Hiện đại hoá giáo dục: Bắt đầu từ trên xuống
Lần đầu tiên, một đề tài nghiên cứu đề xuất các giải pháp hiện đại hoá giáo dục Việt Nam được chuẩn bị một cách khá kỹ lưỡng. Kết quả của đề án nghiên cứu này đã được Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam công bố ngày 15/4.
Chất lượng xa rời mục tiêu
Nhận định khái quát đầu tiên mà báo cáo này đưa ra về thực trạng GDĐT nước ta hiện nay là: "... Chất lượng GD đang có xu hướng xa rời mục tiêu chung, nhìn chung còn thấp, thậm chí nhiều mặt còn sa sút rõ rệt, không đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước".
Để minh chứng cho nhận định này, báo cáo đã đưa ra mấy dẫn chứng chủ yếu: GD phổ thông thì nặng nề, sách vở. Sản phẩm đào tạo của GD phổ thông không tương xứng với công sức bỏ ra của cả thầy lẫn trò. Học sinh giỏi thì không kém, nhưng nặng về lý thuyết. Chất lượng đại trà còn yếu, cả về kiến thức cơ bản.
Báo cáo cũng nhận định chất lượng GD ở bậc đại học còn thấp, phương pháp GD còn lạc hậu và chậm đổi mới. Chương trình đại học ở VN không phải là dạy nghề, cũng không phải là đào tạo những người có kiến thức sâu sắc và sáng tạo. Cơ cấu đào tạo còn lệch lạc: 42,78% số sinh viên theo học ngành luật và kinh tế. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp tăng dần qua từng năm (64% năm 1997, 80% năm 1998 và 90% năm 1999).
Những thông tin mới nhất cho thấy chất lượng nguồn nhân lực của VN đang giảm dần, có sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu nguồn nhân lực, "thầy" nhiều hơn "thợ". Theo xếp hạng của quốc tế, năm 2000, chất lượng nguồn nhân lực của VN xếp thứ 53/59, thay cho mức 39/59 năm 1998. Chỉ có 17% lao động được đào tạo nghề, trên 85% lao động có việc làm.
Báo cáo cũng chỉ rõ những mâu thuẫn giữa đầu tư lớn về chất xám, sức lực, tiền của của Nhà nước, nhân dân, nhưng hiệu quả đào tạo thấp. Để hoàn tất chương trình GD phổ thông, mỗi học sinh phải mất 12 năm (mỗi ngày trung bình từ 8 đến 10 giờ). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thì nội dung chủ yếu trong sách vở có không dưới 30% là những điều không cần thiết. Học sinh đại học và trung học chuyên nghiệp thì không được dùng thời gian vào nghiên cứu, sáng tạo và thực hành. Việc sử dụng các nguồn đầu tư cho GD còn lãng phí. Hậu quả, nền GD của ta bị mất rất lớn về thời gian và lỡ cơ hội, GD đã tụt hậu tới 5-7 năm, so với sự phát triển hợp lý của nó.
Lỗi của những người "cầm quân"?
Phát biểu tại cuộc toạ đàm được tổ chức sáng 15.4, GS Hoàng Tuỵ cho rằng, Hội đồng quốc gia về GD cần phải gấp rút đưa ra những nghiên cứu bài bản và lộ trình thực hiện kế hoạch đó. Cụ thể: Trình độ, năng lực tư vấn, chỉ đạo của số đông cán bộ quản lý GDĐT, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý cấp chiến lược, vĩ mô rất hạn chế. Tư duy quản lý GD đang tỏ ra cũ kỹ, lạc hậu trước những thay đổi rất lớn của GD trong nước và thế giới. Theo GS Hoàng Tuỵ, trong bối cảnh như vậy, GD VN được như hiện nay đã là thành tựu.
Luật GD và chiến lược phát triển GD VN chưa hoàn thiện về chính sách và những biện pháp lớn đảm bảo phát triển cân đối giữa GD tinh hoa và GD cộng đồng, giữa GD hàn lâm đỉnh cao và GD nghề nghiệp. Chủ trương xã hội hoá GD vẫn chưa được thể chế hoá đầy đủ và có hệ thống. Quan điểm, chính sách và biện pháp khung về mức độ chấp nhận vận dụng cơ chế thị trường vào GD và vấn đề thương mại hoá GD chưa rõ. Ngay tại toạ đàm này, vấn đề thương mại hoá GD cũng vẫn còn nhiều tranh cãi. Trong khi GS Phạm Minh Hạc bảo lưu ý kiến cho rằng về cơ bản Nhà nước phải lo cho GD thì GS Hoàng Tuỵ lại khẳng định: Xã hội hoá GD là một xu thế tất yếu. Vấn đề là phải nghiên cứu xem nên xã hội hoá đến mức nào.
Theo Hạnh Phương - Hạnh Ngân
Lao động