Hiếm hoi học bổng du học ngành thể thao
Trong khi các ngành tài chính, công nghệ, kinh doanh, thương mại... dễ dàng tìm được học bổng thì ở lĩnh vực thể thao lại trái ngược hoàn toàn.
Món quà từ ĐH Webster
Tại giải đấu danh giá Spice Cup mới đây ở Mỹ, dù không bảo vệ được ngôi vô địch nhưng kỳ thủ Lê Quang Liêm vẫn được Đại học Webster, một đại học có lịch sử lâu đời tại Mỹ, trao học bổng toàn phần để sang Mỹ du học.
Học bổng toàn phần của Đại học Webster trao cho Liêm trị giá 35.000 USD/năm và Liêm sẽ theo học ngành tài chính. Ngay sau khi kết thúc Spice Cup, Liêm đã nhận được quyết định của Đại học Webster.
Đây là một sự kiện lớn của thể thao Việt Nam khi rất hiếm hoi một vận động viên được trao học bổng du học. Kỳ thủ số 1 Việt Nam cho biết: "Thật ra cách đây khá lâu Đại học Webster đã có ý định trao học bổng này cho tôi, nhưng lúc đó tôi và gia đình muốn tập trung cho các giải đấu nên không quan tâm lắm. Đến giờ, sau khi bàn bạc cùng gia đình tôi mới nghĩ đến chuyện theo học một cách nghiêm túc. Nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ sang Mỹ nhập học vào cuối năm 2013".
Vì sao một trường đại học không có chuyên ngành thể thao lại trao học bổng toàn phần cho một vận động viên nổi tiếng như Quang Liêm? Ngay sau khi có thông tin này, nhiều chuyên gia thể thao đã tỏ ra lo ngại Liêm sẽ không thể tập luyện và thi đấu thường xuyên do phải tập trung học văn hóa.
Tuy nhiên, Liêm khẳng định: "Theo học Đại học Webster sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tập luyện và thi đấu. Tại Mỹ, nhiều trường đại học có chính sách học bổng cho du học sinh toàn cầu. Riêng với lĩnh vực thể thao, các trường ở Mỹ cũng có nhiều học bổng dành cho du học sinh và đây cũng là cách để họ thu hút nhân tài. Theo tôi biết, nhiều vận động viên trên thế giới cũng nhận được học bổng, hoặc nếu ai đó có năng khiếu về một lĩnh vực nào đó cũng đều có thể nhận được học bổng. Như với cờ vua, hiện tại ở Webster cũng có hai kỳ thủ nổi tiếng là Wesley So (Philippines) và Goerge Meier (Đức) theo học theo diện này. Họ vừa cùng dự Spice Cup với tôi".
Tại Mỹ, đội cờ của Đại học Webster là một trong những đội mạnh nhất, tương đương một đội cờ hạng khá thế giới. Vài năm gần đây, Webster còn đăng cai Spice Cup.
Tại trường có một thư viện về cờ vua với rất nhiều tài liệu quý do đích thân bà Susan Polga, cựu vô địch thế giới, người khai sáng và tổ chức Spice Cup, tuyển chọn. "Vừa được học văn hóa, vừa có điều kiện tiếp xúc các tài liệu quý nên gia đình đã khuyến khích tôi nhận lời theo học", Quang Liêm phấn khởi cho biết.
Ít cơ hội cho vận động viên
Học bổng ngành thể thao rất hiếm hoi so với các lĩnh vực văn hóa, tài chính, thương mại, công nghệ... Theo một giảng viên của Đại học Thể dục Thể thao Trung ương II, học bổng du học ngành thể thao rất ít, đa phần dành cho các cán bộ, nghiên cứu sinh sau đại học để nghiên cứu về khoa học thể chất.
Thêm vào đó, do đặc thù của ngành này và riêng tại Việt Nam, phần lớn vận động viên không có trình độ văn hóa bậc đại học hoặc đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tài chính, nên dù các trường quốc tế có cấp học bổng họ cũng không đạt đủ điều kiện để theo học.
Vì vậy, đa phần ra nước ngoài mang tiếng là đi học nhưng thực chất là tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn trong vài tháng là kết thúc. Trong số các vận động viên Việt Nam, hai trường hợp hiếm hoi là nữ võ sĩ Wushu Vũ Thùy Linh du học tự túc ngành Quản lý thể thao tại Học viện thể thao Vũ Hán và "nữ hoàng Kata" Hoàng Ngân du học tại Tokyo (Nhật Bản).
Học bổng của các trường tại Mỹ nhằm tuyển mộ tài năng thể thao cho trường, không bắt buộc phải là công dân Mỹ, được xem là cơ hội hiếm có đối với vận động viên Việt Nam. Lê Quang Liêm không phải là trường hợp đầu tiên của giới thể thao Việt Nam được trao học bổng.