Hành trình từ cô giáo thôn bản thành nữ tiến sĩ người Dao đầu tiên

Phương châm “Học tập là khởi đầu của giàu có; Học tập là khởi đầu của sức khỏe; Tìm kiếm và học hỏi là nơi điều kỳ diệu bắt nguồn” đã giúp người phụ nữ Dao mang tên Bàn Thị Quỳnh Giao làm nên những điều diệu kỳ trên hành trình chinh phục tri thức.

Tuổi thơ khốn khó

Bàn Thị Quỳnh Giao (SN 1977) trú tại xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, Bắc Thái (cũ) nay là tỉnh Thái Nguyên. Cô vốn sinh ra trong một gia đình trí thức. Bố cô là Tiến sĩ Bàn Tiến Tân (1945-1994), người Dao đầu tiên giành được học vị tiến sĩ tại trường Đại học Lomonoxop (Liên Xô cũ). Sau khi trở về nước ông trở thành giảng viên, rồi Trưởng bộ môn Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. 

Mặc dù có bố đi "Tây", là giảng viên một trường đại học nhưng tuổi thơ của chị em Quỳnh Giao là những chuỗi ngày thiếu thốn, vất vả, bởi một suất tem phiếu của cha không đủ nuôi sống bốn miệng ăn trong nhà. Nương rẫy trở thành nơi cô ở nhiều hơn là trường học và nhà.

Nhưng có lẽ chính vì hoàn cảnh gian khó ấy đã giúp Bàn Thị Quỳnh Giao có một tinh thần tự lập phi thường ngay từ nhỏ. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi có lúc nữ tiến sĩ này vui vẻ bông đùa: "Chắc bà mụ đã nặn nhầm tôi, bởi những việc mà mọi người cho rằng chỉ có đàn ông mới làm được thì mình đều cáng đáng và hoàn thành một cách trơn tru".

Hành trình từ cô giáo thôn bản thành nữ tiến sĩ người Dao đầu tiên - 1

Bàn Thị Quỳnh Giao trải qua một tuổi thơ đầy khốn khó. (Ảnh: NVCC)

 

Khó khăn, vất vả là vậy vẫn không làm cho ngọn lửa khát khao tri thức trong cô nguội lạnh. Những tháng năm ngồi học trên ghế nhà trường Quỳnh Giao luôn trở thành một điểm sáng về thành tích học tập. Sau khi học xong đại học, nghe theo ý nguyện của bố, cô trở về quê nhà để gieo mầm, nuôi dưỡng giấc mơ tri thức cho những đứa trẻ vùng cao. 

10 năm gắn bó với mái trường THCS Giang Tiên trở thành một phần kí ức đẹp đẽ, không thể nào quên trong cuộc đời cô. Giờ đây, sau bao nhiêu năm không còn làm công tác giảng dạy nữa, nhưng điều vui nhất là những lứa học trò năm xưa vẫn luôn dõi theo và cổ vũ cô. Với suy nghĩ, bản thân cần nâng cao trình độ hơn nữa nên năm 2008 cô đã tự bỏ kinh phí để đi học và hoàn thành tấm bằng thạc sỹ.

Giấc mơ vượt khỏi lũy tre làng

Năm 2010 khi cầm tấm bằng thạc sỹ trên tay, cô giáo Bàn Thị Quỳnh Giao đã rưng rưng xúc động. Với phương châm: "Học tập là khởi đầu của giàu có. Học tập là khởi đầu của sức khỏe. Tìm kiếm và học hỏi là nơi điều kỳ diệu bắt nguồn", cô đã có một bước đi đầy táo bạo khi quyết định rời quê hương xuống chốn đô thành để tìm kiếm những thử thách mới.

Năm 2011, Thạc sỹ Quỳnh Giao bén duyên rồi chuyển về công tác tại Viện Văn học (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Chuyển từ công tác giảng dạy sang công tác nghiên cứu, những ngày đầu làm việc trong môi trường mới khiến cô không khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhờ bản lĩnh được hun đúc từ nhỏ cô đã vượt lên tất cả.

Sau hơn một năm công tác, thạc sỹ Quỳnh Giao đã có bài hội thảo khoa học đầu tiên. Bài viết đã được chọn in vào kỷ yếu của Viện Văn hóa dân gian năm 2012. Bài viết về tri thức bản địa chọn giống cây trồng của người Dao cổ, cụ thể là cách chọn giống ngô và giống lúa. Thành quả bước đầu thực sự như một liều "doping" giúp cô có thêm sự tự tin trên hành trình chinh phục những đỉnh cao tri thức.

Hành trình từ cô giáo thôn bản thành nữ tiến sĩ người Dao đầu tiên - 2

Bàn Thị Quỳnh Giao trong buổi lễ bảo vệ luận án tiến sĩ. (Ảnh: NVCC)

 

Bên cạnh công tác chuyên môn, Bàn Thị Quỳnh Giao cũng hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ trong gia đình. Năm 2013, sau khi sinh người con thứ hai, cô đã làm hồ sơ đi học tiến sĩ. Thời điểm đó, quyết định của cô khiến nhiều người nghi ngờ. Thế nhưng bỏ mặc ngoài tai những ý kiến trái chiều, cô vẫn kiên định với sự lựa chọn của mình. Cô không những tự tin thi nghiên cứu sinh mà đồng thời đăng ký học lớp văn bằng 2 ngoại ngữ.

Luận án tiến sĩ của Bàn Thị Quỳnh Giao lựa chọn nghiên cứu dân ca nghi lễ. Đây thực sự là một đề tài khó bởi sự hạn chế về tư liệu ở nước ta thời điểm đó. Nếu nghiên cứu thành công thì đồng nghĩa với việc mở ra được thế giới tâm linh của tộc người Dao, một tộc người sống tương đối khép kín.

Chia sẻ với PV, cô Quỳnh Giao cho biết, sở dĩ đề tài khó vì bình thường trong tang ma, người Dao sẽ không cho người lạ vào tham dự một số nghi lễ quan trọng và nếu được tham dự các thầy cúng cũng phải mất rất nhiều âm binh để xin xỏ. Thế nhưng, bằng những lợi thế và sự quyết tâm của mình, cô đã vận dụng hết khả năng của một nhà khoa học thuyết phục cộng đồng hé mở thế giới thần bí của mình. Với cô, đây không chỉ đơn thuần là một luận án mà còn là một món nợ ân tình với đồng bào dân tộc mình. Cô mong muốn thông qua luận án mọi nghi lễ vòng đời của người Dao sẽ được ghi chép lại một cách trung thực để bảo tồn cho các thế hệ sau.

Sau rất nhiều cố gắng tìm tòi tài liệu, ghi chép thực tế ở những bản làng sâu xa nhất, luận án của cô đã hoàn thành và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía hội đồng khoa học trong và ngoài nước. Ngày cô bảo vệ luận án, nhiều giáo sư đầu ngành dù không có trong hội đồng vẫn tới tham dự. Nhiều nhà khoa học nước ngoài như Trung Quốc, Úc gặp cô trong một cuộc hội thảo quốc tế cũng bày tỏ sự quan tâm và xin tài liệu để họ có sự đối chiếu về tộc người Dao sinh sống tại đất nước họ.

Năm mới Canh Tý 2020, Tiến sĩ Bàn Thị Quỳnh Giao cho biết, trong thời gian tới, cô sẽ có thêm nhiều dự định mới trên con đường chinh phục những cột mốc tri thức.

Theo Gia Bình - Huyền Chi

Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm