Họa lớn mua điểm

“Chi tiền triệu mua điểm, mua bằng. Tiến lên chi trăm triệu mua việc, chi tiền tỉ mua chức. Người tài chơi vơi rơi xuống đáy” - một bạn đọc không khỏi lo ngại bày tỏ như vậy trước việc nhiều sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn chi tiền mua điểm.

Đúng là không khỏi sốc trước thông tin bỏ tiền chạy điểm của sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn. Theo ghi nhận ban đầu, đã có khoảng 10 cựu sinh viên khóa 33 (2010-2014) của Trường ĐH Quy Nhơn mang bằng tốt nghiệp ĐH đến nộp lại cho trường và viết giải trình về việc được nâng điểm. Song, có lẽ đây chưa phải là con số cuối cùng và hội đồng thanh tra của trường này vẫn đang rà soát bảng điểm của hàng ngàn trường hợp trong hơn 3.700 sinh viên ĐH và CĐ khóa 33 đã được công nhận tốt nghiệp.

Chỉ cần vài ba triệu đồng, một sinh viên có thể từ rớt thành đậu, từ khá thành giỏi. Quả là cái giá không hề đắt để có tấm bằng - chiếc giấy thông hành có ý nghĩa rất quan trọng để bước vào đời một cách thuận lợi.

Dù sốc trước vụ việc tại Trường ĐH Quy Nhơn nhưng điều đó không làm nhiều người ngạc nhiên bởi thêm minh chứng cụ thể nữa cho điều từng được dư luận phản ánh về tình trạng mua bán, chạy điểm ở không ít trường ĐH, kể cả ở những ngôi trường có tên tuổi.

Ai cũng thấy một thực tế xem như nghịch lý ở nước ta: Để bước qua cánh cổng trường ĐH là vô cùng gian nan, vốn được ví như “vượt vũ môn”nhưng chất lượng đầu ra ĐH lại là vấn đề lớn. Không chỉ các công ty hay tổ chức quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực tốt nghiệp ĐH còn chưa làm hài lòng cả những đơn vị trong nước. Tấm bằng của các trường ĐH nước ta hiện chỉ có giá trị tương đối, nếu không nói là chỉ để tham khảo trên thế giới.

Đã có không ít ý kiến về điều mà họ cho là thả nổi chất lượng giáo dục ĐH, tức là chỉ cần thi đậu ĐH, còn sau đó kiểu gì cũng có tấm bằng tốt nghiệp, miễn đừng “quá đáng”. Kiểu chạy điểm, mua điểm như ở Trường ĐH Quy Nhơn hay “đóng tiền tỉ chống trượt” ở Thanh Hóa… là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng nhân lực tốt nghiệp ĐH không đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Trong cuộc đối thoại mới đây tại Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Pascal Lamy đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải đầu tư cho giáo dục và đào tạo bởi đó là nhân tố then chốt nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm chủ quyền kinh tế. Cứ chạy điểm, mua điểm thì bao giờ chúng ta có được đội ngũ nhân lực giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của đất nước khi hội nhập ngày càng sâu rộng? Rõ ràng, mua bán điểm không chỉ đơn giản là chuyện gian lận, tiêu cực thi cử hay bệnh thành tích… mà còn là họa lớn cho sự phát triển của đất nước.
 
Theo Phan Đăng
Người Lao Động