Hạn chế học sinh trái tuyến bằng cách nào?
Không ở đâu, vấn đề học sinh trái tuyến lại có nhiều ý kiến tiêu cực trong dư luận xã hội như ở Hà Nội. Làm sao để giảm học sinh trái tuyến? Phó Giám đốc Sở GD-ĐT HN, Nguyễn Hữu Độ đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này.
Thưa ông, công tác tuyển sinh đầu cấp năm nay của lãnh đạo Sở GD-ĐT HN có gì mới?
Quan điểm của lãnh đạo Sở GD-ĐT HN là giữ sự ổn định. Nếu có thay đổi thì chỉ là những yếu tố kỹ thuật. Còn về vấn đề tuyển sinh trái tuyến, tinh thần chỉ đạo vẫn là cố gắng giảm tỷ lệ dần.
Trong Hướng dẫn việc tuyển sinh vào trường mầm non, tiểu học và THCS năm học 2005 - 2006, Sở GD-ĐT HN quy định: “Sở sẽ giao chỉ tiêu giảm tỉ lệ HS trái tuyến đối với từng quận, huyện và coi việc thực hiện giảm tỉ lệ HS trái tuyến là một tiêu chuẩn trong công tác thi đua”.
Vậy làm thế nào để giảm tỷ lệ HS trái tuyến?
Vấn đề ở chỗ, cần phải định nghĩa thế nào là HS đúng tuyến! Nếu có được định nghĩa “đúng tuyến” hợp lý thì HS “trái tuyến” sẽ giảm. Một trường học trước hết cần phải đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân địa phương.
Nếu ta quy định diện đúng tuyến quá hẹp thì tỉ lệ đúng tuyến sẽ quá ít, tỉ lệ trái tuyến sẽ rất cao. Ví dụ, trường A có khả năng mở được 10 lớp học (đáp ứng nhu cầu học tập của 450 HS) nếu chúng ta phân tuyến không hợp lý chỉ đáp ứng được 100 HS “đúng tuyến” thôi thì sẽ có 350 HS “trái tuyến”.
Do đó, Sở chỉ đạo các Phòng GD&ĐT phối hợp với các phường rà soát lại số HS trong độ tuổi trên địa bàn để tham mưu, đề xuất với UBND các quận/ huyện phân tuyến hợp lý.
“Đúng tuyến”, trước hết sẽ là đối tượng HS đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện: HS có hộ khẩu gốc ở tại địa bàn khu vực được phân tuyến; HS có bố (mẹ) có hộ khẩu trong khu vực – diện KT2.
Sau khi tuyển hết số HS này thì có thể tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng khu vực mà quy định diện “đúng tuyến” rộng hơn: công nhận cả những HS diện KT3 (cư trú thực tế trên địa bàn) là đúng tuyến. Trước đây thì diện này không được đưa vào “đúng tuyến”, trong khi lẽ ra các em có quyền học ngay tại trường gần nhà.
Vì mình định nghĩa “đúng tuyến” hẹp quá nên các em trở thành “trái tuyến”. Tất nhiên, việc này khiến đầu việc cho các quận/ huyện sẽ nhiều hơn nhưng buộc phải làm. Chúng ta cần phải tạo điều kiện tốt nhất để HS được đến trường. Không thể để cho có những trường hợp HS sống ngay trước cổng trường nhưng vì một lý do nào đó mà thành HS “trái tuyến” ở ngay trường đó.
Do điều kiện đặc thù của HN, nhiều HS trở thành diện “trái tuyến” vì nhu cầu cần được học ở trường gần nơi làm việc của bố mẹ. Liệu HN có chấp nhận HS “đúng tuyến” bao gồm cả HS có bố mẹ làm việc trong khu vực có trường mà HS đó theo học?
Việc định nghĩa “đúng tuyến” chúng tôi đã phân cấp cho các quận/ huyện. Phòng GD-ĐT sẽ tham mưu cho các UBND quận/ huyện tuỳ theo tình hình thực tế của từng trường, từng địa phương.
| |
Phó GĐ Sở GD-ĐT HN Nguyễn Hữu Độ. |
Nếu trường nào sau khi đã tuyển đủ đối tượng trên rồi mà vẫn còn chỉ tiêu thì quận/ huyện có thể phân tuyến diện đúng tuyến cho họ rộng mở hơn. Chúng tôi chỉ đạo xây dựng định nghĩa “đúng tuyến” theo hướng mở.
