Hàng trăm thí sinh từ rớt thành đậu sau khi chấm phúc khảo

(Dân trí) - Sau khi chấm phúc khảo, nhiều thí sinh từ rớt trở thành đậu trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Đặc biệt, sau khi thí sinh có đơn phúc khảo, nhà trường mới rà soát và phát hiện những lỗi về cơ học khiến thí sinh mất đến hơn 8 điểm.

Chấm phúc khảo, điểm tăng từ 6-8 điểm

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, trong số 127 thí sinh yêu cầu phúc khảo bài thi đã có 7 thí sinh có điểm thay đổi. Trong số đó, bốn thí sinh được tăng điểm và từ rớt trở thành đậu ĐH. Đặc biệt, hết ba thí sinh có điểm môn Toán tăng đến 6 điểm sau khi phúc khảo.

Công tác chấm thi ĐH, CĐ năm 2014 tại một trường ĐH tại TPHCM
Công tác chấm thi ĐH, CĐ năm 2014 tại một trường ĐH tại TPHCM.

Cụ thể đó là thí sinh Trần Thiên Kiều (SBD 33890) dự thi ngành kế toán, khối D1 có điểm thi môn Toán theo công bố ban đầu là 0,25 điểm, nhưng sau khi phúc khảo điểm môn toán chính thức là 6,25 điểm. Như vậy, tổng điểm ba môn thi sau khi phúc khảo là 17,75 điểm.

Thí sinh Huỳnh Mỹ Tường (SBD 14522) dự thi ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, khối A có điểm thi môn Toán theo công bố ban đầu là 0,25 điểm, nhưng sau khi phúc khảo điểm môn toán chính thức là 6,25 điểm. Kết quả tổng điểm sau khi phúc khảo là 18,5 điểm.

Thí sinh Nguyễn Hoàng Lam (SBD 33902) dự thi ngành Thương mại điện tử, khối D1 có điểm thi môn Toán theo công bố ban đầu là 0,75 điểm, nhưng sau khi phúc khảo điểm môn Toán chính thức là 6,75 điểm. Kết quả, tổng điểm sau khi phúc khảo là 13 điểm và được hưởng 1 điểm khu vực ưu tiên nên thí sinh này trúng tuyển.

Ngoài ra, kết quả phúc khảo còn có một thí sinh tăng 1 điểm, một số thí sinh tăng từ 0,25-0,5 điểm. Bên cạnh đó vẫn có thì sinh bị giảm điểm sau khi được chấm điểm phúc khảo.

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm TPHCM có tới 113 bài thi có điểm thay đổi sau khi chấm phúc khảo. Đáng chú ý, có bài thi tăng tới 8,25 điểm so với điểm công bố ban đầu. Cụ thể, thí sinh Nguyễn Thành Nam (SBD 6842) thi khối A vào ngành Công nghệ thông tin, trường công bố tổng điểm thi của thí sinh 10,5 điểm, trong đó điểm thi môn hóa 0 điểm nên không trúng tuyển.

Sau khi thí sinh xin phúc khảo điểm thì thực tế thí sinh đạt tới 8,25 điểm môn Hóa. Như vậy tổng điểm của thí sinh Nam lên đến 18,75 điểm, trong khi điểm chuẩn trúng tuyển ngành dự thi là 16 điểm nên thí sinh từ rớt trở thành đậu đại học.

Tương tự là trường hợp của thí sinh Phạm Thị Huệ (SBD 8362), thi khối A1 vào ngành Sư phạm tin học được trường công bố đạt tổng 9,75 điểm trong đó môn tiếng Anh bị điểm 0. Khi chấm phúc khảo thì điểm môn này “nhảy vọt” lên tới 8,25 điểm. Điểm chuẩn ngành em Huệ dự thi là 16 nên sau khi phúc khảo em đạt đến 18 điểm và hiển nhiên trúng tuyển.

Thí sinh Dương Hồ Kim Trinh, thi ngành Sư phạm toán học tăng 3 điểm môn Hóa sau khi chấm phúc khảo. Điểm ban đầu môn Hóa là 4,5 điểm, kết quả phúc khảo đạt 7,5 điểm. Tương tự, thí sinh Nguyễn Phước Trung cũng được tăng 2,25 điểm môn hóa; thí sinh Trương Thị Phương Tâm cũng tăng 1,25 điểm môn này…

Còn đối với các môn tự luận như toán, văn, sử, địa điểm phúc khảo của nhiều thí sinh tăng trong khoảng tử 0,25 - 1 điểm.

Lỗi tại ai?

Chuyện thay đổi điểm sau khi chấm phúc khảo vốn không có gì lạ nhưng nếu sự chênh lệch giữa điểm ban đầu quá lớn, nhất là với môn tự luận thì lại là điều bất thường. Như trường hợp của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cả 3 thí sinh được tăng tới 6 điểm đều ở môn Toán.

Liệu có bao nhiêu trường hợp thí sinh vì không có điều kiện không thể xin phúc khảo bị thiệt thòi?
Liệu có bao nhiêu trường hợp thí sinh vì không có điều kiện không thể xin phúc khảo bị thiệt thòi?

Ông Nguyễn Đức Minh - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM lý giải rằng các trường hợp thí sinh của trường sau khi chấm phúc khảo số điểm chênh lệch tới 6 điểm là do cán bộ lên nhầm điểm. Ông Minh cho rằng đây là lỗi sai cơ học chứ không phải lỗi của cán bộ chấm thi. Thí sinh nộp đơn phúc khảo, xem lại bài thi thì nhận thấy ngay.

Ông Minh giải thích trường hợp nhầm điểm là vì cán bộ chấm thi ghi số 6 nhưng giống số 0 nên cán bộ nhập điểm bị nhầm lẫn mới dẫn tới trường hợp sai (?!).

Trong khi đó, phía trường ĐH Sư phạm TPHCM thì cho rằng 2 trường hợp thí sinh được tăng từ 0 điểm tới 8,25 điểm đều ở môn thi trắc nghiệm là vì đánh số báo danh sai. Ngoài ra, các trường hợp môn trắc nghiệm thay đổi điểm là vì thí sinh sử dụng bút chì, tô đáp án bị mờ nên máy quét không nhận dạng được và không chấm điểm. Riêng đối các môn thi tự luận thì thí sinh làm bài thường không theo thứ tự nên dễ khiến cán bộ chấm thi chấm sót ý.

Như lý giải của các trường, thì lỗi gần như không phải của người chấm thi. Nhưng tình trạng sai sót vẫn xảy ra, liệu quy trình chấm thi của các trường còn sơ suất. Không thể hiểu vì sau một bài thi có phần ghi điểm bằng số và điểm bằng chữ mà cán bộ lên điểm vẫn nhập sai. Nhiều thí sinh nhờ xin phúc khảo mới “đòi” lại được điểm cho mình nhưng liệu có bao nhiêu trường hợp thiệt thòi vì điều kiện ở xa không thể xin phúc khảo. Tình trạng này xảy ra liệu có làm giảm đi sự tin tưởng của xã hội về sự minh bạch, nghiêm túc trong vấn đề thi cử.

Lê Phương