Sóc Trăng:
Học sinh An Lạc Thôn làm bao bì từ... lá dứa
(Dân trí) - Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng năm 2015, học sinh Trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đã vinh dự được trao giải Nhất cho đề tài “Tơ sợi thiên nhiên”, một sản phẩm thân thiện với môi trường được các em chế tạo từ lá khóm (dứa).
Đề tài “Tơ sợi thiên nhiên” từ cây khóm do nhóm học sinh Lê Song Hồ, Trần Thanh Tú, Nguyễn Liêm Phúc, Ngô Tường Khánh, Mai Nguyễn Bảo Hân thực hiện.
Nói về đề tài này, em Lê Song Hồ cho biết: Đã nhiều năm qua, dư luận rất quan tâm đến vấn đề chất thải, rác thải từ sinh hoạt, cuộc sống, sản xuất…ra môi trường, trong đó có vấn đề túi nilon. Có thể nói, túi nilon đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng. Đặc biệt là các loại túi siêu mỏng được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi từ cửa hàng bán rau, dưa cà muối… đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Thậm chí ngay cả ở cửa hàng bán đồ ăn thức uống cho người lớn, cháo dinh dưỡng dành cho trẻ em thì túi nilon cũng được sử dụng nhiều. Việc sử dụng túi nilon trước mắt rất tiện lợi nhưng những ảnh hưởng của nó đến môi trường và sức khoẻ của con người là rất lớn nhưng hầu như chúng ta không ai chú ý đến.
Làm thế nào để sản xuất ra một loại sản phẩm có thể thay thế chất liệu nilon mà không gây ô nhiễm môi trường, thân thiện với môi trường? Đó là câu hỏi lớn cho mọi người. Trước thực trạng trên, nhóm học sinh Trường THPT An Lạc Thôn đã tìm ra “Tơ sợi thiên nhiên” có thể đáp ứng được các yêu cầu trên từ lá khóm.
Nói về quá trình thực hiện đề tài, em Song Hồ cho biết: “Được sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Ngọc Hải, chúng em thu gom các lá khóm từ các bụi khóm sau khi thu hoạch và trích lấy sợi tơ từ các lá khóm và dệt thành tấm vải. Từ các tấm vải này có thể sản xuất ra các bao bì hay tạo ra các hàng thủ công mỹ nghệ vừa thời trang vừa bảo vệ môi trường và có độ bền cao.
Quy trình sản xuất tơ sợi thiên nhiên của nhóm học sinh như sau: Thu gom lá khóm sau khi thu hoạch xong từ các hộ dân trong khu vực và tiến hành rửa sạch, sau đó đập dập lá hay sử dụng vi sinh vật phân hủy thịt lá. Tiếp theo là loại bỏ phần thịt lá, giữ lại các “sợi tơ”. Riêng phần thịt lá dùng để ủ làm phân bón hữu cơ cung cấp cho cây trồng. Khi có các sợi tơ rồi đem phơi các “sợi tơ” đó. Để tăng thêm sự đa đang của sản phẩm, có thể nhuộm màu các “tơ sợi” bằng các chế phẩm sinh học nhằm đáp ứng các nhu cầu và thị hiếu cũng như phù hợp với các sản phẩm định hướng khi sử dụng “tơ sợi” cho mục đích sử dụng. Cuối cùng là thao tác dệt các “sợi tơ” thành các “mảnh vải” và tạo ra các sản phẩm bao bì, các hàng thủ công mỹ nghệ thời trang và tạo theo sở thích và nhu cầu của mọi người.
Theo thầy Nguyễn Ngọc Hải (giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện đề tài) cho biết, cây khóm có quả chứa nhiều nước và các chất protit, gluxit, canxi, sắt, vitamin C, photpho… Ngoài ra còn có các sinh tố A, B1, B2, C, P, PP, E,… Đây là loại cây ngắn ngày được trồng phổ biến ở các vùng nhiễm phèn của Việt Nam, nhất là khu vực ĐBSCL, có giá trị dinh dưỡng cao và được chế biến xuất khẩu sang các nước khác.
Hàng năm, Việt Nam thu hoạch trên dưới 600.000 tấn khóm và điều này cũng đồng nghĩa với việc bỏ đi một lượng gấp đôi lá khóm không sử dụng. Việc bỏ khối lượng lá khổng lồ đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm các dòng chảy, làm mất vẻ mỹ quan vào mùa thu hoạch.
Trước thực trạng trên, nhóm tiến hành nghiên cứu việc sử dụng lại các “tơ sợi” trong lá khóm có khả năng chịu lực cao để dệt thành các “tấm vải” nhằm “sản xuất” ra các bao bì, dây thừng, hàng thủ công mỹ nghệ hợp thời trang vừa bảo vệ môi trường và có độ bền cao có thể thay thế các sản phẩm từ nhựa, nilon, sợi tổng hợp,…. khó phân hủy gây ô nhiễm môi trường, đây là vấn đề quan tâm trên toàn cầu. Qua đó, có thể giáo dục cho mọi người có ý thức sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng thu nhập cho người dân trồng khóm.
Nhóm học sinh thực hiện đề tài nhận giải Nhất tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng 2015.
Nói về hiệu quả của đề tài, em Mai Nguyễn Bảo Hân tâm sự: Cây khóm có rất nhiều ở khu vực ĐBSCL nên nguyên liệu sản xuất rất phong phú, dễ kiếm và rẻ tiền. So với các sản phẩm hiện có trên thị trường cũng làm từ sản phẩm thiên nhiên như sơ dừa, cói (lát), lục bình, đay,… thì “tơ sợi” lấy từ lá khóm có độ mịn và bền chắc hơn. Ngoài ra, các “tơ sợi” tách ra từ lá khóm có thể tạo ra các sản phẩm rất da dạng: dùng làm dây thừng, dây cột, bao bì, túi xách, thảm, nón (mũ), giày, dây nịt (thắt lưng), trang phục thời trang,…. Các sản phẩm tạo ra thân thiện với môi trường vừa đẹp, vừa bền, vừa thời trang, tái sử dụng các phế phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho những người trồng khóm, tạo công việc làm cho các hộ dân trong khu vực, tăng giá trị cây khóm cao hơn.
Cao Xuân Lương