GS Văn Như Cương: Gõ đầu trẻ và làm toán
Bảy mươi tuổi, vẫn đứng lớp và vẫn đảm nhận công việc của một hiệu trưởng, cống hiến cả đời cho sự nghiệp giáo dục nhưng GS Văn Như Cương lại rất sợ các danh hiệu thi đua. Với ông, danh hiệu ảo chẳng để làm gì, sự tin tưởng của nhân dân mới là danh hiệu cao quý nhất.
Bố là một ông đồ, lại sinh ra ở vùng Quỳnh Lưu, Nghệ An, nơi mà sự hiếu học ngấm vào máu từng người dân, nên từ nhỏ, cậu bé Văn Như Cương đã rất chăm học. Nhớ lại ký ức của những ngày bắt đầu rèn chữ gần bảy mươi năm trước, GS kể, làng ông nghèo, chẳng đủ đất để làm nông, chỉ có một cách kiếm sống duy nhất là phải học chữ, chỉ có học thật giỏi mới mong đổi đời.
Năm 1954, học xong phổ thông, ông ra Hà Nội học ĐH Sư phạm, khoa toán. Tốt nghiệp, nhờ học giỏi, ông trở thành một trong số ít sinh viên được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, sau đó là theo học nghiên cứu sinh tại Liên Xô (cũ). Hồi ấy, ông kể lại, cứ hết giờ giảng trên lớp là lại chạy sô đến các lớp học thêm để kiếm thêm tiền cho nhu cầu đọc và viết sách, đam mê đặc biệt của mình.
Đến thời điểm này, GS Văn Như Cương đã xuất bản trên 60 đầu sách giáo khoa và nghiên cứu về toán học. Hiện ông đang hoàn thiện nốt cuốn sách giáo khoa môn toán của chương trình phổ thông cải tiến mà Bộ GD-ĐT đặt hàng.
Nói về mình, GS Văn Như Cương ngắn gọn, nghề chính là gõ đầu trẻ và làm toán. Thế còn nghề phụ? Ông cười, rất hài nước, cũng nhiều, ví như nuôi lợn chẳng hạn.
Nhắc đến Văn Như Cương, người ta thường nhắc đến giai thoại tiến sĩ và... lợn. Năm 1971, sau khi học ở Liên Xô về, mang tiếng là phó tiến sĩ nhưng lương chẳng đủ ăn, ông liền cùng vợ quây mảnh sân nhà làm chuồng nuôi lợn. Mỗi tháng, trừ các loại chi phí rau cám, chú lợn của ông cũng đem lại cho chủ 70 đồng, bằng đúng lương giảng viên của chủ.
Bạn bè đến chơi, có người cám cảnh, nhưng ông chỉ cười, nhà có hai phó tiến sĩ đấy, một tôi, một lợn. Nhưng rồi lợn cũng chỉ nuôi được 2 - 3 lứa là phó tiến sĩ hết tiền mua thức ăn, đành phải bán sớm. Lại có người đến chơi hỏi sao ông cho nó “bảo vệ” sớm thế, lần này ông cười, vẫn rất hài hước, hết đề tài (rau cám) nên tôi cho nó “bảo vệ” sớm chứ sao!
Hiệu trưởng trường dân lập đầu tiên
Ký ức của những năm tháng khó khăn đã tạo cho GS Văn Như Cương một sự nhạy bén đặc biệt với những đổi mới. Sau Đại hội Đảng VI, đổi mới đã len vào mọi ngành nghề, trừ giáo dục. GS kể, hồi đó ngành giáo dục bê bết lắm, học sinh bỏ học ngày càng nhiều, giáo viên bị nợ lương nhiều tháng, không ít người không chịu nổi đã tính đến việc nghỉ dạy. Nguyên nhân của sự xuống dốc không phanh ấy chính là khả năng điều hành quá kém của các nhà quản lý.
Và chính thời điểm ấy, GS Văn Như Cương quyết định cùng một người bạn vong niên của mình là Nguyễn Xuân Khang, giảng viên của Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội), đứng ra mở trường tư thục. Ý tưởng của hai người đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó, GS Phạm Minh Hạc, ủng hộ.
