Hồ sơ du học Mỹ - Góc nhìn của cô gái Hà Tĩnh từng giành học bổng 6 tỷ đồng

(Dân trí) - Liệu bạn có vui lòng đánh đổi 3-4 năm không vui chơi quá nhiều, chỉ tập trung hết sức vào mục tiêu của mình để bước chân vào một con đường sẽ thay đổi bạn rất nhiều?

Qua những bài báo, những status chia sẻ trên mạng, chắc mọi người cũng nhận thấy lại một mùa tuyển sinh du học Mỹ vừa qua đi. Gần một năm qua, chưa bao giờ mình ngừng nhận được những câu hỏi về du học, về nộp hồ sơ, xin tư vấn. Có những điều dễ dàng trả lời, những cũng có những thứ chẳng hề đơn giản để tóm gọn trong vài câu.

Một hành trình để lên kế hoạch đi du học, chuẩn bị mọi thứ và nộp hồ sơ mất hàng năm trời cho hầu hết mọi người (ngoại trừ thần đồng), nên rất khó để tóm gọn và biến thành kiến thức ăn sẵn cho mọi nhà. Bài viết này, mình sẽ cố ngắn gọn nhất có thể ở những điểm quan trọng nhất cần lưu ý khi muốn nộp đi Mỹ.


Tác giả bài viết Nguyễn Thị Hà Giang là nữ sinh Hà Tĩnh từng giành học bổng ĐH của Mỹ trị giá 6 tỷ đồng.

Tác giả bài viết Nguyễn Thị Hà Giang là nữ sinh Hà Tĩnh từng giành học bổng ĐH của Mỹ trị giá 6 tỷ đồng.

1. Những câu hỏi cần trả lời:

- Khả năng tiếng Anh của mình như thế nào? Học lực của mình như thế nào? Đi Mỹ cần Ielts/Toefl, SAT/ACT (kì thi chuẩn hóa) cộng với hồ sơ điểm trung bình trên lớp và các giải thưởng (cấp trường, thành phố, quốc gia, quốc tế...)

- Hoạt động ngoại khóa như thế nào? Thể hiện mình có làm gì ngoài việc học bài không, mình biết tổ chức sự kiện không, mình thử thách bản thân với các dự án đòi hỏi thời gian, tận tâm và kĩ năng mềm không, mình có quan tâm cuộc sống xung quanh và những vấn đề xã hội không?

- Gia đình mình có thể chi trả bao nhiêu một năm cho giáo dục ở Mỹ (thường bao gồm tiền học phí, ăn ở trong trường) hay là mình cần bao nhiêu học bổng? Nói một cách đơn giản hóa, nếu bạn cần học bổng càng cao thì những yếu tố phía trên càng phải mạnh.

Và một điều lưu ý ở Mỹ, nhìn chung là bạn muốn học bổng càng cao hay thậm chí toàn phần, thì phải mục tiêu các trường càng cao (trường top đầu). Vì những trường đó mới có nhiều tiền để đi cấp cho sinh viên quốc tế, mà lại là học bổng toàn phần. Tất nhiên có ngoại lệ.

Sau khi xác định được những thứ đó, chinh phục hết rồi, điểm có hết rồi, hồ sơ trong tay, thì lại là một chiến thuật chọn trường và nộp hồ sơ.

Quá trình gian nan và cần rất nhiều sự giúp đỡ, hỏi han

Từ kinh nghiệm và quan sát bản thân cộng bạn bè xung quanh, cá nhân mình thấy ai cũng có sự giúp đỡ hết. Các bạn có thể để ý nhiều bạn lên báo có đề cập đến những trung tâm tư vấn du học giúp đỡ. Điều đó chẳng có gì là xấu, phủ nhận nó mới gây hại. Tất nhiên là các trung tâm giúp đỡ khác với các trung tâm làm hộ.

Quyết định như nào thì tùy giá trị sống của từng người. Mục đích cuối cùng của việc bạn đi du học là để trở nên tốt hơn, để văn mình hơn, chân thật hơn hay là để đạt được những mục đích về tiền tài và địa vị?


Nếu bạn còn đang băn khoăn nên xem nốt bộ phim hay là cày hết 100 từ vựng nâng cao, thì học bổng còn chưa trong tầm tay rồi…

"Nếu bạn còn đang băn khoăn nên xem nốt bộ phim hay là cày hết 100 từ vựng nâng cao, thì học bổng còn chưa trong tầm tay rồi…"

Nếu không đến trung tâm, thì sẽ là sự hỗ trợ từ các tổ chức, các mối quan hệ của bạn. Ví dụ như mình hồi nộp vào trường Pitzer, mình được một chị sinh viên người Singapore là sinh viên trường Yale hỗ trợ viết luận. Mình được chị giúp vì trước đó mình tham gia Trại Hè tuyển sinh du học Mỹ, chương trình phi lợi nhuận cho học sinh các tỉnh khắp Việt Nam.

Mình cũng được biết về chương trình mentor hỗ trợ của thầy Kevin, cũng phi lợi nhuận, kết nối các sinh viên Singapore các trường top bên Mỹ để giúp đỡ học sinh ở Việt Nam.

Những chương trình như thế thường do bạn tự tìm, tự đăng kí, tự tham gia. Và cũng là nơi quy tụ nhân tài nhiều nhất. Thú thật, 10 bài báo về 10 gương mặt nhận học bổng trên báo Dân trí, thì trong số đó 7,8 người là bạn của mình, quen nhau qua các chương trình. Chính vòng bạn bè đó, những người chung chí hướng, là nơi mang lại thông tin nhiều nhất và sẽ bên nhau lâu nhất trong quá trình nộp hồ sơ.

Tóm lại, kể ra cũng “đơn giản” thôi, bò ra học và làm việc không ngừng suốt những năm cấp 3 để tối đa hóa kết quả của những yếu tố trên. Vấn đề là liệu bạn có vui lòng đánh đổi 3-4 năm không vui chơi quá nhiều, chỉ tập trung hết sức vào mục tiêu của mình để bước chân vào một con đường sẽ thay đổi bạn rất nhiều. Nếu bạn còn đang băn khoăn nên xem nốt bộ phim hay là cày hết 100 từ vựng nâng cao, thì học bổng còn chưa trong tầm tay rồi…

Phía trên là kế hoạch, còn thực tế thì con đường nộp học bổng nó không đúng theo kế hoạch cho tất cả mọi người. Vì học bổng thì có hạn mà người tài thì rất nhiều. Có những bạn làm tốt, điểm rất cao, nhưng vì hàng ngàn lý do, lại kết thúc mùa tuyển sinh không được như ý. Cũng có những bạn điểm không cao bằng, nhưng cũng vì hàng ngàn lý do, lại chọn được đúng trường, và nộp đúng thời điểm.

Cũng giống như mọi thứ trên đời, nộp học bổng luôn có một chút yếu tố hên xui. Nhưng, mặc kệ, dù có ra sao cũng chẳng sao vì con đường bạn đi cho đến giây phút bạn ấn nút nộp toàn bộ những năm tháng đầy đam mê và chăm chỉ của những năm cấp 3 đến miền đất kia, đã là một con đường dài và đẹp đẽ. Một hành trình tôi luyện bạn trở nên tốt hơn thật nhiều.

Và dù cách cửa chưa mở ra lần này, với sức mạnh và sự bền bĩ bạn đã ươm trồng trong mình suốt thời gian qua, thì nếu bạn muốn, bạn hoàn toàn có thể đi tiếp cho đến cánh cửa mở tiếp theo.

Giang NguyễnSinh viên ĐH Pitzer College

(Từ California, Hoa Kỳ)