Hàn Quốc: Kỳ thi “sống chết”
James Card trên tờ Asia Times (30/11/2005) đã viết về mùa tuyển sinh nặng nề và căng thẳng trong hệ thống giáo dục Hàn Quốc, thậm chí còn đặt tựa bài viết của mình là “Những kỳ thi sống chết tại Hàn Quốc”...
Hạ tuần tháng 11/2005, 600.000 sĩ tử Hàn Quốc đã trải qua cuộc thi quyết định tương lai. Đó là kỳ thi kiểm tra khả năng học vấn đại học (CSAT) để có thể trở thành tân sinh viên của một trong ba trường đại học lớn là Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei.
Trừ khi tốt nghiệp từ “trên trời” - như chữ viết tắt của ba đại học trên (SKY) và được dùng như tiếng lóng phổ biến trong giới học sinh, còn không cuộc đời một thanh niên xem như vứt đi. Kỳ thi đại học nơi đâu cũng không “nghiêm trọng” bằng CSAT Hàn Quốc. Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lịch làm việc để công nhân không làm tắc đường đối với các sĩ tử đến địa điểm thi.
Lực lượng cảnh sát quốc gia túc trực gần địa điểm thi để nhắc tài xế lưu thông không bóp kèn inh ỏi sợ làm xao nhãng độ tập trung của sĩ tử. Quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc cũng phải hoãn chương trình tập chữa cháy hoặc huấn luyện bay. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc mở cửa muộn và đóng cửa sớm. Thậm chí giới nông dân đang biểu tình đòi bảo hộ thị trường gạo cũng nhất trí “hưu chiến” với chính phủ để các học sinh yên tĩnh làm bài.
Trước kỳ thi, người ta thấy vô số bà mẹ đến chùa khấn vái. Nhiều chùa đầy kín ảnh học sinh dán ở bàn thờ như thể để cho Phật biết mặt chúng mà “nâng đỡ”. Nhà thờ Công giáo cũng tổ chức lễ cầu nguyện với sự tham dự của các gia đình có con em đi thi CSAT. Trong ngày trọng đại ấy từ sáng, những bà mẹ - nước mắt ràn rụa - ôm hôn đứa con tội nghiệp trước khi chúng bước vào cuộc “tử chiến”.
Nhiều học sinh mang theo “bùa hên” hay còn lấy kẹo dẻo “ịn” vào cổng trường. Hành động này tượng trưng cho sự kêt dính để mong sao thi đậu (cũng giống như ở Việt Nam, nhiều bà mẹ cho con ăn chè đậu trước ngày đi thi). Đêm trước ngày thi, một số học sinh bạo gan còn gỡ chữ “S” của logo Hyundai Sonatas hoặc Ssangyong trên xe tải, bởi chữ “S” tượng trưng cho Đại học Quốc gia Seoul!
Vào mùa CSAT 2004, nhiều học sinh không chịu nổi sự căng thẳng đã tự tử. Năm nay, một học sinh ở Seoul đã tự tử vào buổi sáng thi CSAT. Đến nay, chưa có con số chính xác cho biết có bao nhiêu học sinh đã tự kết liễu cuộc đời bởi quá căng thẳng vì học hành thi cử. Cục Thống kê quốc gia cho biết hơn 1.000 học sinh từ 10-19 tuổi đã tự tử từ năm 2000-2003. Báo cáo của Bộ Giáo dục cho biết có 462 học sinh (chủ yếu tiểu - trung học) đã tự tử trong năm năm qua.
James Kobes thuộc Trung tâm Giáo dục ngôn ngữ nước ngoài của SNU đã kể lại cuộc trò chuyện với một học sinh: “Cô ấy nói rằng khi làm xong bài thi tuyển sinh đại học, cô bật khóc òa bởi cảm giác buồn vui trộn lẫn ập đến cùng lúc. Cô ấy nói sau khi khóc, cô có cảm giác trống rỗng vì nhận ra rằng mình đã đốt cháy những năm tháng đẹp nhất cho kỳ thi!”. Một trong những nguyên nhân nữa khiến CSAT trở thành chuyện “một sống hai chết” là vấn đề công ăn việc làm trong tương lai.
Xã hội Hàn Quốc phổ biến việc đánh giá nhân thân qua bề ngoài. Bạn đi xe gì, căn hộ bạn ở có diện tích bao nhiêu pyeong (3,3m2) và bạn tốt nghiệp trường nào... đều là những câu hỏi ám ảnh thường trực đối với thanh niên chập chững vào đời.
Trong nhiều gia đình Hàn Quốc, người mẹ đảm nhiệm vai trò “tư vấn giáo dục” cho con cái. Họ giám sát con từng phút. Học, học nữa, học thêm nữa đi con - đó là câu nói quen thuộc của các bà mẹ. Không như học sinh nhiều nước khác, học sinh Hàn Quốc ghét mùa đông và kỳ hè, bởi đó là thời gian chúng phải đi học thêm.
Việc quá lo lắng cho sự học con cái còn dẫn đến nhiều tiêu cực. Năm 2005, khi khảo sát 5.420 trường phổ thông (trung-tiểu học) khắp Hàn Quốc, Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc cho biết có đến 27% giáo viên nhận hối lộ để nâng điểm cho học sinh.
Ngày giáo viên 15/5 hằng năm là dịp tốt nhất để “biết ơn” thầy cô. Nhiều người Hàn Quốc tin rằng hệ thống giáo dục nước mình không giúp nhiều cho học sinh. Khảo sát năm 2004 cho biết Hàn Quốc là nơi có phòng học chật nhất so với tất cả các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), với sĩ số trung bình 37,1 học sinh/lớp (so với 23,7 học sinh/lớp ở các quốc gia OECD).
Sức ép học vấn - thi cử - đỗ đạt cũng là nỗi khổ thường trực đối với các gia đình nghèo. Trung bình mỗi tháng, một gia đình trung lưu phải tốn 700-1.000 USD cho con đi học thêm. Viện Phát triển giáo dục quốc gia Hàn Quốc tính rằng tổng chi phí cho việc học thêm đã tăng đến 7.120 tỉ won (6,9 tỉ USD) vào năm 2000; 10.660 tỉ won năm 2001 và 13.650 tỉ won năm 2004 (cao nhất khối OECD).
Ngân hàng Hàn Quốc ước tính thị trường dạy tiếng Anh tại nước mình hiện trị giá 4.000 - 5.000 tỉ won, trong đó có 68,4 tỉ won được chi cho việc học TOEIC (kiểm tra tiếng Anh cho giao tiếp quốc tế) và TOEFL (kiểm tra tiếng Anh như ngôn ngữ nước ngoài).
Mùa CSAT 2004 là kỳ thi có tỉ lệ gian lận thi cử nhiều nhất vài năm gần đây. Học sinh tại Gwangju đã dùng điện thoại di động để làm bài thi, Một người giải thuê đề thi ở bên ngoài địa điểm thi rồi nhắn lời giải vào điện thoại di động cho thí sinh. Giá giải đề thuê từ 300.000-900.000 won (khoảng 4,6 - 13,8 triệu đồng VN), tùy “hạng mục” đề tài.
Cảnh sát còn phát hiện một đường dây giải đề mướn sử dụng bộ đàm để liên lạc với 83 học sinh thi CSAT. Sáu tuần trước CSAT 2004, tờ Chosun Ilbo thậm chí cho biết một số học sinh thi CSAT ở Trường Quốc tế Hàn Quốc (Seoul) đã lợi dụng múi giờ khác nhau để lấy đáp án từ một số học sinh khác thi CSAT tại Mỹ.
Mùa CSAT 2005, Bộ Giáo dục Hàn Quốc áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế những trò gian lận công nghệ cao này. Máy dò kim loại được đặt tại một số địa điểm thi; cấm mang điện thoại di động hoặc một số thiết bị điện tử khác vào phòng thi; mẫu chữ viết của học sinh được giám định và lực lượng phản ứng nhanh gồm nhiều chuyên gia về tội phạm trực tuyến cũng thường trực trên Internet. 27 học sinh bị cấm thi vì bí mật giấu điện thoại di động.
Kết quả CSAT 2005 được công bố giữa tháng 12/2005. Đậu rớt gì rồi thì chắc chắn cũng sẽ có nhiều giọt nước mắt chảy dài...
Theo M.Kim
Tuổi Trẻ