Hành trình theo đuổi ước mơ: Không gì là không thể!

Sáng 12/1, buổi tọa đàm “Công nghệ thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật với thế giới” diễn ra tại Không gian chia sẻ S.hub, Thư viện tổng hợp TP.HCM đã thu hút gấp đôi số lượng người tham gia dự kiến. Xuyên suốt buổi toạ đàm, các khách mời đã chia sẻ, động viên và truyền cảm hứng sống bằng chính câu chuyện của mình.

Truyền cảm hứng để sống ý nghĩa hơn

Hai khách mời đặc biệt của toạ đàm là cô Dương Phương Hạnh - Sáng lập/Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm Thính (CED) và anh Đặng Hoài Phúc - Giám đốc Trung tâm Vì Người Mù Sao Mai.

Sau trận sốt năm 6 tuổi, cô Dương Phương Hạnh bị mất thính lực hoàn toàn. Điều đặc biệt là, bằng việc học cách đọc tín hiệu môi và liên tục nỗ lực để hòa nhập cộng đồng, cô vẫn giao tiếp như một người bình thường và tiếp tục cuộc sống của mình. Cô tốt nghiệp đại học và cao học, lấy bằng kỹ sư hóa, làm biên phiên dịch tiếng Anh, viết sách cho cộng đồng người khiếm thính và dạy học cho các em nhỏ khiếm thính.


Cô Dương Phương Hạnh (ngoài cùng, bên trái) chia sẻ hành trình cô vượt qua khó khăn để truyền cảm hứng sống tích cực.

Cô Dương Phương Hạnh (ngoài cùng, bên trái) chia sẻ hành trình cô vượt qua khó khăn để truyền cảm hứng sống tích cực.

“Từ khi mất đi thính lực, tôi mày mò, tìm cách biến sự vô thức thành một kỹ năng giao tiếp để làm việc như một người bình thường. Thông qua các phần mềm công nghệ, tôi tự học được tiếng Anh và Tin học.” Dù gặp phải vô vàng khó khăn, cô Hạnh vẫn tiếp tục sống, làm việc, và theo đuổi những ước mơ của mình. Năm 2006, khi biết được thông tin về một người khiếm thính ở Thụy Điển đang sống và sinh hoạt hoàn toàn bình thường, sự tò mò đã thôi thúc cô tìm hiểu và chủ động gửi email trao đổi với họ. Chính điều này đã thay đổi cuộc đời cô, đặc biệt là sau khi cô được mời tham gia “Chuyến đi vòng quanh thế giới vì người khiếm thính.”

“Những người khiếm thính đó làm được, tôi làm được, thì các bạn cũng có thể làm được” – cô Dương Phương Hạnh chia sẻ.

Ngoài tấm gương của cô Phương Hạnh, buổi tọa đàm đã mang đến một câu chuyện khác cũng có sức ảnh hưởng không kém, đặc biệt là trong cộng đồng người khiếm thị.


Từ câu chuyện cuộc đời mình, anh Hoài Phúc tin rằng công nghệ sẽ thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật với thế giới.

Từ câu chuyện cuộc đời mình, anh Hoài Phúc tin rằng công nghệ sẽ thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật với thế giới.

Cũng giống như cô Phương Hạnh, anh Đặng Hoài Phúc bị khiếm thị từ khi còn rất nhỏ - lúc anh chỉ mới 9 tuổi. Không nản chí vì điều đó, anh vẫn miệt mài học tập và tìm cách để đạt được những mục tiêu của mình trong cuộc sống. Sau khi hoàn tất chương trình phổ thông, anh tiếp tục theo học chuyên ngành Ngữ Văn Anh tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Quan trọng hơn cả, anh luôn dành rất nhiều thời gian để làm việc trực tiếp với những người khiếm thị như mình. 18 năm qua, anh đã dùng niềm đam mê với công nghệ và tin học để nghiên cứu, phát triển, và xây dựng nhưng công cụ và phần mềm có khả năng góp phần thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật và thế giới. Anh vừa là người biên soạn bộ giáo trình tin học cho người khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam, vừa là người sáng lập Thư viện sách nói kỹ thuật số vào năm 2005 (dự án đã đoạt giải thưởng DigitAll Hope của công ty Samsung).

