GS Vũ Đình Hòe từ trần

GS Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên đã từ trần lúc 9h20 ngày 29/1/2011, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), hưởng thọ 100 tuổi.

GS Vũ Đình Hòe là một trí thức lớn, hoạt động trong các lĩnh vực báo chí, giáo dục, pháp luật. Tốt nghiệp khoa Luật khóa 2 của Viện Đại học Đông Dương,  chàng trai Vũ Đình Hòe chọn nghề dạy học ở các trường tư thục nổi tiếng Thăng Long và Gia Long. 

Tham gia nhóm trí thức cấp tiến Thanh Nghị, ông làm chủ nhiệm tạp chí  Thanh Nghị (chuyên về văn chương, chính trị và kinh tế), xuất bản từ năm 1941 đến 1945.

Ông cùng tham gia phân bộ Đảng Xã hội Pháp của Jaurès; là một trong các thành viên sáng lập của Đảng Dân chủ Việt Nam.
 
Khi Hội Tân Việt Nam thành lập năm 1945, ông giữ chức Tổng thư ký. Ông cũng làm Phó Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ (thành lập năm 1938).
 
GS Vũ Đình Hòe từ trần  - 1
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tặng hoa GS Vũ Đình Hòe (bên phải) trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS (tháng 9/2010).

GS Vũ Đình Hòe là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, đại diện cho Đảng Dân chủ.

Ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục từ tháng 8/ 1945 đến tháng 3/1946 rồi làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm sau đó.

Bộ trưởng Giáo dục Vũ Đình Hòe là người cho mở cửa lại ĐH Đông Dương (nay là ĐHQG Hà Nội), giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Ông cũng trở thành một trong những vị giáo sư đầu tiên của nền đại học Việt Nam mới, cùng ông Võ Nguyên Giáp giảng môn Kinh tế cho các lớp xã hội - chính trị đặc biệt.

Năm 1996, ông Vũ Đình Hòe được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Chuyên gia nghiên cứu về tầng lớp trí thức Việt Nam đã dấn thân vào công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong thế kỷ XX, GS. Trịnh Văn Thảo ở ĐH Paris 7 gọi GS Vũ Đình Hòe cùng với những người như Dương Đức Hiền, Cù Huy Cận... là "những người thừa kế của lớp sĩ phu yêu nước", "những dòng họ đã kinh qua phong trào Cần vương, phong trào Duy Tân.

Từ trước năm 1945, ông đã viết nhiều bài về giáo dục bình dân và cải cách giáo dục, sau hợp biên thành 2 cuốn sách"Những phương pháp giáo dục ở các nước và vấn đề cải cách giáo dục" (1945) và "Một nền giáo dục bình dân" (1946).

Trong cuốn sách 100 năm ĐHQG Hà Nội khi giới thiệu những gương mặt "làm nên lịch sử" của ĐH này viết:
Không ít ý tưởng nhà giáo dục học Vũ Đình Hòe đề xuất từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, như: triết lý giáo dục vị nhân sinh, định hướng thực nghiệp, "lưu thông" (ngày nay nói: liên thông) giữa phổ thông trung học có chuyên ban và phổ thông chuyên nghiệp, lập hệ Cổ học Á Đông ở bậc phổ thông chuyên ban và tiếp nối lên cao đẳng (đại học) Hán Nôm như một chuyên ngành có ý nghĩa "then chốt quan trọng" trong công cuộc xây dựng văn hoá dân tộc

Năm 1996, ông  được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Với 100 tuổi đời, cho đến những ngày cuối cùng, GS Vũ Đình Hòe vẫn có những bài viết quan trọng về lĩnh vực giáo dục.

Nhà giáo Vũ Thế Khôi, con trai trưởng GS Vũ Đình Hòe cho biết, tuổi thực của GS là 100. Năm 2010, Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức lễ mừng 100 năm ngày sinh của GS. Còn theo lý lịch, GS Vũ Đình Hòe sinh năm 1913, nguyên quán xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Lễ viếng từ 8h ngày 10/2/2011 (tức ngày mùng 8 tháng Giêng năm Tân Mão) tại Nhà tang lễ thành phố, 25 Lê Quý Đôn, TPHCM. Lễ truy điệu và đưa tang hồi 11h ngày 11/2. An táng tại Nghĩa trang thành phố.

Theo VietNamNet