Phó Chủ tịch Hội khuyến học TP.HCM:

Hạnh phúc với công tác khuyến học

(Dân trí) - “Người làm khuyến học hạnh phúc lắm. Như niềm vui trong một ngày hội đập heo đất, một trong những hoạt động do Hội Khuyến học khởi xướng. Khi tham gia ngày hội đập heo đất này mới thấy sự nghiệp khuyến học đáng trân trọng làm sao!”

"Nữ tướng" Lê Minh Ngọc, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Phó Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM là người tràn ngập những ý tưởng sáng tạo. Chị luôn bận rộn, điện thoại thường xuyên réo vang và phần lớn là của "các con" học sinh, sinh viên gọi cho "mẹ" Ngọc. Bí quyết làm khuyến học của chị được gói gọn trong phép cộng: Tâm huyết + Trong sáng = Niềm tin của các nhà tài trợ.

Sự chính xác là yếu tố vô cùng quan trọng

Hội Khuyến học TP. HCM được đánh giá là một Hội có hoạt động sôi nổi nhất hiện nay trong cả nước. Hội còn nổi tiếng với "ăm ắp" những học bổng mà học bổng nào cũng có tên gọi chỉ nghe thôi cũng đã thấy rất gợi cảm. Chị có thể tiết lộ chút bí quyết của chị trong việc khai sinh ra các loại học bổng như vậy?

Khi xây dựng tên gọi cho mỗi học bổng, điều mà tôi luôn hướng tới là làm sao cả người nhận và người trao đều cảm nhận được niềm hạnh phúc của sự chia sẻ. Đó không chỉ là một hành động từ thiện mà nó là sự ấm áp và gần gũi của tình người. Đối với mỗi học bổng, đòi hỏi đặt ra đối với chúng tôi là phải làm sao để nó đến được tận tay người nhận một cách chu đáo nhất. Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức Lễ Tạ ơn các ân nhân đã tài trợ cho các chương trình học bổng. Tại buổi Lễ Tạ ơn này có các cuộc giao lưu giữa học sinh, sinh viên và những người đã giúp đỡ mình và đó cũng là cơ hội để các em thể hiện sự tri ân.

Chúng tôi luôn có một bản danh sách ghi rất rõ những học sinh, sinh viên nào nhận học bổng của ai, trong thời gian bao lâu. Sự chính xác cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng để những người đã tài trợ cảm nhận được sự tôn trọng với những gì mà họ đã bỏ ra.

Học bổng Khuyến tài hay còn gọi là Học bổng 1&1 là một ví dụ. Học bổng này do một ân nhân (cá nhân hoặc đơn vị) nhận đỡ đầu cấp học bổng cho một sinh viên và ân nhân sẽ tài trợ cho sinh viên ấy trong suốt quá trình học đại học. Năm 1999 - 2000 bắt đầu thực hiện chương trình mới chỉ có 5 ân nhân tài trợ cho 5 học bổng, đến năm học này đã nhận được ủng hộ chí tình của 162 cá nhân, 23 đơn vị, tổ chức, nâng tổng số sinh viên được nhận học bổng lên 530 em...

Ngoài học bổng khuyến tài, chúng tôi còn có: Học bổng rước bạn đi sau, Học bổng đồng hành, Học bổng chắp cánh ước mơ, Học bổng kết nối niềm tin, Học bổng tiếp sức đến trường được thực hiện từ chương trình Đi bộ gây quỹ khuyến học...

Hãy tôn trọng niềm hạnh phúc của các nhà từ thiện

Và điều bị xem là "tối kỵ" của chị khi hoạt động khuyến học?

Đừng bao giờ nói suông, than vãn nghèo khổ và cứng nhắc ngồi chờ người ta mang tiền đến ủng hộ khuyến học, khuyến tài! Phải luôn nghĩ cách để kêu gọi và gắn kết những tấm lòng hảo tâm. Nhưng kêu gọi phải luôn tôn trọng nền tảng là ân nặng tình sâu. Người giúp không chỉ đơn thuần chỉ giúp về mặt tài chính mà còn vì thực sự muốn sẻ chia với những nỗi bất hạnh và họ có được niềm hạnh phúc khi chứng kiến những đồng tiền của mình bỏ ra có ý nghĩa thế nào.

