Hoàn thiện đề tài “lạ” cách đây 3 thập kỷ
Người làm việc này là Lê Thu Hương, sinh viên Trường ĐH Y dược Huế, với nỗ lực nghiên cứu thuốc chữa bỏng ở dạng gel - công trình nghiên cứu dược phẩm mới chưa từng xuất hiện trong điều trị bỏng.
Đề tài nghiên cứu của Hương có mặt trong danh sách 11 đề tài khoa học nhận giải nhất giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014.
Đề tài đến từ... quá khứ
Trong một lần tìm tài liệu cho bài tiểu luận, Thu Hương tình cờ phát hiện một báo cáo khoa học công bố từ những năm 80 của thế kỷ trước về hóa chất pluronic trị bỏng. Trong báo cáo này, các nhà nghiên cứu công bố điểm lạ là vật liệu được sử dụng trong nghiên cứu khác với các sản phẩm trị bỏng đang hiện hành.
Tuy nhiên, hạn chế là chất gel không tạo màng ngay lập tức, và màng tạo ra không bền vững bởi nhanh chóng bị bào mòn do dịch từ vết thương tiết ra, cũng không bóc ra được dễ dàng, nên khó ứng dụng trong thực tế.
Cho rằng có thể tạo được sản phẩm hoàn hảo hơn từ việc khắc phục những nhược điểm trên, Thu Hương quyết định bắt tay vào nghiên cứu, với đề tài mang tên "Chế tạo Gel Pluronic nhạy cảm bởi nhiệt chứa Neomycin và Panthenol điều trị bỏng trên thỏ thí nghiệm”.
Quyết định này đã “đẩy” Thu Hương vào 2 năm miệt mài từ thư viện tới phòng thí nghiệm của trường, rồi tới Cty Dược T.Ư tại Huế, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên - Huế để tìm kiếm tài liệu, pha trộn, bào chế và kiểm định thuốc...
Nhớ lại 2 năm “gian khổ” đó, Thu Hương vui vẻ: “Cứ hết giờ lên lớp là tôi lại có mặt ở phòng thí nghiệm. Ngày nào không có tiết học tức là cả ngày đó sẽ được dành cho phòng thí nghiệm. Có những hôm tôi phải xin ở lại phòng thí nghiệm tới 8h tối”.
"Tài sản" mà Hương gom góp được sau thời gian này là 3 quyển vở nháp ghi dày đặc những công thức. “Và đây là những công thức… thất bại hoàn toàn chị ạ”. Miệt mài làm thí nghiệm và miệt mài… nhận thất bại, đã có lúc Hương từng muốn bỏ cuộc vì quá nản.
“Nhiều khi tôi cũng chạnh lòng khi nhìn bạn bè đi chơi còn mình loay hoay với các loại hóa chất. Nhưng nghĩ đến các công thức mới có thể pha chế, cảm giác đó cũng nhanh chóng tan đi”, Hương chia sẻ.
“Hơn nữa, từ quãng thời gian làm đề tài này, tôi đã rèn luyện được nhiều thứ. Là sinh viên dược nhưng tôi phải học những kỹ năng làm việc với động vật, cách cầm dao mổ vật thí nghiệm, khấu vết thương.... như sinh viên ngành y, ngành nông nghiệp. Và nhất là tôi tự rèn được sự bền bỉ, kiên nhẫn và quyết tâm”.
Hy vọng được thử nghiệm trên người
Quãng thời gian hai năm kể từ lúc bắt đầu nghiên cứu được Thu Hương phân bổ như sau: 6 tháng tìm tư liệu trên thư viện, nửa năm cặm cụi trong phòng thí nghiệm, và một năm cho phân tích mẫu sản phẩm, mẫu vật thí nghiệm, kiểm định chất lượng sản phẩm và kết quả điều trị theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế…
Thu Hương chia sẻ đã "mừng rơi nước mắt" khi mà kết quả thử nghiệm trên thỏ thành công. Hai nhược điểm của nghiên cứu cũ là không tạo màng ngay và màng không bền vững đã được khắc phục.
Với sản phẩm Gel Pluronic mà Hương đem đi dự thi, chỉ cần bôi lên vết bỏng, gel lập tức tạo thành một màng chắn mỏng bao phủ và cách ly vết thương với môi trường bên ngoài, bảo vệ vết thương không bị nhiễm trùng, giúp kích thích tăng sinh niêm mạc, giúp vết thương chóng lành. Màng pluronic cũng có thể dễ dàng loại bỏ khỏi vết thương khi cần thiết.
Hiện nay, trên thị trường chỉ có màng cơ học, khá cứng so với yêu cầu và không bao phủ được vết thương hoàn toàn. Vì thế, tham vọng của Thu Hương - hiện đã là giảng viên Trường CĐ Y tế Thừa Thiên - Huế - là hoàn thiện hơn nữa sản phẩm của mình để có thể ứng dụng trong thực tế.
Tuy nhiên, đây là con đường còn dài, và mong muốn trước mắt đầu tiên của cô là được thử nghiệm trên người. Hương cũng “bật mí” rằng người đầu tiên sau mấy chú thỏ sử dụng sản phẩm này chính là cô. “Có lần nấu ăn bị bỏng nhẹ, sẵn có gel pluronic trong nhà, tôi lấy ra thử luôn, hiệu quả không khác so với thử nghiệm trên động vật”.
Và nan giải nhất với cô, ngoài thời gian, là nguồn tài chính. Bởi vì, như tiết lộ của chính cô, kinh phí thực hiện nghiên cứu vừa qua chủ yếu là từ sự giúp đỡ của thầy hướng dẫn - TS Trần Hữu Dũng, Phó trưởng khoa Dược, ĐH Y dược Huế.
“Tôi bỏ thời gian để đầu tư cho đề tài của mình, nhưng nếu không kêu gọi được sự tài trợ của một số hãng dược cùng sự chia sẻ, giúp đỡ về kinh phí của thầy cô hướng dẫn thì đề tài của tôi không thể hoàn thành”, Hương khẳng định.
Theo Ngân Anh
Vietnamnet