Bạn đọc viết:

Hãy trả lại niềm vui thích học tập cho trẻ

(Dân trí) - Năm nay, con tôi lên lớp 6. Ngày đầu tiên đi tập trung ở trường mới với bao nhiêu háo hức, đợi chờ. Buổi sáng con dậy thật sớm không cần đặt chuông báo thức hay ai thúc gọi. Đánh răng, rửa mặt, ăn sáng thật nhanh, quần áo chỉnh tề ngồi đợi bố đưa đi, thái độ khác hẳn mọi ngày.

Nhưng thật không may, hôm đó lại trúng đợt mưa bão, đường ngập, xe cộ không đi lại được nên hai bố con đành phải quay về. Thấy con ướt lướt thướt trong mưa, tôi chép miệng: “Hiếu học quá, mưa bão thế này ai đến tập trung mà đi cho khổ!”. Nói vậy và trong lòng tôi cũng nghĩ đúng như vậy.

Hai ngày sau trời quang mây tạnh, hai bố con lại vội vã đến trường để xem lịch tập trung dịch chuyển vào hôm nào nhưng không thấy thông báo mới. Hóa ra vào cái ngày mưa gió như trút đó vẫn có cả trăm học sinh tề tựu đến trường, vì thế lịch tập trung cũ không cần hủy. Nghe bác bảo vệ kể là các con đến sớm lắm, lúc ấy đường chưa ngập sâu nên vẫn đi được. Tôi thực ngạc nhiên hết sức. Cứ tưởng chỉ mỗi con nhà mình là hăm hở quá mức, ai ngờ tất cả đều vậy và hơn vậy. Thế mới biết tinh thần hiếu học của bọn trẻ. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, bất chấp đường sá đi lại khó khăn, ai cũng háo hức được đến trường.


(Ảnh minh họa: Trung Thi)

(Ảnh minh họa: Trung Thi)

Dịp nghỉ hè vừa qua, tôi cũng có cơ hội quan sát một số đứa trẻ đi học thêm, thấy chúng rất vui vẻ, thoải mái mặc dù năm học vừa mới kết thúc chưa được bao lâu. Bố mẹ không cần bắt buộc gì cả, cũng chẳng phải tại thầy cô gây sức ép phải học thêm. Đơn giản chỉ là các bé thấy việc học cũng bình thường như cơm ăn nước uống hàng ngày, cứ đến giờ là tự giác lấy cặp xách đi, đang chơi vui cũng sẵn sàng dừng lại. Có lẽ do lịch học thêm thông thoáng, về nhà vẫn có nhiều thời gian chơi nên chúng mới không cảm thấy áp lực như trong năm.

Thực ra, bản chất của trẻ con là rất thích học, thích khám phá cái mới lạ, vừa với sức của mình. Theo dõi quá trình lớn lên của một đứa trẻ ta sẽ thấy rõ điều này. Ngay từ lúc bé xíu, chúng đã bắt đầu tìm hiểu mọi vật xung quanh bằng cách nghe, nhìn, chạm rồi nếm thử. Đến khi đủ lớn tức là lúc 6 tuổi thì ước muốn tới trường để học tập bằng tuệ giác gần như là một nhu cầu rất tự nhiên mà người lớn không cần tác động nhiều.

Ngoài động cơ bên trong đó, trẻ còn chịu sự chi phối của những nhân tố bên ngoài như gia đình, nhà trường, xã hội. Từ khi sinh ra đến lúc lớn lên, đứa trẻ nào chẳng thuộc nằm lòng những câu nói thông thường như “học tốt để cha mẹ vui lòng”, “phải chịu khó ăn học thì mới nên người”, “học không bao giờ là thừa”… Với nền giáo dục khoa bảng của nước ta thì việc học lại càng có sức nặng ghê gớm, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn của con trẻ. Ngay cả với một học sinh lười học ham chơi nhất thì trong sâu thẳm nhận thức, nó vẫn hiểu rằng mình đang đi sai đường.

Thực sự, không cần chứng minh nhiều cũng dễ dàng nhận thấy trẻ đa phần là thích học và mong muốn được tiếp cận với những cơ hội học tập khi có thể.

Vậy điều gì đã khiến một đứa trẻ càng lớn càng rơi vào tình trạng chán nản mệt mỏi với việc học? Khi ánh mắt các em không còn sáng lên sự ham thích khát khao được biết nhiều hơn nữa. Trí não của các em không còn tha thiết với việc giải thích những câu hỏi tại sao, như thế nào để chinh phục tri thức nữa. Và đỉnh điểm cuối cùng là bọn trẻ thấy sợ học, ghét học, coi nó là nhiệm vụ nặng nề, muốn được giải thoát bất cứ lúc nào? Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi ấy chỉ có thể là: bị ép học quá mức, tần suất học, lượng kiến thức phải học vượt quá xa ngưỡng giới hạn mà các em có thể tiếp thu.

Một mùa tựu trường nữa lại đang đến. Nhìn những gương mặt hớn hở, háo hức vào năm học mới của các em hôm nay sẽ thấy thật buồn thật tiếc nếu người lớn khiến chúng bị uể oải, đờ đẫn vào ngày mai. Vì thế, thiết tha, mong mỏi thầy cô và phụ huynh hiểu rằng các em không phải là người máy chỉ biết mỗi học mà thôi, các em cũng không phải là cái ổ cứng trên bàn tính để muốn nhồi bao nhiêu dữ liệu thì nhồi. Hãy tôn trọng ước muốn học tập vừa sức của các em để niềm ham thích học hành thuở ban đầu được nuôi dưỡng dài lâu, mãi mãi.

Hà Đông

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!