Hà Nội: Đề thi học kỳ chưa đảm bảo tính sư phạm?
(Dân trí) - Một số giáo viên phản ánh, đề thi học kỳ dành cho học sinh lớp 9 mới đây của quận Cầu Giấy - Hà Nội có hướng dẫn chấm, trong đó đáp án không khác đề thi từ dấu phẩy. Giáo viên Ngữ Văn cho rằng, đề thi như trên không đảm bảo tính sư phạm.
Đáp án trùng với đề thi
Theo phản ánh của PGS Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội), năm nay tất cả học sinh lớp 9 của quận Cầu Giấy đều làm chung các đề thi học kì I do phòng GD&ĐT Quận ra.
Tuy nhiên, theo PGS, có vấn đề rất khó hiểu. Cụ thể trong đề ra:
Phần 1 (4.0 điểm) Văn bản “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em” có viết như sau :
1. Chúng tôi tham dự Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em để cùng nhau cam kết và ra lời kêu gọi khẩn thiết với toàn thể nhân loại: Hãy bảo đảm cho tất cả trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn.
2. Tất cả trẻ em trên thế giới đều trong trắng, dễ bị tổn thương và còn phụ thuộc. Đồng thời chúng hiểu biết, ham hoạt động và đầy ước vọng. Tuổi chúng phải được sống trong vui chơi, thanh bình, được chơi, được học và phát triển.Tương lai của chúng phải được hình thành trong sự hòa hợp và tương trợ. Chúng phải được trưởng thành khi được mở rộng tầm nhìn, thu nhận thêm những kinh nghiệm mới.
Câu 1. Nêu xuất xứ của văn bản trên.
Câu 2. Từ đoạn trích trên hãy cho biết vì sao trẻ em trên thế giới lại là đối tượng cần được bảo vệ, chăm sóc và quan tâm của cộng đồng quốc tế ?
Câu 3 …..
Theo hướng dẫn của Phòng GD&ĐT quận, được in ra và phát cho người chấm thi, đáp án của câu 2:
Câu 2 . Tất cả trẻ em trên thế giới đều trong trắng, dễ bị tổn thương và còn phụ thuộc. Đồng thời chúng hiểu biết, ham hoạt động và đầy ước vọng. Tuổi của chúng phải được sống trong vui chơi, thanh bình, được chơi, được học và phát triển,Tương lai của chúng phải được hình thành trong sự hòa hợp và tương trợ.Chúng phải được trưởng thành khi được mở rộng tầm nhìn, thu nhận thêm những kinh nghiệm mới.
Chưa đảm bảo tính sư phạm?
Theo GS Văn Như Cương, đáp án này trùng với đề thi. Nghĩa là học sinh chỉ cần chép lại đoạn văn đúng từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, phẩy... là “ăn điểm”.
Trao đổi với PV Dân trí, cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên GV Ngữ Văn trường chuyên Chu Văn An Hà Nội nhận xét, đề tự luận nói chung và đề văn nói riêng, luôn nhằm mục đích kiểm tra năng lực tư duy, khả năng cảm thụ, kĩ năng trình bày, diễn đạt của học trò. Vì thế các đề tự luận không đặt ra những câu hỏi mà học sinh chỉ trả lời kiểu trắc nghiệm (có/không; đúng/sai...), cũng không bao giờ cho các câu hỏi khiến học sinh chỉ cần chép lại đề là xong và đủ đáp án.
“Rất tiếc, câu đọc hiểu trong đề thi lớp 9 học kì 1 của Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy lại rơi vào trường hợp thứ hai. Và điều đó, sau bài kiểm tra, khả năng nhận thức cũng như kĩ năng của trò hầu như không thay đổi. Một kiểu đề và đáp án tuyệt đối không phát huy năng lực tư duy, năng lực nhận thức của học trò; không đảm bảo tính sư phạm”, cô Tuyết khẳng định.
Trao đổi trên VNN, bà Lê Thị Kim Ánh, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy xác nhận có sự việc trên và phòng giáo dục cũng đã phát hiện ra có những sai sót trong đề thi cũng như trong phần hướng dẫn chấm thi.
“Trong quá trình làm đề kiểm tra, chúng tôi đã có những sai sót và đã nhận ra, đồng thời có hướng giải quyết bằng việc mời các trường để đính chính, làm sao theo hướng đảm bảo quyền lợi nhất cho các em học sinh. Quan điểm sẽ là sẽ chấm đúng để không ảnh hưởng đến kết quả của các cháu”, bà Ánh nói.
Mỹ Hà