Hàng loạt trường ĐH, CĐ tư thục sắp ra đời

Mặc dù được đưa vào Luật giáo dục từ năm 1998 nhưng phải đến năm 2005, trường CĐ tư thục đầu tiên ở Việt Nam mới được thí điểm thành lập và đi vào hoạt động.

Khác hẳn với khởi đầu đầy chậm trễ, ngay sau khi qui chế trường ĐH tư thục được chính thức ban hành, số lượng đề án xin thành lập ĐH, CĐ tư thục đã nhanh chóng tăng vọt lên con số vài chục trường.

 

Dường như chỉ chờ có cơ chế, chính sách là nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mở hầu bao... và dự báo sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư thứ hai (sau dân lập) vào lĩnh vực giáo dục.

 

Trường tư thục đầu tiên

 

Nằm ngay cạnh quốc lộ 32, ở địa phận Hà Tây giáp ranh Hà Nội, khu nhà cao tầng khang trang vàng tươi màu sơn mới của trường CĐ tư thục (TT) đầu tiên Công nghệ Thành Đô vừa mở cửa đón khóa SV đầu tiên vào học. Ông Ngô Xuân Độ - nguyên hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội, một người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đào tạo - đứng ra đại diện các nhà đầu tư xin thành lập trường và đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng.

 

Với số vốn đầu tư ban đầu là 16 tỉ đồng và một khu đất ruộng còn ngập nước do UBND tỉnh Hà Tây cấp, kể từ khi được Bộ GD-ĐT có quyết định về nguyên tắc cho thành lập (tháng 4/2004), ông Độ và các cộng sự chỉ mất thời gian có bảy tháng để xây dựng thành một khu trường khang trang.

 

Có diện tích gần 5.700m2, cơ sở vật chất và trang thiết bị đủ đào tạo qui mô 2.500-3.000 SV, tuyển được 30 giảng viên cơ hữu và có hơn 120 giảng viên đăng ký thỉnh giảng, hệ thống chương trình, giáo trình tươm tất từ sự hỗ trợ của hai cơ sở đào tạo là Trường ĐH Công nghiệp TPHCM và CĐ Công nghiệp Hà Nội..., Trường CĐTT Công nghệ Thành Đô bắt đầu đã có dáng vóc của một ngôi trường đàng hoàng, không thua kém những ngôi trường CĐ đã có “thâm niên”.

 

Ông Ngô Xuân Độ khẳng định: “Nhu cầu đào tạo trình độ kỹ thuật gắn với thực hành trong thanh niên rất cao. Nhưng khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo hiện có mới chỉ đáp ứng được một phần. Như ở Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội, mỗi năm chỉ tiêu có 2.100 nhưng có đến 50.000 thí sinh đăng ký dự thi. Còn quá nhiều người có nhu cầu chưa được học...”.

 

Ông hoàn toàn tin tưởng ở hướng đầu tư mà mình đã lựa chọn, tin tưởng đến độ cùng các con mang toàn bộ nhà cửa đi thế chấp vay tiền mở trường. Ngoài hai vợ chồng ông, ba người con cùng dâu, rể - hầu hết là giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo - đều về làm việc cho trường…

 

Sau khi đưa chúng tôi tham quan một vòng ngôi trường mới với đầy đủ phòng học lý thuyết, giảng đường lớn, phòng học thực hành, xưởng thực nghiệm..., ông Độ rất lạc quan cho biết đây mới chỉ là cơ sở tạm thời, ban đầu của trường. Về lâu dài trường sẽ tọa lạc trên một khu đất rộng xấp xỉ 10ha nằm ở một vị trí tiện lợi gần quốc lộ 32 do UBND tỉnh Hà Tây cấp, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 120 tỉ đồng.

 

Chỉ nên có ĐH công lập và ĐH tư thục

 

Ít nhất sẽ có 18 trường ĐH, CĐ TT được thành lập trong hai năm 2005-2006. Căn cứ trên qui hoạch mạng lưới trường và những đề án đã được thẩm định, dự kiến trong năm 2005 sẽ có bốn trường ĐHTT và năm trường CĐTT được thành lập.

 

Trong năm 2006, sẽ có thêm ít nhất tám trường ĐH và một số trường CĐTT ra đời. Con số này chưa thấm vào đâu so với số hồ sơ, đề án đề nghị mở trường ĐH, CĐTT mà Bộ GD-ĐT đã nhận được. Trong đó, những đề án khả thi cũng đã xấp xỉ 30.

 

Hoàn toàn khác với những ý kiến lo ngại về con số 15 tỉ đồng vốn tối thiểu để thành lập một trường TT, làn sóng đề án xin thành lập trường đã chứng tỏ lực cản trong thu hút đầu tư xã hội vào giáo dục ĐH bấy lâu không phải là vốn mà do thiếu các qui định rõ ràng làm cơ sở pháp lý, đặc biệt là các qui định về tổ chức và tài chính.

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đánh giá: “Những điểm mới trong qui chế tổ chức và hoạt động của trường ĐHTT, so với các qui định áp dụng cho loại hình trường ĐHDL lâu nay, sẽ tạo ra cơ chế thuận lợi cho cả người đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước”.

 

Để thành lập trường ĐHTT, nhiều ràng buộc không cần thiết đã được cởi bỏ: không cần phải có cơ quan bảo trợ, do cá nhân hoặc nhóm cá nhân đề nghị thay vì phải do một tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp đứng ra như đối với ĐH dân lập, không bị giới hạn tuổi của các thành viên hội đồng quản trị và hiệu trưởng…

 

Trong đó, theo nhận định của ông Long: “Bước tiến quan trọng nhất của qui chế trường ĐH dân lập là đã xác định rõ hình thức sở hữu: tài sản của trường thuộc sở hữu của các nhà đầu tư, được bảo vệ theo pháp luật. Với qui định những cá nhân góp vốn trở thành chủ sở hữu, đồng thời có thể chuyển nhượng vốn, thu nhập sau khi trừ thuế và quĩ sẽ được chia cho các thành viên góp vốn theo tỉ lệ vốn góp, đã xác định rõ hình thức sở hữu, công nhận sở hữu cá nhân đối với tài sản của trường ĐH TT. Hơn nữa, qui chế còn qui định rõ tài sản góp vốn không chỉ là tiền, giá trị quyền sử dụng đất mà còn bao gồm cả giá trị quyền sở hữu trí tuệ”...

 

Lý giải về chủ trương của Bộ GD-ĐT khuyến khích thành lập các trường ĐHTT hơn là dân lập, Thứ trưởng Bành Tiến Long cho rằng: “Hệ thống giáo dục ĐH chỉ nên gồm hai loại hình trường: công lập và TT. Đây là xu hướng chung của giáo dục ĐH thế giới, giáo dục ĐH VN cũng cần phải tiến tới mô hình này”.

 

Và Bộ GD-ĐT cũng đang khẩn trương hoàn thiện đề án chuyển đổi ba trường ĐH và năm trường CĐ bán công sang mô hình TT. Đầu tiên sẽ là Trường CĐ bán công Hoa Sen (TPHCM) trở thành ĐHTT Hoa Sen ngay trong năm 2005 này. Còn đối với các trường ĐH dân lập, xu hướng cũng sẽ chuyển sang ĐHTT nhưng quá trình sẽ chậm hơn do... chưa có mô hình chuyển đổi.

 

VNN - theo Tuổi Trẻ