Cùng đó, hoạt động khuyến học theo tôi phải luôn luôn sáng tạo. Chẳng hạn, một trong những cách chúng tôi gây Quỹ Khuyến học là làm một chiếc thùng rất to để ở các trường phổ thông mà thùng đó chỉ để đựng các vỏ hộp sữa mà các em học sinh uống xong rồi bỏ vào. Trên thùng có biển ghi rất rõ các em hãy làm việc này để gây quỹ ủng hộ học sinh nghèo. Nhờ có hành động này, hãng sữa Abbot đã tặng cho Quỹ 240 triệu đồng.

Hay như chương trình Đi bộ gây quỹ thì chúng tôi phải tìm đến các doanh nghiệp sản xuất đồ ăn, nước giải khát, quần, áo mũ... đề nghị họ giúp đỡ để phục vụ cho những người tham gia chương trình đi bộ này. Sau chương trình đi bộ gây quỹ, ngân hàng Techcombank đã tài trợ 200 triệu đồng.

Những người bạn thân thiết của Quỹ Học bổng Khuyến học- Khuyến tài:

 

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Khi còn là Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông đã đỡ đầu cho một sinh viên nghèo vượt khó đỗ thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2004.


- Gia đình Đại tướng Mai Chí Thọ tài trợ 100 triệu đồng.


- Họa sĩ Trương Hán Minh từ năm 1999 đã tổ chức triển lãm tranh để ủng hộ 60 triệu đồng và 300 USD, năm 2007 lại tặng Hội 2 bức tranh trị giá 4.000 USD để bán đấu giá gây quỹ.


- Luật sư Hồ Ngọc Cứ tuổi cao nhưng đã vận động được trên 100 suất học bổng.


- Hòa thượng Thích Như Niệm trong suốt 8 năm qua, năm nào cũng tặng quỹ 5 triệu đồng...

Tiền tỉ đến từ những điều giản dị!

Có vẻ như thời gian hoạt động khuyến học của chị luôn tràn ngập niềm vui của những ý tưởng mới và sự thành công?

Trời! Người làm khuyến học hạnh phúc lắm. Như tại một ngày hội đập heo đất, một trong những hoạt động do Hội Khuyến học khởi xướng. Quận 5 là quận đầu tiên có nhiều người nuôi heo đất khuyến học và khi tham gia ngày hội đập heo đất này mới thấy sự nghiệp khuyến học đáng trân trọng làm sao.

Ngay từ 8h sáng, tại một căn hẻm nhỏ, bà con đã tưng bừng tập trung nhau tại nhà tổ trưởng dân phố. 52 người đại diện cho hơn 50 hộ gia đình; nam, phụ, lão, ấu đều có mặt. Ai cũng mang trong tay chú heo đất được gia đình chăm sóc kỹ càng trong gần một năm qua, với vẻ mặt hồ hởi. Sau tiếng hô 1, 2, 3, đồng loạt 52 con heo đất được đập xuống đất "bộp bộp" như những tiếng pháo reo vui và sau đó là những tiếng khua lẻng xẻng của các đồng xu...

Vậy mà số tiền quyên góp từ nuôi heo đất cũng đã lên đến lên hàng tỷ đồng. Quận 5 đã có tới gần 200 triệu đồng từ nuôi heo đất. Phường 15, Quận Phú Nhuận gần 200 triệu đồng, phường 14 quận Phú Nhuận trên 1,3 tỉ đồng...

Tiền tỉ của khuyến học đã đến từ những con heo đất giản dị đó...

Xin cảm ơn chị.

Mai Minh-Nguyễn Hùng-Việt Hưng