Hà Nội “nới” trường công, “siết” trường tư?

(Dân trí) - Sở GD-ĐT Hà Nội vừa phê bình 20 trường THPT ngoài công lập và công lập tự chủ tài chính vì tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu được giao. Hướng giải quyết là chuyển những thí sinh vượt quá sang 68 trường THPT ngoài công lập còn thiếu chỉ tiêu.

Với cách giải quyết mà Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra đã khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bức xúc bởi quyền lợi con em họ bị ảnh hưởng, hơn hết là nhiều trường ngoài công lập đã tổ chức học tập cho học sinh nên việc nhập học vào thời điểm này ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các trường bị phê bình thừa nhận sai phạm của mình cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi cho lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội.
 
Rất ít những nụ cười xuất hiện trong buổi thi môn Toán chiều 23/6.
Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2014 - 2015 tại Hà Nội.

Bức xúc

Chia sẻ với báo Dân trí qua đường dây nóng, một phụ huynh đăng ký cho con theo học ở Trường THPT Phan Huy Chú và đứng trước việc phải rút hồ sơ để nhập học vào trường khác bức xúc chia sẻ: “Đến thời điểm này Sở GD-ĐT mới quyết định xử lý thì làm sao phụ huynh có thể chấp nhận được. Chúng tôi lựa chọn trường cho con phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố gần nhà. Bây giờ yêu cầu chuyển sang 68 trường THPT ngoài công lập khác mà phần lớn là quá xa so với nhà chúng tôi thì liệu điều đó có hợp lý”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trường THPT Phan Huy Chú đã tuyển vượt hơn 60 chỉ tiêu so với quy đinh. Mặc dù, Hiệu trưởng nhà trường đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị cho các em tiếp tục theo học ở trường để đảm bảo quyền lợi nhưng chưa được chấp thuận.

Lâm vào cảnh tương tự, Trường THPT Lương Thế Vinh cũng đã tuyển vượt quá hơn 30 chỉ tiêu và hiện tại nhiều bậc phụ huynh cũng cảm thấy bức xúc trước hướng xử lý của Sở GD-ĐT Hà Nội.

PGS.TS Văn Như Cương - Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: Để trúng tuyển vào trường thì các em phải đạt từ mức 53 điểm trở lên, điều này đồng nghĩa các em từ bỏ cơ hội được học trường công để đến với trường chúng tôi. Bây giờ, Sở GD-ĐT lại yêu cầu những em này chuyển sang 68 trường ngoài công lập đang thiếu chỉ tiêu là không hợp lý. Nếu chuyển thì phải chuyển các em vào trường công thì mới thỏa đáng.

Cũng theo PGS Cương, việc các trường ngoài công lập tuyển vượt quá chỉ tiêu được giao là điều hết sức dễ hiểu. Hàng năm, mặc dù đã nộp hồ sơ nhưng nhiều em khi trúng tuyển vào trường chuyên thì xin rút hồ sơ. Chính vì thế các trường cũng phải xác định lấy vượt quá chỉ tiêu khoảng vài phần trăm để đảm bảo bù đủ khi có tình trạng rút hồ sơ. Năm nay Trường THPT Lương Thế Vinh lấy vượt quá chỉ tiêu 6% nhưng số lượng học sinh rút hồ sơ không nhiều nên xảy ra việc tuyển vượt.

“Việc tuyển quá chỉ tiêu là sai nhưng thử đặt ra câu hỏi: Tại sao trường được học sinh lựa chọn lại siết chỉ tiêu được giao? Như trường Lương Thế Vinh năm học 2013-2014 có 604 học sinh lớp 12 ra trường nhưng chỉ được giao có 480 chỉ tiêu? Tôi khẳng định cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên là hoàn toàn đáp ứng được” - PGS.TS Văn Như Cương nói.
 
Những gương mặt đầy lo lắng khi kết thúc buổi thi môn Toán.

Trường công được “thả cửa”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khi Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường ngoài công lập chỉ được phép tuyển đủ chỉ tiêu, tuyển quá sẽ bị xử lý. Nhưng trái lại, đối với các trường công lập thì lại “ưu ái” một cách khó hiểu.

Theo quy định, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ là đơn vị phê duyệt điểm trúng tuyển vào các trường THPT công lập thuộc địa bàn dựa trên chỉ tiêu giao cho các trường. Trong khi đó, với mức điểm chuẩn mà Sở GD-ĐT phê duyệt thì không ít trường công đã tuyển vượt quá chỉ tiêu lên hàng chục học sinh. Đơn cử như trường THPT T.L chỉ tiêu được giao chỉ có 600 nhưng con số thực tế trúng tuyển là 652 chỉ tiêu.

Theo PGS.TS Văn Như Cương thì việc tuyển vượt chỉ tiêu ở trường công phải được xử lý nặng hơn so với ngoài trường công. Bởi vì, học sinh trúng tuyển vào trường công sẽ được ngân sách của nhà nước hỗ trợ.

“Sở GD-ĐT Hà Nội là đơn vị phê duyệt điểm chuẩn nhưng với mức điểm đưa ra lại tuyển vượt quá chỉ tiêu thì trách nhiệm này thuộc về ai? Hướng xử lý đối với nhưng học sinh thuộc diện tuyển vượt là như thế nào?” - PGS.TS Văn Như Cương đặt câu hỏi.

S.H