Hành trang một ông bố chuẩn bị cho con trai sắp đi du học

(Dân trí) - Anh Nguyễn Tuấn Hải, tốt nghiệp thạc sĩ trường Woodrow Wilson School of World Affairs – trực thuộc Đại học Princeton, Hoa Kỳ chia sẻ về những điều tâm huyết mà cá nhân anh, một ông bố âm thầm, bền bỉ chuẩn bị cho con trai sắp đi du học Mỹ.

Tôi có cậu con trai cả đang bước vào các giai đoạn cuối cùng của việc chuẩn bị đi du học. Cháu đã có một quá trình chuẩn bị khá kỹ lưỡng và dù là người có kinh nghiệm đào tạo, định hướng du học trong 20 năm qua, thì tôi vẫn bối rối với các công việc này cho con trai mình như bình thường.

Bởi lẽ, không một đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào và mỗi đứa đều cần phải (và cần được) đi trên con đường riêng của nó và bằng đôi chân của chính nó.

Cháu có niềm đam mê đối với việc đi du học từ nhỏ. Những năm cuối tiểu học, con đã hình thành cho mình sự hiểu biết riêng về Mỹ và về Anh Quốc và cả Singapore nữa.

Con đặc biệt thích Anh Quốc ngay cả trước khi con được tới đất nước này. Và khi được đặt chân tới đây, tình yêu của con dành cho Anh Quốc dường như càng sâu đậm hơn. Con vẫn thích Anh hơn Mỹ ngay cả khi sau đó có cơ hội đến Mỹ học tập, trải nghiệm và tìm hiểu trong khóa học ngắn ngày vào mùa hè.

Nhưng chắc là con sẽ hẹn nước Anh vào một bậc học khác, cơ thể là đại học hoặc sau đại học. Còn ở bậc phổ thông, gần như chắc chắn con sẽ học ở Mỹ theo định hướng của tôi, với nhiều lý do cá nhân riêng.

Tôi đã chuẩn bị cho con được những gì và vẫn phải tiếp tục chuẩn bị cho con những gì, nhất là khi con sẽ đi du học?


Cha mẹ phải là người bạn, người đồng hành hỗ trợ, vun vén hành trang du học cho trẻ bằng tình yêu, trách nhiệm và ý thức.

Cha mẹ phải là người bạn, người đồng hành hỗ trợ, vun vén hành trang du học cho trẻ bằng tình yêu, trách nhiệm và ý thức.

1. Ngôn ngữ là công cụ sống còn

Điều này phải khẳng định ngay lập tức và tôi đặt nó ở vị trí quan trọng số 1. Nếu không đủ tốt về ngôn ngữ để có thể hòa nhập thật sự với bạn bè và kết bạn sâu và rộng thì việc đi du học của con sẽ là một trải nghiệm đáng buồn và căng thẳng vô cùng.

Học giỏi trên lớp ư? Chưa là gì và chẳng có nghĩa lý gì cả.

Cha mẹ Việt chúng ta chỉ quan tâm nhiều tới khía cạnh chuyên môn của con, lấy cái bảng điểm ra coi con học tốt các môn là yên tâm và vui mừng. Chưa nói điều đó có thực sự đáng mừng hay không nhưng việc đó rõ ràng là không bao giờ là đủ.

Bạn nhỏ nhà tôi, nói và nghe tiếng Anh một cách tự nhiên do được dẫn dắt về cách học và tạo một môi trường ngôn ngữ đủ. Việc này không có gì là ghê gớm hay tài năng gì cả.

2. Dạy con cách suy nghĩ và tiếp cận các vấn đề theo cách của phương Tây

Đây là điều quan trọng thứ nhì mà tôi muốn nói tới. Để cho Tây hiểu mình và thâm nhập được vào thế giới học thuật và cả cuộc sống của họ, bạn cần phải có tư duy giống họ về các mặt này (không phải là văn hóa hay lối sống).

Đơn giản chỉ là cách (how) mà thôi, sau khi đã được trang bị công cụ ngôn ngữ.

Có rất nhiều tư duy (và kỹ năng đi kèm của phương Tây mà tôi phải trang bị cho con mình. Một trong những thứ đó chính là Tư duy phản biện (Critical Thinking) mà tôi phải thú thật với mọi người là tôi đã phải mất nhiều năm để hình thành và nuôi dưỡng cho con do môi trường giáo dục và xã hội Việt Nam chưa khuyến khích điều này.

3. Thái độ sống và ứng xử (Attitude and manners)

Đây là những vấn đề ngoài chuyên môn nhưng thật ra cực kỳ quan trọng. Nó sẽ quyết định sự thành công của việc hội nhập của con tôi. Ở phương Tây, dành được sự tôn trọng của họ cho mình là điều vừa khó mà lại vừa dễ. Họ không tôn trọng anh bằng việc anh giàu có, mặc áo gì đi xe gì hay kể cả học giỏi cỡ nào mà bằng việc anh cư xử với mọi người nhân ái bao nhiêu và giữ một thái độ sống tích cực thế nào.

Tôi đặc biệt chú ý dạy con tôn trọng người khác trước khi mong muốn nhận được sự tôn trọng từ họ. Có mấy thứ sau nhất định con cần phải học được và hiểu thật thấu đáo :

Sự khác biệt: Từ màu da, tôn giáo và quan điểm tới lối sống.

Sự riêng tư (Privacy): Đây là đỉnh cao của văn hóa và văn minh. Đây là điểm mấu chốt nhất mà tôi luôn chú tâm dạy con. Không bao giờ được tọc mạch vào các vấn đề riêng tư của người khác. Con không bao giờ được nghĩ có quan tâm thì con mới làm thế. Điều này tuyệt đối sai.

Và con nhất định không bao giờ được phép phán xét về người khác.

Bởi lẽ khi con phán xét về người khác tức là con đã xâm phạm nghiêm trọng sự riêng tư và quyền được là chính họ của họ rồi. Vậy làm sao mà họ tôn trọng con đây?

Vâng, có lẽ còn có thêm một loạt các thứ khác phải làm và chuẩn bị cho con nữa, mà tôi vẫn đã và đang làm âm thầm và bền bỉ cho con.

Làm bằng tình yêu, trách nhiệm và cả ý thức nữa.

Nguyễn Tuấn Hải

(Thạc sĩ trường Woodrow Wilson School of World Affairs - ĐH Princeton, Mỹ)