Học sinh không dám chọn ngành yêu thích | Báo Dân trí

Học sinh không dám chọn ngành yêu thích

Thời điểm thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ và THCN là 10/3, nhưng đến nay, các điểm thu nhận hồ sơ dự thi vẫn “án binh bất động”. Thí sinh đang phân vân, chưa biết chọn trường nào, ngành nào cho... dễ trúng tuyển!

Nộp nhiều hồ sơ để lựa chọn vào phút cuối

 

“Ngày nay, nhiều học sinh không dám chọn ngành nghề mình yêu thích để dự thi”, đó là nhận xét của cô Sương Mai, phụ trách thí vụ ở trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai.

 

Theo cô Sương Mai, học sinh không được toàn quyền chọn ngành, nghề mình yêu thích để dự thi vì bị chi phối bởi nhiều lẽ: Sức học không phù hợp, sợ thi trượt nên phải chọn những ngành, nghề khác dễ trúng tuyển hơn; Buộc phải chọn những ngành nghề mình không yêu thích vì tuân theo ý kiến của bố mẹ; Chọn những ngành nghề “thời thượng” theo sở thích tập thể...

 

Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai có 840 học sinh lớp 12 nhưng số hồ sơ đăng ký dự thi (HSĐKDT) vào ĐH, CĐ được phát ra là 4.600 bộ. Trung bình mỗi học sinh mua gần 5,5 bộ hồ sơ. Cá biệt, có học sinh mua đến 8 bộ.

 

Trường PTTH Lê Quý Đôn có 774 học sinh lớp 12, lượng HSĐKDT được phát ra hơn 4.500 bộ, trung bình một học sinh mua 5,8 bộ.

 

Trường PTTH bán công Marie Curie là một trong những trường có số học sinh lớp 12 đông nhất TPHCM với 1.612 em. Tính đến ngày 22/3, nhà trường đã bán ra hơn 6.000 bộ HSĐKDT. 

 

Một học sinh tên V đang học lớp chuyên Vật lý ở trường Nguyễn Thị Minh Khai cho biết em mua và làm một lúc 5 hồ sơ dự thi để chọn lựa vào phút cuối.

 

Cô Huỳnh Thị Liễu, cán bộ phụ trách thí vụ trường PT TH Lê Quý Đôn nhận định: áp lực lớn nhất đối với học sinh trong thời điểm này là  phải vào được đại học, bất kể đại học gì. Do vậy, các em  làm một lúc nhiều bộ HSĐKDT vào nhiều trường, nhiều ngành khác nhau và chấp nhận tốn kém tiền mua hồ sơ.

 

Đừng chọn theo cảm tính

 

Vì mang nặng tâm lý “ăn thua” nên nhiều học sinh bỏ qua những ngành nghề mình yêu thích để chọn những ngành nghề  mà các em dự đoán... là dễ trúng tuyển.

 

“Căn cứ” để xác định trường dễ trúng tuyển, theo quan niệm của học sinh, đó những trường nhận ít HSĐKDT qua những con số do báo chí đăng tải vào những ngày sắp diễn ra kỳ thi tuyển sinh. Lúc này, có sẵn trên tay nhiều phiếu dự thi, các em sẽ dự thi vào những trường nào có ít HSĐKDT nhất.

 

Cô Huỳnh Thị Liễu phân tích:  Chọn trường thi, ngành thi kiểu này rất cảm tính, có thể dẫn đến tình huống “dở khóc dở cười”. Trường có ít HSĐKDT lại là trường có số thí sinh có mặt dự thi đông. Trong khi đó, trường có số thí sinh đăng ký dự thi đông nhưng thực tế, thí sinh có mặt dự thi ít vì tình trạng thí sinh “ảo”.

 

Mặc dù học sinh chưa nộp lại HSĐKDT nhưng qua công tác tư vấn, thăm dò, cô Kim Anh (cán bộ thí vụ trường Marie Curie)  nhận xét: Ngoại trừ một vài học sinh mua 7-8 bộ hồ sơ vì chưa xác định trường, ngành thi, còn lại đa số các em mua 4 bộ, trừ hao 1 bộ vì viết sai, còn lại 3 bộ. Các em sẽ nộp vào 3 trường theo 3 đợt thi: Một trường ĐH khối A (đợt 1), một trường ĐH khối B, khối C hoặc khối D (đợt 2) và một trường CĐ (đợt 3).

 

Khảo sát ngẫu nhiên một lớp học có 55 học sinh ở trường Marie Curie, có đến hơn 1 nửa trong số đó cho biết các em sẽ đăng ký vào trường ĐH Kinh tế TPHCM vì trường này có chỉ tiêu cao,  điểm chuẩn tương đối  “mềm” nên cơ hội trúng tuyển lớn.

 

Thực tế, “bí quyết” chọn trường dễ trúng tuyển như thế này xem ra đã bị “bắt giò”. Bằng chứng là điểm chuẩn trường ĐH Kinh tế TPHCM ngày càng “đội” lên cao vì ngày càng có nhiều thí sinh đổ xô vào tranh suất.

 

Ở một khía cạnh khác, nhiều học sinh căn cứ vào hệ số  “chọi” giữa các trường, các ngành được công bố trên các báo để làm căn cứ nộp HSĐKDT. Tất nhiên, để dễ trúng tuyển, học sinh “né” trường có hệ  số “chọi” cao.

 

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM  “cảnh báo” rằng hệ số “chọi” hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Bằng chứng là, hệ số “chọi” ở các trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM rất thấp nhưng điểm chuẩn lại cao “chót vót”.

 

Theo lời khuyên của nhiều chuyên gia tuyển sinh, các em hãy bình tĩnh chọn lựa những ngành, nghề mình yêu thích, phù hợp với năng lực học tập của bản thân để đăng ký dự thi vì thời hạn nộp HSĐKDT còn dài.

 

Theo Lý Thành Tâm

Tiền Phong