Học hỏi kinh nghiệm để phá bỏ rào cản lý thuyết
(Dân trí) - Hầu hết doanh nhân khi tham gia chương trình “1000 doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên qua Elearning” đều có tâm niệm cần phải phá bỏ rào cản lý thuyết cho các bạn sinh viên, thay vào đó phải là những kinh nghiệm thực tế được đúc kết từ nhiều thế hệ trước.
Cần phá bỏ rào cản lý thuyết
Là một trong những người tham gia chương trình “1000 doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên qua Elearning”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Pháp chế Baoviet Bank - Chủ tịch HĐTV Cty Luật Basico tâm sự: “Theo quan điểm của tôi, trường lớp chỉ là một chương của trường đời. Cần phá bỏ lý thuyết giáo điều để tiếp cận những điều cần cho cuộc sống. Sách vở rất có thể là lạc hậu, sai lầm, nhưng thực tế cuộc sống thì biến đổi hằng ngày và luôn luôn đúng”
Cùng chung tâm trạng ấy, chị Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên viên Nhân sự tuyển dụng và Đào tạo công ty Cổ phần Phần mềm Việt Quốc tế bộc bạch: “ Tôi và các doanh nhân khác, khi tham gia vào chương trình, đều với một lòng tâm huyết và hoài bão có thể chia sẻ những gì mình đã từng trải nghiệm, va vấp để giúp các bạn có một hành trang hoàn hảo hơn khi rời ghế nhà trường và hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng, hòa nhập với môi trường văn hóa doanh nghiệp...”
“Chúng tôi, với tư cách là những đàn anh đàn chị, luôn muốn giúp các em có thể nhìn nhận một cách rõ ràng và cụ thể nhất về bản thân mình, năng lực của chính mình, so với các yêu cầu của nhà tuyển dụng và công việc mà các em hằng mơ ước. Điều chúng tôi mong muốn là giúp các em thành công”, chị Hương nhấn mạnh.
Cũng theo chị Hương, học thôi chưa đủ, sinh viên cần phải làm chủ kiến thức, hiểu vì sao mình phải học những bộ môn này hay khác, hiểu xã hội và doanh nghiệp cần gì, và hiểu trách nhiệm làm chủ tương lai của đất nước. Chỉ với tư thế và tâm thế chủ động như vậy, thế hệ trẻ mới có thể làm tròn trách nhiệm của mình
“Sở hữu kiến thức người khác với chi phí thấp”
Đây là câu nói hóm hỉnh của Luật sư Trường Thanh Đức khi được hỏi sự khác biệt giữa học chính khoa so với các buổi truyền kinh nghiệm.
Theo luật sư Đức thì truyền kinh nghiệm là rút ruột mình ra để chia sẻ với người ta. Cái gì tâm huyết, thiết thực thì trao đổi, nhấn mạnh, cái gì quan trọng, hữu ích thì “nhắc bài” người khác. Cái gì vô bổ thì bỏ qua, cái gì có hại thì phòng tránh.
Truyền kinh nghiệm là dùng “tài sản” kiến thức của mình giúp người khác khỏi phải trả học phí oan uổng hoặc trả ít mà được nhiều. Khác với các buổi học chính khoá là cứ phải bám chặt lấy sách vở, đúng sai hay dở cũng phải nói theo, người học cần hay không cần cũng cứ “tuyên truyền”, bài học có ích hay vô tích sự cũng cứ phải “diễn” cho đúng chương trình. Như vậy thì người dạy mới hoàn thành trách nhiệm và người học mới trả đúng bài, mới vượt “vũ môn” để giành được tấm bằng giấy.
Còn theo chị Lan Hương thì với các buổi học chính khóa, giảng viên là người nói và các bạn sinh viên ghi chép. Có thể nói cách khác là hiện tại chúng ta vẫn học theo phương pháp truyền thống, sinh viên bị động.
Ở hình thức học "truyền kinh nghiệm" này, các doanh nhân đưa ra các chủ để gợi mở, còn các bạn sinh viên làm việc nhóm và cử người lên thuyết trình các vấn đề cơ bản. Sau đó giảng viên sẽ điều chỉnh và trả lời các câu hỏi các bạn đưa ra. Như vậy chỉ trong một chương trình học, các bạn sẽ được rèn luyện rất nhiều kỹ năng: làm việc nhóm, thuyết trình, động não tập thể, trình bày theo sơ đồ giản lược tư duy...
“Tôi thấy hình thức học này rất vừa vặn và phù hợp với cả hai phía: học viên và doanh nhân. Chúng tôi cũng có thể chủ động chia sẻ kiến thức với các bạn cho dù rất bận rộn. Hình thức truyền kinh nghiệm này nên được nhân rộng, nâng cao ý thức xã hội của các doanh nhân, và cũng tạo điều kiện cho các bạn sinh viên tiếp xúc với các doanh nhân thành đạt, tạo động lực cho các bạn phấn đấu và thành công”, chị Hương chia sẻ.
Nguyễn Hùng