“Hiệp sỹ” truyền lửa đam mê khoa học

Dù không có được đôi bàn chân lành lặn như bè bạn, nhưng với “một máy tính, một khối óc, một trái tim nhiệt huyết”, chàng trai Trần Văn Sơn đã chinh phục nhiều giải thưởng uy tín trên con đường theo đuổi niềm đam mê CNTT và anh không dừng ở đó...

Cơ sở 1 của Trung tâm Đào tạo lập trình viên VinaTAB EDU nằm trên con đường Phạm Như Xương, gần Đại học Sư phạm Đà Nẵng vốn đã trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với các bạn sinh viên yêu thích CNTT. Hàng ngày, các lớp học của trung tâm do một Giám đốc đặc biệt giảng dạy. Người đó là Trần Văn Sơn, một chàng trai khuyết tật phải gắn mình với chiếc xe lăn nhưng có bề dày thành tích đáng nể trong lĩh vực CNTT.
 
Lớp học tại Trung tâm VinaTAB do anh Trần Văn Sơn sáng lập. (Ảnh: VGP/Minh Trang)
Lớp học tại Trung tâm VinaTAB do anh Trần Văn Sơn sáng lập. (Ảnh: VGP/Minh Trang)

Trần Văn Sơn sinh năm 1983 ở vùng quê nghèo thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau trận ốm thập tử nhất sinh khi vào năm 2 tuổi đã cướp đi đôi chân lành lặn và ảnh hưởng một phần đến đôi tay của anh.

Mất đôi bàn chân, con đường tương lai phía trước đối với Sơn thực sự đầy chông gai nhưng chàng trai trẻ ấy không gục ngã…

Sau quá trình nỗ lực tự học, năm 15 tuổi anh mới bắt đầu đến lớp và kể từ đó, anh luôn là một học sinh xuất sắc.

Bắt đầu làm quen với CNTT năm lớp 11 và càng ngày cảm thấy say mê với những bàn phím, bất kỳ lúc nào rảnh, anh đều lên phòng máy của trường để xin được học, thầy cô thấy thương cậu học trò khuyết tật cũng đồng ý chỉ dạy.

Niềm đam mê đeo đuổi đã giúp Sơn thi đỗ vào ngành CNTT của Đại học Bách Khoa Đà Nẵng với số điểm khá cao, 24 điểm. Kết thúc 5 năm học, Sơn cũng tốt nghiệp loại giỏi và nằm trong TOP 10 của khoa năm đó.

Anh Sơn trở thành chủ nhân chiếc cúp giải thưởng CNTT đầu tiên vào năm 2007 khi đang còn học năm 3. Cùng với 2 người bạn, dự án “Bán vé xe khách qua mạng” đã chiến thắng trong cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh sáng tạo” do Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Dự án này được coi là một trong những ý tưởng vượt trội, đầy tính sáng tạo và mang tính thực tiễn rất cao. Do đó, dự án của anh Sơn đã lập tức tìm được nhà tài trợ và lập nên công ty Phú Hải Sơn để hiện thực hóa dự án. Tuy nhiên, thị trường bấy giờ chưa ứng dụng CNTT rộng rãi đã kéo theo nhiều vấn đề và trì hoãn dự án phát triển thành công.

Không ngại thất bại, anh tiếp tục phát triển nhiều dự án khác và đạt được nhiều thành công tại các “đấu trường” khác nhau, từ giải Nhì cuộc thi thiết kế website khoa CNTT của trường Đại học Bách khoa đến giải “Cá nhân tiêu biểu FPT” do Tập đoàn FPT trao tặng.

Đặc biệt nhất,  trong cuộc thi “Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ ” do VTV phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức năm 2009, trong số 1.000 thí sinh, thí sinh khuyết tật duy nhất Trần Văn Sơn đã chứng tỏ tài năng của mình khi giành HCĐ chung cuộc. 

Năm 2014, với khát khao truyền lửa đam mê CNTT cho các bạn sinh viên trẻ, anh mở Trung tâm Đào tạo lập trình viên VinaTAB EDU, và là giảng viên chính. Nay trung tâm có 2 cơ sở gần Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Trường Kiến trúc Đà Nẵng, đã có 16 khóa học trực tiếp và các khóa học online.

Anh cho hay, qua thời gian ngồi trên ghế nhà trường và làm việc, tiếp xúc rất nhiều bạn trẻ học ngành CNTT, mình nhận thấy các bạn còn thiếu định hướng về con đường sẽ theo đuổi, khóa học sẽ đào tạo lập trình JAVA, ANDROID, PHP cũng như giúp các bạn định hướng được bản thân.”

Nhưng có lẽ, mơ ước lớn nhất của anh đến hôm nay là được truyền đam mê CNTT đến những bạn khuyết tật có hoàn cảnh giống anh.

Hiện nay, bên cạnh các học viên bình thường khác, trung tâm của anh tiếp nhận 6 học viên là người khuyết tật đến từ các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam…Ngoài ra, anh nhận dạy qua mạng cho hơn 20 bạn là người khuyết tật đến từ các tỉnh thành khắp cả nước. Các bạn này đều được miễn phí hoàn toàn hoặc giảm 70% học phí.

Anh Sơn cho biết, sắp tới, công ty của anh dự định tuyển thêm một số bạn khuyết tật vào làm việc để tạo thêm điểu kiện cho họ trong cuộc đời...

Theo Minh Trang
Báo điện tử Chính phủ