Độ linh hoạt trong định nghĩa “đúng tuyến” rất lớn như vậy sự kiểm soát của cấp trên sẽ khó khăn không? Liệu các trường có lợi dụng điều đó để một mặt báo cáo lên trên là họ thực hiện đúng chủ trương, mặt khác họ vẫn gây khó dễ cho phụ huynh có nhu cầu cho con em nhập học?
Tôi cho là không. Số lượng HS đúng tuyến sẽ được rà soát để lên danh sách ngay từ đầu và được công khai.
Những trường hiện tại rất đông HS cũng như quá nhiều lớp thì Sở GD-ĐT HN có chỉ đạo phải giảm số lượng tuyển sinh không?
Trường đông quá, ví dụ như trường THCS Giảng Võ (khoảng 70 lớp) thì chúng tôi cũng có yêu cầu giảm – nhưng chỉ có thể giảm dần từng bước. Chúng tôi sẽ xét trên cơ sở nhu cầu thực tế của nhân dân địa phương (theo đề nghị của UBND quận), từ đó Giám đốc Sở GD-ĐT sẽ đồng ý hay không phê duyệt phương án tuyển sinh của trường.
Chúng tôi đang cố gắng phấn đấu để từng bước giảm dần để không quá 45 lớp/ trường. Số trường trên 45 lớp ở HN cũng không nhiều. Những trường lớn như THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sĩ Liên cũng chỉ ở mức 40 – 42 lớp. Chúng tôi đã khảo sát và nhận thấy số HS có xu hướng giảm. Tính chung trên địa bàn một quận/ huyện thì không thấy sức ép về số lượng HS với số lượng lớp học hiện có.
Ví dụ như quận Đống Đa tính bình quân thì cũng chỉ 40 HS/ lớp. Các quận khác cũng chỉ 35 – 36 HS/ lớp. Do đó nếu số lượng HS đông thì cũng chỉ diễn ra cục bộ ở một số trường. Nếu bây giờ sự phân tuyến hợp lý thì sẽ tạo quy mô đồng đều giữa các trường.
Một số trường THCS có tiếng khi tuyển HS trái tuyến đã căn cứ vào kết quả kỳ thi HS giỏi lớp 5 cấp thành phố. Nhưng năm nay, Sở lại hạn chế số HS giỏi được tham gia kỳ thi này vì thế sẽ có nhiều HS mất cơ hội được xét tuyển vào những trường đó. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?
Trong chỉ đạo tuyển sinh vào lớp 1 cũng như lớp 6, chúng tôi chỉ đạo tuyển sinh đúng độ tuổi, đúng tuyến. Nếu đã tuyển đủ đối tượng trên mà vẫn còn chỉ tiêu thì họ được phép tuyển trái tuyến.
Nhưng nếu số lượng đơn xin học trái tuyến quá đông thì buộc trường phải có biện pháp sàng lọc. Việc lựa chọn những HS giỏi nhất để tuyển là quyền lợi chính đáng của các trường trong trường hợp này, Sở không thể can thiệp.
Dư luận phản ánh nhiều về những tiêu cực trong tuyển sinh đầu cấp. Sở GD-ĐT HN đã có giải pháp nào để hạn chế những tiêu cực đó?
Chúng tôi đã rất cố gắng để làm điều này. Tâm lý phụ huynh là đều muốn con em mình học ở những trường tốt nhất. Vấn đề là cần nỗ lực trong việc nâng cao mức độ đồng đều điều kiện GD giữa các trường, tăng thêm số lượng trường chuẩn quốc gia, xây dựng các trường vệ tinh xung quanh những trường tốt.
HN đang xây dựng thí điểm một hệ thống chuẩn cho trường phổ thông. Khi đã có chuẩn và các trường phấn đấu để đạt chuẩn chung thì đó là một giải pháp giảm tình trạng HS trái tuyến dồn vào một vài trường.
Xin cảm ơn ông!
Quý Hiên (Tiền phong) thực hiện