Học chương trình quốc tế với mức học phí nội
(Dân trí) - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN vừa công bố tuyển sinh chương trình liên kết đào tạo cử nhân ngành hóa học theo chuẩn quốc tế và thạc sĩ về nano. Chương trình được sự tài trợ của Tổ chức ĐH Pháp ngữ và do ĐH Toulon - Var cấp bằng.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (KHTN) - ĐHQG Hà Nội và ĐH Toulon - Var (Cộng hòa Pháp) vừa tổ chức họp báo về chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Vật liệu hữu cơ cấu trúc nano và độ bền vững và cử nhân ngành hóa học theo chuẩn quốc tế.
Học thạc sĩ chỉ trong 1 năm
Với chương trình đào tạo thạc sĩ, PGS.TSKH Lưu Văn Bôi - Trưởng khoa Hóa học, ĐH KHTN cho biết: Thay vì đào tạo trong 2 năm, khóa đào tạo thạc sỹ trên có thời gian là 1 năm, chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 của khóa học sẽ học lý thuyết khoảng 200 giờ. Toàn bộ nội dung chương trình là của ĐH Toulon - Var và do các giáo sư của ĐH này kết hợp với ĐH KHTN giảng dạy.
Giai đoạn 2 của khóa học - làm luận văn, học viên sẽ được tạo điều kiện làm luận văn ở các phòng thí nghiệm thuộc nhiều trường ĐH nổi tiếng ở Pháp, ở châu Âu và Trường ĐH KHTN, hoặc liên kết thực hiện tại các tập đoàn, nhà máy của Pháp. Ngôn ngữ dạy và học trong chương trình bằng tiếng Pháp và có khoảng 10% bằng tiếng Anh
Đại diện AUF cũng cho biết, mỗi khóa học sẽ có 2-3 suất học bổng của AUF và học bổng do trường ĐH Toulon - Var tài trợ (bao gồm vé máy bay, bảo hiểm, học phí và chi phí ăn ở) trong khoảng thời gian từ 3-5 tháng làm luận văn tại Pháp. Ngoài ra AUF còn hỗ trợ 1-2 suất học bổng (1.50USD/tháng) cho các học viên Việt Nam ở nơi khác từ miền Trung trở vào trong thời gian học tập.
Sau khóa học, những học viên xuất sắc có cơ hội nhận học bổng nghiên cứu sinh của Tổ chức AUF, đại sứ quán Pháp, CNRS, chương trình 322 và nhiều phòng thí nghệm khác tại Pháp cũng như Cộng đồng chung châu Âu.
Để tham gia khóa học, thí sinh phải có bằng ĐH chính quy loại khá trở lên thuộc các ngành liên quan đến hóa học và khoa học vật liệu. Thí sinh phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ để nghe hiểu và giao tiếp với giảng viên.
Học 4 năm, được cấp 2 bằng
Với chương trình đào tạo cử nhân, PGS.TSKH Lưu Văn Bôi cho biết: Chương trình sẽ được tổ chức chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2 năm), sinh viên (SV) được giảng dạy bằng tiếng Việt và được học tiếng Pháp tăng cường do giảng viên người Việt và người Pháp giảng dạy.
Giai đoạn 2 (2 năm), SV được học một số môn do chính giảng viên Pháp giảng dạy. Những môn thi này sẽ thi bằng tiếng Pháp, cùng nội dung với SV của ĐH Toulon - Var. SV viết và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Pháp trước hội đồng quốc tế.
Sau khi kết thúc khóa học, SV sẽ được cấp 2 bằng, một của Trường ĐH KHTN và một bằng quốc tế của Trường ĐH Toulon - Var.
Theo PGS.TS Bùi Duy Cam - Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN thì việc liên kết với trường ĐH của Pháp sẽ tạo cơ hội lớn hơn cho SV. Thứ nhất Việt Nam là một nước thuộc cộng đồng khối Pháp ngữ nên sẽ được ưu ái, thứ hai là điều kiện đầu vào cơ hội nhận học bổng của Pháp “nhẹ ký” hơn so với các chương trình khác.
Được biết, khoa Hóa - ĐH KHTN là một trong những đơn vị được Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm đào tạo chương trình tiến tiến đầu tiên. Bên cạnh đó với sự tài trợ của Tổ chức ĐH Pháp ngữ trong việc đài thọ đi lại, ăn ở của giảng viên Pháp nên chi phí để theo học chương trình này không khác gì SV chính quy khác.
Chương trình liên kết đào tạo cử nhân ngành Hóa học theo chuẩn quốc tế sẽ tuyển sinh trên phạm vi toàn quốc đối với những thí sinh thi khối A vào ngành hóa học, Công nghệ hóa học, Sư phạm hóa học, Hóa dược, Hóa thực phẩm, Hóa sinh,… đạt điểm chuẩn đầu vào của khoa Hóa học - Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Những thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào chương trình phải trải qua một buổi phỏng vấn. Các sinh viên tốt nghiệp cử nhân Hóa học theo chương trình này được xét tuyển thẳng vào lớp đào tạo thạc sỹ về “Vật liệu hữu cơ cấu trúc nano và độ bền vững”. |
Nguyễn Hùng