Hạnh phúc của người làm khuyến học

(Dân trí) - Mọi người thường gọi đùa người làm công tác khuyến học là “vác tù và hàng tổng”. Nhưng ông Trương Sỹ Tiến - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị lại tìm thấy ở đấy niềm hạnh phúc và sự thanh thản khi miệt mài làm công tác hội.

Người bộ hành không đơn độc

 

Bước vào “con đường” khuyến học, việc đầu tiên là tôi tìm về quá khứ. Từ những trang sách trong thư viện đã cho tôi hiểu: Khuyến học vốn là một truyền thống rất đẹp từ ngày xưa của dân tộc. Tiếp đó, tôi tìm đến các hương ước từ xưa của các làng xã quê tôi...

 

Tôi còn nhớ một chiều nắng gắt mùa hè 2003, xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Linh) mời tôi nói về khuyến học. Nhìn hơn 300 người dân quê ngồi giữa sân trong nắng gắt buổi chiều say sưa nghe, tôi hiểu rằng: Lòng dân hôm nay cũng rất mộ khuyến học.

 

Đặc biệt ấn tượng với tôi là Đại hội Khuyến học tỉnh. Từ lãnh đạo Trung ương Hội, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đến lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Mặt trận, các Ban ngành, đoàn thể tham dự gần như đầy đủ 100%.

 

Nhìn 240 đại biểu trong suốt 4 giờ chăm chú, nghiêm túc nghe và bộc lộ thiện chí với công việc khuyến học, tôi hiểu rằng: Thật hạnh phúc khi được làm một công việc trong sự “bảo trợ” đầy  tin cậy đó.

 

Được xã hội trao gửi niềm tin

 

Ngoài cái TÂM, cái TRÍ, làm khuyến học phải có LỰC. Những người làm khuyến học lại không thể tạo ra tiền bằng bất kỳ giá nào. Người tài trợ có những yêu cầu khắt khe. Đó phải là việc làm cần thiết, đúng đắn; địa chỉ đến không chỉ đúng mà phải trúng; phải đảm bảo không thất thoát dù một xu. Ngoài ra, còn có những yêu cầu khác phải tổ chức hoành tráng, hấp dẫn, phải kết hợp quảng bá...

 

Mỗi một đồng tiền dù nhiều hay ít, dù tới đâu cũng đều thật quý. Một cháu học sinh nghèo thi đại học không đỗ thấy các bạn “nghèo hơn nhưng giỏi hơn mình” được Hội “tiếp sức đến trường” đã tạm gác nỗi buồn riêng, góp 30.000đ tiếp thêm cho các bạn. Đẹp biết bao khi người bạn trẻ “thấy đèn nhà người khác sáng không tìm cách thổi tắt mà tự khơi bấc đèn nhà mình lên”.

 

Đầu năm 2006, Hội mở đợt xổ số “Vì sự nghiệp Khuyến học Quảng Trị” đã được toàn dân ủng hộ. Hay chuyện của Tổng Phật tử Chính Tâm - chùa Quán Sứ Hà Nội - một Tổng gồm những chị em đi chùa, hầu hết cuộc sống cũng đang khó khăn vậy mà “tích tiểu thành đại”, tiết kiệm từng lần đi chợ mà đã hỗ trợ Hội hơn 300 triệu đồng.

 

Rồi một nhà khoa học, vì yêu quê, thiết tha mà từ tiền cá nhân đã hỗ trợ hơn 600 triệu đồng. Tiếp nhận những đồng tiền đó, Hội có thêm lực để khuyến học và thật hạnh phúc khi được tin cậy và trao gửi như thế!

 

Được chia sẻ và đem lại niềm vui cho người khác

 

Hiếm có một tỉnh nào bị hậu quả chiến tranh và thiên tai nặng nề như Quảng Trị. Đã vậy lại với một tiềm lực còn quá mỏng. Vì vậy, ngoài những giúp đỡ cụ thể, thiết thực tại cơ sở, Hội đã thực hiện 4 chương trình lớn: Đỡ đầu dài hạn cho 650 cháu học sinh nghèo hiếu học; Tiếp sức đến trường cho sinh viên nghèo; Hỗ trợ tăng thu nhập cho các gia đình nghèo hiếu học và chương trình “Mái ấm khuyến học”.

 

Mỗi một lần tổ chức “đỡ đầu” hay “tiếp sức”, nhìn lên màn ảnh với các phóng sự truyền hình về gia cảnh các cháu, hàng trăm người đã khóc. Những người làm khuyến học đã nhỏ những giọt nước mắt sẻ chia.

 

Đó là một người mẹ không còn hai chân, chỉ đi làm hương, mỗi ngày thu nhập 9.000đ nhưng đang nuôi 3 con ăn học. Đó là một người cha thương binh trong cảnh “gà trống nuôi con” với 4 con ăn học. Đó là 2 ông bà đã ngoài  80 tuổi vừa phải nuôi người con gái tâm thần lại phải nuôi 1 cháu ngoại học đại học…

 

Vì vậy, khi nhìn nụ cười rất tươi của các cháu lên nhận quyết định được đỡ đầu hay được tiếp sức, người làm khuyến học hiểu rằng: mình đã góp phần “xoa dịu nỗi đau”, tiếp thêm niềm tin và ý chí cho họ. Đây là hạnh phúc của người làm khuyến học.

 

Việc cần và phải làm còn rất nhiều ở phía trước nhưng làm khuyến học cũng là học. Tôi đã học được rằng: Được làm khuyến học là một hạnh phúc khi góp thêm được những việc hữu ích cho đời, cho dù chỉ là “mèo con bắt chuột con” thôi nhưng có lẽ ý nghĩa của đời sống gắn liền với tính hữu ích này và vì vậy thật thanh thản và hạnh phúc khi được làm khuyến học.

 

Trương Sỹ Tiến

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm