Học 1 nghề, nhận 2 bằng tốt nghiệp
Thay vì học hết THPT học sinh mới được học tiếp lên cao đẳng, đại học thì giờ đây, với việc áp dụng mô hình đào tạo nghề 9+, các học sinh học hết lớp 9 có thể cùng lúc nhận 2 tấm bằng: Cao đẳng nghề và tốt nghiệp THPT.
Mô hình điểm
Mới đây Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi) đã khai giảng đào tạo mô hình dạy nghề 9+ đầu tiên. Học sinh khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cao đẳng nghề và bằng tốt nghiệp THPT.
Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, mô hình 9+ nghĩa là học sinh học hết lớp 9 có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn hoặc dài hạn. Cụ thể, như đối với nghề chăm sóc sắc đẹp, nấu ăn, làm bánh trong thời gian 6 tháng đến 1 năm, các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Các em không phải làm những công việc độc hại và được pháp luật cho phép độ tuổi từ 15-18 tuổi. Lựa chọn thứ 2 là học sinh tham gia chương trình đào tạo 9 +2, 9 +3, 9+4, 9+ 5 để theo 8 bậc của khung trình độ quốc gia.
TS Nguyễn Hồng Tây - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất cho biết: “Học sinh hết lớp 9 đi học nghề thường là những học sinh có học lực trung bình, nhưng có nhu cầu học nghề để tìm việc làm. Tuy nhiên, nếu đào tạo văn hóa và đào tạo nghề ở bậc trung cấp thì khi ra tìm việc làm chưa chắc các em đã được trang bị đầy đủ các kỹ năng thuần thục, rất khó để cạnh tranh ở những vị trí việc làm tốt. Vì vậy, mô hình đào tạo 9+ sẽ cơ bản giải quyết được bài toán trình độ đào tạo”.
Thông thường, hệ trung cấp nghề sẽ vừa đào tạo văn hóa, vừa đào nghề theo kiểu “sáng cầm bút, chiều cầm cà lê”. Với cách đào tạo truyền thống này, học sinh dễ rơi vào trạng thái “ru ngủ”, có thể hoàn thành song song 2 chương trình nhưng sau 3 năm học tập, cả 2 bậc trình độ này vẫn chỉ ở mức thấp nhất.
“Khắc phục những hạn chế này, chương trình đào tạo 9+ cho phép học sinh sau 4 năm học có thể cùng lúc nhận hai bằng là cao đẳng và bằng tốt nghiệp cấp 3. Thêm vào đó, học sinh có thể rút ngắn quá trình học nếu muốn học lên đại học” - TS Tây nhấn mạnh.
Hiện tại, nhà trường đã áp dụng dụng mô hình đào tạo 9+ để đào tạo 2 nghề chính là ngành bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí và ngành vận hành thiết bị chế biến dầu khí thông qua chương trình hợp tác giữa Bộ LĐTBXH với Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức.
Rút ngắn thời gian, tiết kiệm tiền bạc
Theo Bộ LĐTBXH, trên thế giới, tỉ lệ phân luồng vào học nghề rất cao, luôn đạt trên 50%. Tại các nước phát triển như Đức, Nhật Bản... học nghề sớm là sự lựa chọn được ưu tiên, mô hình đào tạo nghề 5 năm dành cho học sinh tốt nghiệp THCS được triển khai rất thành công và đã tạo ra nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang đặt ra mục tiêu đến 2020 sẽ có 30% học sinh vào học nghề. Tỉ lệ học sinh vào học nghề những năm qua còn thấp bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, cần nhanh chóng phá bỏ lối tư duy này. Chọn nghề phù hợp với năng lực sở trường bản thân, với hoàn cảnh kinh tế gia đình trong từng giai đoạn chứ không phải chỉ vì không thi đỗ THPT hoặc đỗ đại học. Ông Quân cũng nhấn mạnh, để thu hút học sinh hết lớp 9 vào học nghề, giải pháp duy nhất là nâng cao chất lượng đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng.
“Thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã triển khai, cho phép các trường mở rộng mô hình đào tạo nghề 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Sau 2 năm, các em lấy bằng trung cấp, những năm tiếp theo lấy bằng cao đẳng. Sau này nếu có nhu cầu các em học tiếp để lấy bằng Đại học” - Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Chương trình đào tạo 9+ được thiết kế liên thông phù hợp với độ tuổi. Lứa tuổi 15 - 16 đào tạo sâu về văn hóa, 17-18 đào tạo sâu vào nghề. Học sinh có thể dừng lại bất cứ lúc nào để bước vào thị trường một cách linh hoạt.
Nói thêm về những chính sách cho đối tượng tốt nghiệp THCS vào học trung cấp, ông Quân cho hay, học sinh được miễn hoàn toàn học phí khi học tiếp lên trình độ trung cấp. Bên cạnh đó, người học sau tốt nghiệp được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, được hưởng lương theo trình độ đào tạo, được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành đối với người tốt nghiệp cao đẳng.
Theo Nguyệt Tạ
Dân Việt