Hãy giúp các em có sách, vở tới trường

(Dân trí) - Bão tan, nhà sập, lụt lội, sình lầy cao cả mét… con đường đến trường của các em học sinh vùng lũ thật gian nan. Điều mong muốn nhất của các em hiện nay là có sách, vở để tới trường.

Trao đổi với Dân trí, không nén được tiếng thở dài, ông Nguyễn Kế Thân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết: “Hiện nay, chúng tôi chưa thể thống kê được chính xác là thiệt hại bao nhiêu vì học sinh của 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ vẫn chưa trở lại trường, lũ chưa dứt hẳn. Còn các địa phương khác, hôm nay nhiều học sinh đã trở lại trường đi học. Tuy nhiên, nhiều em không còn quyển sách, quyển vở nào để học, nhiều trường không còn đủ bàn ghế vì đã bị ngập ướt và lũ cuốn trôi. Đặc biệt, 2 trường Mầm non Bảo Ninh và THCS Hải Đinh đã bị tốc hết mái, Sở đang huy động mọi lực lượng chính quyền trong tỉnh giúp đỡ các trường làm sạch môi trường, vét bùn, rửa sạch bàn ghế”.

“Trước khi có bão, chúng tôi đã họp và giao trách nhiệm cho từng hiệu trưởng phối hợp với phụ huynh không được để học sinh nào gặp phải nguy hiểm về lũ, yêu cầu cho nghỉ học ngay khi bão về nên rất may đến thời điểm này chưa có học sinh, giáo viên nào bị thiệt mạng vì bão lũ. Điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là không có sách giáo khoa, đồ dùng dạy học cho các em” - ông Thân cho hay.

Ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị bị bão cướp đi khoảng 28 tỷ đồng. Gần 80% trường học trong tỉnh bị hư hỏng nặng, 156 phòng học bị tốc mái, 1 phòng học bị sập, 1 học sinh bị lũ cuốn trôi.

Ông Phan Xuân Kiểu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Khi nước lũ rút, chúng tôi đã huy động dọn dẹp ngay để hôm nay học sinh trở lại trường, nhưng cũng chỉ được hơn 60% đến trường. Hiện, còn điểm Húc Nghị, huyện Đăk Rông còn rất phức tạp, lũ vẫn còn cao, đường xá bị sụt lở chưa thể tiếp cận được. Do lũ dâng cao đến cả mét nên tất cả các đồ dùng dạy học của các trường mầm non trong bị hỏng hoàn toàn. Hiện nay, học sinh đến trường chỉ với quyển vở trắng, còn sách giáo khoa thì đã bị lũ cuốn”.

Tại Thừa Thiên - Huế, thống kê sơ bộ cho thấy ngành giáo dục thiệt hại khoảng 33 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT, bà cho biết: “Sở đang chờ tiếp nhận vở của Công ty Hồng Hà để phát cho em học trong ngày hôm nay. Do cơ sở vật chất của tỉnh Thừa Thiên - Huế mấy năm trở lại đây được nâng cấp lên nhà kiên cố nên không có thiệt hại nhiều nhưng lại bị nước lũ dâng cao nhấn chìm nhiều bàn ghế, đồ dùng dạy học”.

“Điều đó chúng tôi cũng không lo bằng việc sau lũ này học sinh THCS sẽ bỏ học nhiều để đi làm thêm kiếm ăn. Chủ trương của tỉnh là trước hết lo cho dân khỏi đói, sau đó huy động các ban ngành, phối hợp đưa các em trở lại trường một cách sớm nhất. Chúng tôi cũng mong muốn các địa phương ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập cho các em” - bà Hà kêu gọi.

Tỉnh Kon Tum, ngành giáo dục vẫn chưa thống kê được hết thiệt hại vì nhiều nơi điện thoại, điện lưới đã bị cúp hết. Cả tỉnh đã có 3 học sinh và 2 giáo viên bị nước lũ cuốn. Cũng giống như các tỉnh trên, học sinh tỉnh Kon Tum đến trường cũng chỉ có quyển vở, cái bút, không có cặp, không có sách.

Ông Nguyễn Sĩ Thư, Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum cho biết: “Hiện nhiều xã ở huyện Tu Mơ Rông và Đắk Lây vẫn còn bị chia cắt vì nước lũ, học sinh chưa trở lại trường được. Ngoài các xã trên thì nhiều nơi trong tỉnh học sinh trở lại trường từ hôm thứ 6 nhưng do nhiều trường học, học sinh phải qua sông, chúng tôi đã cử giáo viên sang cắm chốt để dạy cho các em. Tuy nhiên, việc học của các em vẫn bị gián đoạn nhiều vì nhiều nơi các em phải cùng gia đình sửa sang lại nhà cửa ổn định chỗ ở”.

Với tỉnh Quảng Ngãi, địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong bão số 9, theo thống kê đến thời điểm này có khoảng 205 phòng học bị sập; 3.000 phòng học bị tốc mái hư hỏng cần sửa chữa; 600 bộ máy vi tính bị hư hỏng; 3.000 mét tường rào bị ngã, đổ, thiệt hại về vật chất ước tính trên 80 tỷ đồng. Đặc biệt, có 2 học sinh bị chết do nước lũ cuốn trôi và 2 giáo viên bị thương trong quá trình phòng chống bão lũ.

Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Văn Đồng cho biết: “Trước mắt, chúng tôi thu dọn các phòng học bị ngã đổ hoặc có nguy cơ bị sập, tập trung sửa chữa các phòng bị hư hỏng nhẹ để có phòng học, phòng làm việc tạm thời; đối với các trường bị ngập sâu trong nước phải liên hệ với ngành y tế để phun thuốc diệt khuẩn; đối với cán bộ, giáo viên và học sinh bị hoạn nạn phải huy động thầy trò nhà trường khẩn trương cứu giúp để thầy cô và các em có điều kiện đến đến trường, tuyệt đối không để học sinh nào phải nghỉ học, không để xảy ra những trường hợp thương tâm như đã nêu.

Trường nào đã dọn dẹp tạm xong, kịp thời tổ chức việc dạy học; các trường bị hư hỏng nặng cũng phải tìm cách làm phòng tạm, mượn cơ sở khác hoặc tăng cường dạy 2 ca, 3 ca để học sinh đến trường.Dự kiến sớm nhất đến ngày 9-10 học sinh mới có thể trở lại trường - ông Đồng cho hay.
 

Gần 50.000 SV và cán bộ ĐH Kinh tế Quốc dân ủng hộ đồng bào lũ lụt

Sáng nay 5/10, ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 9 gây ra. Ngoài sự ủng hộ của sinh viên, mỗi giảng viên, cán bộ công nhân viên trong trường đều ủng hộ 1 ngày lương.

Hãy giúp các em có sách, vở tới trường - 1

GS.TS Nguyễn Nam hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá lách, chia sẻ với những khó khăn của đồng bào các tỉnh bị ảnh hưởng nặng về cơn bão số 9 gây ra, cán bộ, công nhân viên và sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân xin góp một phần nhỏ để giúp đỡ đồng bào vượt qua cơn hoạn nạn này".

Được biết, Đại học Kinh tế Quốc dân hiện nay là một trường đại học trọng điểm hàng đầu, có uy tín nhất trong hệ thống các trường đại học về kinh tế của Việt Nam. Trường hiện có khoảng 45.000 sinh viên các hệ đào tạo. Bậc đào tạo đại học hiện có 45 chuyên ngành thuộc 8 khối chuyên ngành khác nhau.

 
Hồng Hạnh