Tháng 8/1988, Bộ Giáo dục tổ chức hẳn một cuộc hội thảo để hai ông lên thuyết trình về kế hoạch thành lập trường dân lập. Và ngày 1/6/1989, sau nhiều khó khăn về quy chế, thuê mướn cơ sở vật chất, hợp đồng với các thầy cô giáo, về cả tư duy cũ của không ít lãnh đạo, bà Nguyễn Thị Tâm Đan, lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã ký quyết định đồng ý thành lập Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh.
“Đêm 1/6/1989, ông Khang chạy sang ôm chầm lấy tôi, vừa khóc vừa nói: “Thầy ơi... ký rồi!”. Nước mắt tôi trào ra vì sung sướng. Cuối cùng thì niềm mong ước bấy lâu đã thành hiện thực” - GS kể lại.
Có quyết định thành lập trường nhưng lại không có vốn, không có thầy, không có cơ sở vật chất, tóm lại là không có đủ thứ. Nhưng sự quyết tâm của hai thầy giáo đã được đền đáp bằng sự tin cậy của các phụ huynh. GS Văn Như Cương nhớ lại, năm đầu tiên, tôi đã tính nếu có trên 100 học sinh là được, dưới 100 là đóng cửa trường. Thế nhưng không ngờ có tới hơn 1.000 em đăng ký vào Trường Lương Thế Vinh, đến nỗi chúng tôi phải tổ chức một cuộc thi tuyển để nhận khoảng 800 em.
Ông đồ gàn xứ Nghệ
Tự nhận mình là đồ gàn, nguyên tắc, cứ đến mùa tuyển sinh của trường là GS Văn Như Cương lại tắt điện thoại, để khỏi phải nhận những lời nhờ vả của người quen. Thế nhưng cũng rất nhiều trường hợp “không nguyên tắc” đã được ông nhận vào trường.
Một trong số đó là em Đào Thu Hương, một học sinh khiếm thị nhưng học rất giỏi, đặc biệt là ngoại ngữ. Dù điểm thi của Đào Thu Hương thừa đỗ vào bất cứ trường nào, nhưng mẹ của em đã khóc hết nước mắt vì tất cả các trường công lập lẫn dân lập của Hà Nội đều từ chối không thể nhận một học sinh khiếm thị. Nhưng đến Trường Lương Thế Vinh thì lại khác và gặp GS Văn Như Cương thì lại khác. Không những nhận Hương, GS còn miễn toàn bộ học phí cho cô bé. Cuối cùng Hương đã được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Bảy mươi tuổi, vẫn đứng lớp và vẫn đảm nhận công việc của một hiệu trưởng, GS Văn Như Cương có cách làm việc rất đặc biệt. Cống hiến cả đời cho sự nghiệp giáo dục, nhưng ông lại không nhận một danh hiệu thi đua nào. Nhiều năm nay, trường Lương Thế Vinh thực hiện... “ba không”: không họp hành, không bầu bán, không khen thưởng. Quan điểm của ông, phải học thật, dạy thật mới có thể học tốt, dạy tốt chứ không vì những thành tích báo cáo. Ông bảo, danh hiệu ảo chẳng để làm gì, sự tin tưởng của nhân dân mới là danh hiệu cao quý nhất.
Năm học 2007-2008, ngành giáo dục phát động cuộc vận động “Nói không, với vi phạm đạo đức nhà giáo”. Mỗi nhà giáo là một tấm gương về tự học... Hỏi ông, GS nghĩ sao về đạo đức nhà giáo ngày nay? Ông cười buồn, Bộ GD-ĐT phát động cuộc vận động như thế, tức là đạo đức nhà giáo có vấn đề rồi. Mỗi năm có khoảng chục trường hợp ăn chặn tiền cơm của học sinh, “đổi tình lấy điểm”, đánh đập học sinh... Những điều này làm xã hội không thể chấp nhận được.
“Tất cả mọi người đều nghĩ, giáo dục con người là quan trọng bậc nhất, muốn dạy người, thầy cô giáo phải là một tấm gương. Nhưng phải nói thật, đặt vấn đề đạo đức nhà giáo, mình thấy hơi tủi, vì đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Vẫn còn hàng chục ngàn giáo viên tình nguyện lên miền núi dạy chữ cho học sinh dân tộc không một lời kêu ca, vẫn còn rất nhiều người cống hiến cả đời cho giáo dục”, ông nói.
Theo Yến Anh
Người Lao Động