ông Võ Thiện Cang cho hay, thời gian kiểm tra 45 phút, đề thi trắc nghiệm rất khít với thời gian làm bài, học sinh sẽ không hoàn thành được hết bài kiểm tra nếu có ý định gian lận. Rồi mỗi lớp có mã đề khác nhau tránh gian lận, trong lớp khi các em làm bài còn có sự giám sát của giáo viên.
Khi tổ chức hình thức thi này, đòi hỏi các trường phải có sự chuẩn bị kỹ về mặt cơ sở vật chất, đường truyền internet, phải nắm được tỷ lệ các em sử dụng điện thoại, phòng máy tính của trường phải đảm bảo trường hợp học sinh không có hoặc điện thoại gặp sự cố.
Ngoài ra, chi phí cho hình thức này cũng là vấn đề nhiều trường sẽ phải cân nhắc, tính toán. Được biết, chi phí mỗi năm là 50.000 đồng/học sinh/môn.
Hoài Nam