1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Hà Nội: Dự kiến 40% học sinh cấp 3 học trường tư năm 2025

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Đây là chỉ tiêu thành phố giao cho ngành giáo dục nhằm tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Theo đó, Hà Nội phấn đấu số cơ sở giáo dục tư thục đạt tỷ lệ 21% và chiếm 14-15% số học sinh toàn thành phố vào năm 2025.

Cụ thể, với bậc mầm non, số cơ sở giáo dục tư thục phấn đấu đạt tỷ lệ 30%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 30%.

Đối với giáo dục phổ thông, số trường học tư phấn đấu đạt 13%, với số học sinh tiểu học đạt 8%, học sinh trung học cơ sở đạt 7%, và học sinh trung học phổ thông đạt 40%. 

Riêng khu vực điều kiện khó khăn, tỷ lệ học sinh cấp trung học phổ thông học trường tư phấn đấu đạt 30%.

Năm học 2024-2025, Hà Nội có khoảng 600 trường tư thục. Trong đó, cấp THPT có hơn 100 trường, tuyển sinh khoảng 30.000 học sinh lớp 10.

Hà Nội: Dự kiến 40% học sinh cấp 3 học trường tư năm 2025 - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội (Ảnh: Hoàng Hồng).

Đối với giáo dục đại học, thành phố chủ trương nâng cao quy mô, chất lượng đào tạo của trường Đại học Thủ đô theo Đề án phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được UBND thành phố phê duyệt.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 50% cơ sở tư thục.

Thành phố sẽ đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước theo hướng Nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu, chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng. 

Hà Nội cũng sẽ xây dựng, ban hành chính sách về quyền lợi của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục làm việc tại các trường tư, bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ giáo viên công lập.

Các cơ sở giáo dục tư thục sẽ được tiếp cận, thụ hưởng vốn viện trợ ODA theo quy định của pháp luật liên quan.

Một trong những giải pháp đáng chú ý khác là Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, giấy phép lao động để khuyến khích các nhà trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài đóng góp công sức, trí tuệ và tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo thủ đô.

Thành phố sẽ từng bước thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong giáo dục, trước mắt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục.