1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Hổ thẹn!

Không chỉ những nhà giáo tâm huyết lo lắng, mà cả người thợ sửa xe máy bình thường bên đường hôm ấy đọc xong những dòng tin trên cũng buột miệng: “Thật hổ thẹn!”.

Bốn tin không vui trên mặt báo trong cùng một ngày thứ bảy, 17/6, đó là: Trong kỳ thi cao học ngành quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế Huế, ông Lê Trá Khoái - Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Bình và ông Lương Hải Lưu - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã nhờ người khác giả danh vào thi hộ một cách trót lọt.

 

Tiền Giang hủy kết quả bài thi tốt nghiệp của 536 thí sinh hệ bổ túc THPT vì nội dung của các bài thi này giống nhau đến mức khó tin; Hà Tây dẫn đầu cả nước về thi tốt nghiệp THPT với tỉ lệ đậu 99,27%, trong khi đây cũng là địa phương bị phản ánh nhiều nhất về tình hình vi phạm quy chế thi và cuối cùng là ở Bạc Liêu, công an bắt khẩn cấp một giáo viên chạy điểm tốt nghiệp THPT.

 

Giáo sư Nguyễn Chung Tú, người có hơn nửa thế kỷ dạy học, không tin ở mắt mình khi đọc những dòng thông tin trên báo. “Thật là khủng khiếp! Phải chuyển qua hình sự thôi!”, ông thốt lên.

 

Không chỉ những nhà giáo tâm huyết lo lắng, mà cả người thợ sửa xe máy bình thường bên đường hôm ấy đọc xong những dòng tin trên cũng buột miệng: “Thật hổ thẹn!”. Không hổ thẹn sao được khi 2 thí sinh nhờ thi hộ cao học là các cán bộ lãnh đạo đương chức; 536 thí sinh có bài thi gống hệt nhau hầu hết đều là của cán bộ xã và huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

 

Gian lận thi cử như con bệnh không thuốc chữa, ngày càng trầm kha. Trước đây, thí sinh có quay cóp thì đó còn là những hành động lén lút, nghĩa là biết mình làm bậy, muốn giấu đi. Còn nay, ở Hà Tây người ta rầm rộ góp tiền để “mua” luôn các giám thị; ở Cai Lậy - Tiền Giang người ta công khai tổ chức quay cóp nên mới có chuyện 536 bài thi của cùng hội đồng thi giống nhau đến khó tin, chỗ sai cũng sai giống nhau. Trước đây, gian lận là từ phía thí sinh thì nay có sự tiếp tay của giám thị. Sau mỗi buổi thi, phao thi gom vào sọt rác thành đống. Kỷ cương phòng thi nay cũng bị quăng vào sọt rác như thế!

 

Cả xã hội bất bình và lo lắng!

 

Làm thế nào để xóa sổ tiêu cực trường thi? Tuần rồi, nhân chuyến công tác vào TPHCM và một số tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long phát biểu những vụ tiêu cực trường thi đang được bộ chỉ đạo thanh tra làm rõ. Bộ GD-ĐT cũng đã chính thức đề nghị Bộ Công an vào cuộc. Quan điểm của bộ này là quyết tâm xóa bỏ tiêu cực trong thi cử.

 

Thấy quyết tâm của Bộ GD-ĐT, người dân khấp khởi mừng. Nhưng đây mới là những việc làm trước mắt. Tiêu cực phòng thi chỉ bị xóa sổ khi nào mọi người còn phân biệt cái đúng cái sai, còn biết hổ thẹn với việc làm sai trái của mình. Đó mới là cái gốc của giáo dục.

 

Theo Từ Nguyên Thạch

Người Lao Động