Học ngoại ngữ đúng cách

Giỏi ngoại ngữ là ước mơ của tất cả mọi người, nhưng học thế nào cho hiệu quả thì không phải ai cũng biết. Một vài lời khuyên dưới đây có thể sẽ giúp bạn thành công hơn trong nỗ lực làm chủ một ngôn ngữ thứ hai.

Học và sử dụng thành thạo ngoại ngữ phụ thuộc chủ yếu vào ba nhân tố: giáo viên, giáo trình và chính bản thân người học.

 

Đối với giáo viên, rất nhiều bạn chọn cách học ngoại ngữ với người bản xứ. Ưu điểm: Bạn có cơ hội thực tập ngôn ngữ. Tuy nhiên, lựa chọn này không là tối ưu nếu người bản xứ đó không có khả năng sư phạm.

 

Về việc lựa chọn giáo trình, các tiêu chí: phù hợp với trình độ, nội dung đầy đủ nhằm phát triển cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là điều đặc biệt quan trọng. Một giáo trình sơ cấp có quá nhiều từ chuyên ngành, hay quá tập trung vào một hay hai kỹ năng, sẽ không đem lại hiệu quả cho những người đang học ở trình độ thấp.

 

Gắn liền với giáo trình là phương pháp giảng dạy - nhân tố góp phần không nhỏ vào hiệu quả của một khoá học. Có hai phương pháp giảng dạy chính đang được sử dụng trong việc dạy và học ngoại ngữ ở nước ta: Phương pháp giảng dạy truyền thống (Traditional teaching method) và phương pháp ngữ pháp (Grammar teaching method).

 

Trong cả hai phương pháp này, người dạy đưa ra nội dung bài học và người học tiếp thu một cách bị động. Kỹ năng nghe và nói không được phát triển một cách hoàn chỉnh, người học sẽ không học được cách vận dụng những cấu trúc câu vào ngữ cảnh cụ thể. Sự trao đổi, giao tiếp giữa người dạy và người học bị hạn chế.

 

Tại sao bạn không chọn phương pháp giao tiếp (Communicative teaching method)? Người dạy sẽ đưa ra ngữ cảnh thực tế, giúp người học tự nhận ra những cấu trúc câu được sử dụng trong ngữ cảnh đó. Người học được tham gia bài học một cách chủ động, luyện tập những cấu trúc câu trong những ngữ cảnh diễn ra trên thực tế, tạo sự trao đổi sôi nổi trong lớp học.

 

Phương pháp này lấy người học làm trung tâm. Điều đó giúp bạn cải thiện đáng kể khả năng trau dồi ngoại ngữ, chỉ sau một thời gian ngắn.

 

Lẽ đương nhiên, để đạt được hiệu quả cao trong học tập, quan trọng hơn cả và quyết định chính vẫn là ở bản thân người học. Nếu muốn làm chủ một ngôn ngữ mới, hãy biết xác định rõ ràng mục tiêu khi học, và dành thời gian học tập nghiêm túc. Hầu hết những bạn trẻ giỏi ngoại ngữ đều khẳng định bí quyết của họ là biết biến kiến thức của giáo viên thành kiến thức của mình. Ngoài ra, biết tận dụng mọi cơ hội trao đổi với giáo viên và bạn bè trên lớp.

 

Kinh nghiệm của cố học giả Nguyễn Hiến Lê khi học tiếng Anh là mỗi buổi sáng dậy học thuộc chừng 20 từ mới, học cho bằng thuộc, tối đến nhẩm lại cho kỹ rồi tiến hành ghép câu. Quan trọng là bạn đừng bao giờ sợ mình nói sai hay viết sai. Điều ấy không chỉ giúp bạn mạnh dạn hơn mà còn rất có ích trong việc phát triển các kỹ năng giao tiếp. Học phải đi đôi với hành chính là ở đó, nếu muốn thu được kết quả tốt nhất.

 

Theo Mai Thiết Lĩnh

 GD&TĐ