Thanh Hóa:
Hàng chục công trình giáo dục “đắp chiếu”
(Dân trí) - Tại Thanh Hóa có hàng chục công trình xây dựng trong đó có trường học, trạm y tế đã và đang được xây dựng nhưng còn dở dang vì thiếu vốn. Tình trạng này gây lãng phí tiền của nhà nước, trong khi nhu cầu sử dụng của GV và học sinh còn cao.
Như Xuân là một trong 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn các nguồn vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng của huyện đều dựa vào nguồn ngân sách của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đưa về.
Đây một trong những huyện được thực hiện theo Quyết định số 20/2008/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên (GV) giai đoạn 2008 - 2012. Năm 2010, huyện Như Xuân tiếp tục triển khai chương trình kiên cố hóa hệ thống trường, lớp học, nhà công vụ cho GV trong toàn huyện. Theo đó, năm 2010, huyện Như Xuân sẽ có 29 công trình xây dựng trường, lớp học với tổng 55 phòng học, tổng dự toán lên tới hơn 15,3 tỷ đồng. Cùng với đó là 17 công trình nhà công vụ cho GV của 17 trường, với tổng 61 phòng. Theo kế hoạch thì các công trình này phải hoàn thành và quyết toán các công trình này đưa vào sử dụng từ cuối năm 2011.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều công trình đang trong quá trình hoàn thiện, trong số đó không ít công trình đang nằm “đắp chiếu” chờ nguồn vốn. Cụ thể, đến cuối tháng 4/2012, trong tổng số 29 công trình xây dựng trường, lớp học thì mới có 15 công trình đã hoàn thiện và quyết toán với tổng kinh phí là 7,67 tỷ đồng, còn 14 công trình vẫn đang cầm chừng chờ vốn.
Không chỉ riêng các công trình xây dựng trường, lớp học mới dở dang mà những công trình xây nhà công vụ cho GV cũng đang chịu cảnh tương tự vì không có vốn. Trong tổng 17 công trình của 17 trường học, được khởi công xây, nhưng cho tới thời điểm này cũng chỉ mới hoàn thành được 11/17 trường, với 38/61 phòng.
Những công trình đang thi công dở dang rồi “đắp chiếu” chờ vốn, sau một thời gian nằm phơi nắng, phơi mưa, một số công trình đã bắt đầu có dấu hiệu bị xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng tới chất lượng khi đưa vào sử dụng.
Là một trong 17 công trình xây dựng nhà công vụ GV, Trường THPT Như Xuân được xây dựng với tổng kinh phí lên tới 1,06 tỷ đồng. Theo thiết kế, nhà công vụ của Trường THPT Như Xuân, sẽ được xây hai tầng với 8 phòng, sau khi hoàn thành sẽ là nơi ở của 16 GV trong trường.
Cũng vì thiếu vốn nên công trình xây dựng nhà giáo vụ này đã tiến hành thi công hơn một năm, thế nhưng đến nay cũng chỉ mới đổ được tầng 1, gần đây công trình này cũng chịu chung cảnh thiếu vốn, trong khi đó các GV trong trường đang thiếu phòng ở.
Thầy Lê Đình Quang, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường THPT Như Xuân có 74 cán bộ quản lý, GV, trong đó có 69 GV trực dạy. Phần lớp các thầy cô đều là người ở xa nên phải ở lại trường trong khi phòng ở lại thiếu nên đã có tình trạng ở ghép 2, 3 GV với nhau nên rất chật chội”.
Ghi nhận tại xã Bình Lương, 5 nhà mẫu giáo được xây dựng ở 5 thôn hiện cũng chỉ xây xong các hạng mục cơ bản như móng nhà, tường còn các công trình phụ cũng bỏ dở gần một năm nay. Cả 5 nhà mẫu giáo này trị giá hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ, thế nhưng đến nay cũng chỉ giải ngân được 270 triệu đồng.
Trong khi 5 nhà mẫu giáo đang xây dở rồi đắp chiếu thì các em học sinh của xã Bình Lương hàng ngày phải vượt hơn 5km đường đất đến trung tâm xã để học. Do cách trường xa nên cả xã chỉ có 142 trẻ tới trường. Nếu 5 nhà mẫu giáo ở 5 thôn xây xong đưa vào sử dụng, ước tính mỗi nhà sẽ là nơi học của 20 trẻ trong thôn.
Ông Quách Văn Nhơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước kia trường chưa có phòng Hiệu trưởng làm việc phải nhờ phòng ở của GV nên ồn lắm. Giờ đây 4 phòng công vụ đưa vào sử dụng GV trong trường ai cũng phấn khởi”.
Các công trình xây dựng trường, lớp học, nhà công vụ cho GV đang xây dựng do thiếu nguồn vốn nên không thể tiếp tục triển khai đã gây ra tình trạng lãng phí, không được bảo quản, che đậy cẩn thận sẽ ảnh hưởng tới chất lượng khi đưa vào sử dụng. Đặc biệt đã gây không ít khó khăn trong việc dạy và học ở các cấp học của huyện khi các trường đang thiếu phòng, thiếu lớp.
Ông Lê Nhân Trí, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Như Xuân chia sẻ: “Các công trình xây dựng trường, lớp học nhà công vụ do thiếu vốn nên đã phải dừng lại, để dở trong khi nhiều trường đang xảy ra tình trạng thiếu phòng học. Vì thiếu phòng học nên nhiều trường mầm non đã phải ghép hai, ba độ tuổi thành một lớp, ghép kiểu này gây không ít khó khăn cho GV vì phải dạy nhiều độ tuổi trong cùng một lớp, rồi chế độ dinh dưỡng của các cháu. Khó khăn hơn là việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi”.
Hoàng Văn - Duy Tuyên