“Tôi sớm nhận thấy sức mạnh của công nghệ với đời sống của người khiếm thị nên nhiều năm qua, tôi cố gắng giúp cộng đồng người khiếm thị tiếp cận với công nghệ thông qua các phần mềm hoặc tạp chí online.” - anh Hoài Phúc chia sẻ.

Tiếp cận ước mơ bằng cảm hứng và quyết tâm


Đặng Minh Hưng (17 tuổi) chia sẻ ước mơ được trở thành bác sĩ Đông y.

Đặng Minh Hưng (17 tuổi) chia sẻ ước mơ được trở thành bác sĩ Đông y.

“Em đang học ở trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và học thêm ở một lớp đông y. Em muốn những người xung quanh em không ai mắc bệnh về xương khớp nữa” - Đặng Minh Hưng (17 tuổi, TP.HCM) tâm sự.

Buổi tọa đàm dường như trở nên chậm lại khi những vị khán giả bắt đầu nói về những ước mơ của mình. Ngoài ước mơ của Minh Hưng, còn rất, rất nhiều những ước mơ giản dị khác được chia sẻ và lắng nghe “Em muốn trở thành người trồng hoa”, “Em muốn làm võ sĩ và họa sĩ”, “Em muốn tạo nên một thế giới hạnh phúc”…

Anh Đặng Hoài Phúc cho biết: “Các bạn đừng giới hạn ước mơ của mình, bởi người khuyết tật có thể làm được tất cả mọi thứ. Các bạn có thể sinh hoạt như người bình thường, học tiếng Anh, dùng máy vi tính, thậm chí là đi nước ngoài, tham gia các hoạt động quốc tế,… Chỉ cần các bạn có quyết tâm và ước mơ, không gì có thể ngăn cản được các bạn”.

Anh Thành (TP.HCM) – một người tham dự tọa đàm chia sẻ: “Lắng nghe những chia sẻ của cô Hạnh, anh Phúc, tôi cảm thấy được truyền thêm sức mạnh để vượt qua mọi rào cản. Tôi mong cộng đồng người khuyết tật sẽ được hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa, để chúng tôi có cơ hội tiếp cận với công nghệ, để việc sinh hoạt được thuận tiện và dễ dàng hơn”.

Hành trình theo đuổi ước mơ: Không gì là không thể! - 4

Kết thúc buổi sáng ngày hôm đó, cô Dương Phương Hạnh nhắn nhủ rằng sự nỗ lực của mỗi cá nhân, sự giúp sức của gia đình, và đặc biệt là sự hỗ trợ của công nghệ sẽ giúp người khuyết tật chạm gần hơn đến với ước mơ của mình. “Tôi vẫn đang duy trì hoạt động của trung tâm hỗ trợ người khiếm thính từ 3 đến 40 tuổi với 3 lớp: can thiệp sớm, lớp 1 dự bị và hỗ trợ học đường. Song song đó là dịch vụ hỗ trợ máy trợ thính. Còn với những người khiếm thính dùng ngôn ngữ ký hiệu, chúng tôi cần thêm những thiết bị hiện đại, những phần mềm công nghệ. Hy vọng công nghệ đừng bỏ quên chúng tôi”.


Các bạn nhỏ khiếm thị trải nghiệm Samsung Tab điều khiển bằng giọng nói tại Hành trình truyền cảm hứng 2017.

Các bạn nhỏ khiếm thị trải nghiệm Samsung Tab điều khiển bằng giọng nói tại Hành trình truyền cảm hứng 2017.

Tọa đàm “Công nghệ thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật với thế giới” nằm trong chuỗi hoạt động “Hành trình truyền cảm hứng” của Công ty Điện tử Samsung Vina. Chương trình kéo dài từ ngày 12 đến ngày 14.1 với nhiều hoạt động ý nghĩa như triển lãm thực tế ảo “Bên trong Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất thế giới”, triển lãm ảnh “Hành trình truyền cảm hứng”, và các trò chơi nghệ thuật của nhóm Toa Tàu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm