Quảng Trị:

Học sinh 5 lớp "chen chúc" trong 1 phòng học

(Dân trí) - Đó là điểm trường Tà Cu thuộc Trường tiểu học xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hiện điểm trường Tà Cu có 53 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng chỉ có duy nhất một phòng học.

Nghị lực vượt khó của học sinh Vân Kiều

Sau nhiều giờ “đánh vật” trên con đường lởm chởm đầy đá hộc, mưa ướt nhoẹt, chúng tôi mới đến được điểm trường Tà Cu, Trường Tiểu học Húc. Chưa hết ái ngại vì đường sá đi lại vất vả, chúng tôi cảm thấy càng xót xa trước điều kiện học tập vô cùng khó khăn của học sinh Vân Kiều nơi đây. Dù trước khi đến với điểm trường này, người viết đã nghe một số thầy, cô trong trường kể về sự thiếu thốn, cũng như không ít gian nan mà thầy, trò trong trường phải chịu đựng suốt bao năm qua.

Tận mắt chứng kiến điều kiện dạy và học tại điểm trường Tà Cu, chúng tôi nhận thấy sự xuống cấp nghiêm trọng, lẫn sự thiếu thốn ở điểm trường này. Do đã qua thời gian sử dụng lâu năm khiến trần nhà đã bị hỏng nên hễ mưa nhỏ cũng rất dễ thấm nước. Đặc biệt, những lúc trời mưa to, nước bên ngoài thấm dột gây ảnh hưởng đến việc học tập của các em học sinh.

 

Học sinh 5 lớp "chen chúc" trong 1 phòng học - 1

Phòng học được các thầy giáo ngăn làm đôi để phục vụ việc dạy chữ cho học sinh

Một số hạng mục như cửa phòng, nền nhà bị hư hỏng đã được giáo viên dạy học ở đây khắc phục tạm bợ. Thương nhất vẫn là các em học sinh lớp 1, 2 phải ngồi học trên những chiếc bàn quá cao so với dáng người, nên cứ mỗi lần chép, đọc bài các em phải nhón người lên mới viết, đọc được mặt chữ.

Tiếp chuyện chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Đình Phương (giáo viên chủ nhiệm lớp 3), đã dạy học ở điểm trường Tà Cu 18 năm nay, cho hay: “Điểm trường Tà Cu gồm 1 phòng học rộng khoảng 25 m2 và 1 phòng đợi dành cho giáo viên rộng chừng 10 m2. Do lượng học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 5 khá đông nên các thầy giáo dành phòng đợi của mình để các em học sinh có chỗ học tập. Riêng phòng học lớn, chúng tôi phải dùng tre nứa đan thành tấm phên ngăn chia làm 2 lớp học.

 

Học sinh 5 lớp "chen chúc" trong 1 phòng học - 2

Tại điểm trường Tà Cu hiện có 53 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng chỉ có duy nhất một phòng học

Nói về những khó khăn trong quá trình dạy học tại đây, thầy Phương cho biết: “Vào mùa nắng thì không sao, chứ đến mùa mưa trần nhà bị dột nước khiến việc học tập của các em học sinh bị gián đoạn. Không những vậy, hệ thống điện chiếu sáng cũng bị hư hỏng gây trở ngại trong việc giảng dạy và học tập rất nhiều”.

Giáo viên nhiệt tình cắm bản

Được biết, điểm trường Tà Cu được xây dựng từ năm 1997, hiện nay điểm trường có tổng cộng 53 em học sinh người đồng bào Vân Kiều, đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5 và có 5 thầy giáo đứng lớp.

Để nâng cao chất lượng, đảm bảo việc dạy học đạt kết quả tốt, nhà trường đã tổ chức dạy phụ đạo ngoài giờ để bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, do thiếu phòng học nên các thầy cố gắng sắp xếp các tiết học, lớp học một cách linh động nhằm đảm bảo việc tiếp thu kiến thức cho các em.

Thầy Trần Đức Vinh (giáo viên chủ nhiệm lớp 2) trăn trở, cơ sở vật chất của trường hiện đã bị xuống cấp nhiều, không đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Trong khi đó, học sinh lại đông nên những lúc dạy phụ đạo cho các em, các thầy giáo phải đến xin nhờ các hộ dân sống ở gần trường để nghỉ trưa và sinh hoạt, đến đầu giờ chiều lại tiếp tục việc dạy học.

Tuy nhiên, trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn như vậy, các thầy, cô giáo nơi đây vẫn nhiệt tình “cắm bản”, tận tình dạy học cho những học sinh Vân Kiều giữa miền núi rừng xa xôi. Ngoài trách nhiệm với nghề, lòng nhiệt huyết của các thầy, cô không nằm ngoài mong muốn là học sinh nơi đây biết đọc, viết thông thạo, thay đổi và nâng cao nhận thức cho các em. Và trên hết là mở ra cánh cửa tương lai từ con đường học vấn, góp phần thay đổi cuộc sống cho các em sau này.

Thầy Lê Văn Quảng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc cho biết, trong số các điểm lẻ thuộc trường Tiểu học Húc thì 2 điểm Ho Le và Tà Cu được xem là những nơi khó khăn nhất. Do nằm cách xa trung tâm từ 7- 10 km, đường sá đi lại khá vất vả, nhiều đèo dốc nên các thầy, cô giáo phải vào “cắm bản” để dạy chữ cho các em. Đến cuối tuần các thầy, cô ở những điểm trường này mới có cơ hội về với gia đình.

Nhiều năm qua, học sinh tại những nơi này phải học tập trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Đáng nói là hệ thống cơ sở vật chất đã xuống cấp, chưa có kinh phí để tu sửa lại. Đối với thầy, cô thì ngoài lương cũng không có khoản trợ cấp gì khác, còn học sinh đi học nhưng thiếu thốn về sách vở, trang phục, dày dép.

 

Học sinh 5 lớp "chen chúc" trong 1 phòng học - 3

Học sinh của trường giao lưu với lực lượng đoàn viên, thanh niên

Mong ước ngôi trường được nâng cấp

Thấu hiểu những khó khăn của học sinh Vân Kiều vùng giáp biên giới thuộc xã Húc, vừa qua lực lượng đoàn viên, thanh niên thuộc Diễn đàn tuổi trẻ Quảng Trị đã đến thăm và mang theo nhiều phần quà ý nghĩa để tặng các em.

Trong chuyến tình nguyện lên với các em học sinh nghèo nơi đây, đoàn đã trao 100 suất quà, gồm: áo ấm, chăn ấm, sữa, thức ăn…cho học sinh ở điểm trường Tà Cu và Ho Le. Ngoài ra, nhóm tình nguyện cũng đã tiến hành tu sửa phòng học, hệ thống điện, mua tặng quạt…để học sinh được học tập trong phòng học sạch sẽ và an toàn hơn.

 

Học sinh 5 lớp "chen chúc" trong 1 phòng học - 4

Lực lượng đoàn viên, thanh niên giúp nhà trường làm lại hệ thống cửa cho chắc chắn

Phải dạy và học trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp như ở Tà Cu, các thầy giáo, học sinh ở đây vẫn hằng mong ước ngôi trường sẽ được nâng cấp, cơi nới rộng rãi để phục vụ tốt nhất việc dạy và học. Nhưng ước mơ đó bao năm nay vẫn chưa thành hiện thực.

Thầy Quảng cho biết: “Nhà trường đã gửi tờ trình, mong muốn cấp trên quan tâm phân bổ kinh phí để cải thiện cơ sở vật chất, nhằm đảm bảo tốt việc dạy học, góp phần nâng cao chất lượng cho học sinh, nhưng vẫn chưa được giải quyết”.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm