Học cách để mở lòng
Hai mươi mấy năm gắn bó với nghề dạy học cho trẻ em khuyết tật, cái nghề thầm lặng không cho cô được gì nhiều ngoài niềm hạnh phúc giản đơn khi thấy các em cải thiện từng ngày.
Cuộc hẹn trọn đời với trẻ thiểu năng
Tốt nghiệp ngành Sư phạm năm 1990, cô sinh viên tên Nga với vóc dáng nhỏ nhắn được phân công giảng dạy cho học sinh khiếm thị. Lúc ấy, tuổi trẻ, nhiều năng lượng, cô xem đó là một thử thách nghề nghiệp chứ không hề biết rằng đây chính là bước đệm đưa cô đến với nghề dạy học cho trẻ thiểu năng trí tuệ. Sau ba năm dạy trẻ khiếm thị, cô được luân chuyển sang dạy cho trẻ khiếm thính rồi đến trẻ thiểu năng trí tuệ.
Với cô, bước chuyển này không được xem là lý tưởng, trẻ khiếm thị chỉ bị trở ngại về hình ảnh, trẻ khiếm thính thì gặp vấn đề về ngôn ngữ, nhưng khả năng tiếp thu của các em đều rất tốt, hoàn toàn có thể theo học lên đến trình độ cấp 3, thậm chí đại học. Còn đối với trẻ thiểu năng trí tuệ “thì biết dạy tới khi nào mới xong”. Thế rồi, chính các em đã thay đổi quan niệm đó. Các em hoàn toàn có thể tiếp thu được, tuy rằng đó là một quá trình rất dài và khá vất vả.
Để các em tiến một bước cô phải nỗ lực gấp mười lần so với trước đây, nhưng đó là một kết quả hoàn toàn xứng đáng: cho đứa trẻ 7 tuổi bị chậm hoặc thậm chí không phát triển khả năng ngôn ngữ một giọng nói, giúp trẻ thụ động có thêm tự tin để giao tiếp, phụ giúp cha mẹ… Cứ thế, hai mươi mấy năm gắn bó với nghề, cho dù có lúc mệt mỏi vì áp lực ngày càng tăng hay tuổi tác ngày một leo thang, nhưng cô chưa bao giờ từ bỏ công việc, từ bỏ các em. Ở tuổi 55, cô tiếp tục gửi đơn đề nghị được công tác đến năm 60, cho đến khi không còn sức để làm nữa.
“Tôi không phải là huấn luyện viên”
Cô Nga là gương mặt quen thuộc của Special Olympics - Giải Thể thao Người khuyết tật. Cô đã 2 lần đồng hành cùng các vận động viên thiểu năng trí tuệ tại Special Olympics mùa hè tại Hy Lạp và Special Olympics mùa đông tại Hàn Quốc. Cô cũng là người đã đào tạo ra các vận động viên xuất sắc, mang về cho Việt Nam những huy chương danh giá cả trong lẫn ngoài nước. Nhưng cô chưa bao giờ tự nhận mình là huấn luyện viên.
Chuyên môn của cô là dạy văn hóa, nhưng vì ngành thiếu giáo viên nên cô đành tự tìm hiểu về các môn thể thao cho trẻ thiểu năng rồi chỉ dạy lại cho các em. Cô thích được gọi là người đồng hành hơn: người cô - người bạn của các em trong cuộc sống hàng ngày, người chỉ dẫn các em trong quá trình luyện tập, người chăm sóc - giúp đỡ các em những khi đưa các em đi thi đấu, người cổ vũ - động viên các em, giúp các em có niềm tin vào tương lai…
Đã mấy mươi năm trôi qua, cô sinh viên tên Nga ấy vẫn nhỏ nhắn, gương mặt tuy đã mang nhiều dấu ấn của thời gian, nhưng cô vẫn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết, ngày ngày vẫn đến trường từ sớm, nắm tay chỉ dẫn các em từ cách chăm sóc bản thân đến các kỹ năng để trở thành những vận động viên quốc tế. Tất cả công việc đó đều được cô thực hiện với một tình yêu giản đơn, không cần đáp đền. Cô chính là "món quà sống" của các em thiểu năng trí tuệ.
Với mong muốn kêu gọi ngày càng nhiều những người mẹ, gia đình trẻ thiểu năng và cộng đồng quan tâm hơn nữa đến thể thao Special Olympics, chương trình Cảm ơn mẹ đã luôn bên con trong suốt hành trình tổ chức hoạt động trực tuyến nâng cao nhận thức về Special Olympics trên trang Facebook “P&G Cám ơn mẹ” với thông điệp “Bạn like, P&G đóng góp”. Bên cạnh đó, P&G còn kết hợp cùng hệ thống phân phối METRO tiến hành chương trình “Bạn mua, P&G đóng góp” để đưa các vận đông viên Special Olympics của Việt Nam tham gia thế vận hội Special Olympics châu Á. Từ ngày 14/3 - 26/3/2013, khi mua 100.000 VNĐ các sản phẩm của P&G tại hệ thống METRO, bạn đã dành tặng 100 VNĐ cho hoạt động của Special Olympics, góp phần đem lại tương lai tốt đẹp hơn cho các vận động viên thiểu năng. Chỉ với những hành động nhỏ của bạn mỗi ngày đã có thể giúp các em có thêm cơ hội thực hiện ước mơ. |
Cô Châu Ngọc Nga - giáo viên lâu năm tại trường Hi Vọng