GS Nguyễn Văn Trương - Người anh hùng ở tuổi đại lão (kỳ 2)
(Dân trí) - Vào tuổi bát tuần, GS Nguyễn Văn Trương vẫn “lặn lội” đến với nhiều làng quê nghèo hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác để họ tự vươn lên thoát nghèo. Ông còn định vào Tây Nguyên, miền Nam nhưng, tiếc thay, chẳng kịp!
Cú điện thoại của GS Nguyễn Văn Trương đề nghị tôi sắp xếp thời gian để đến ngày 13/7/2006, cùng ông lên Na Rì, Bắc Cạn, dự lễ Tổng kết ở Kim Lư, khiến tôi nhớ lại chuyến đi ba năm trước đến xã người Tày khuất nẻo ấy, dự lễ Khai mạc lớp tập huấn dành cho 40 hộ dân tham gia Dự án thâm canh nương rẫy trên triền đất dốc, xây dựng làng kinh tế sinh thái (gọi tắt là làng sinh thái).
Rời Hà Nội từ sáng sớm, xe chạy 165 km thì đến thị xã Bắc Cạn. Dừng xe, cả đoàn ghé ăn trưa tại một quán cơm bụi. Về các tỉnh, huyện, GS Trương luôn cố tránh cho địa phương cái cảnh "cơm bưng nước rót" đón mời "khách quý". Ăn xong, vòng xe trở lại, rẽ sang đường vào huyện Na Rì. Nơi đây từng là cơ sở họat động của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên thời tiền khởi nghĩa. Ông quê ở Nghệ An, là một người cùng về Pác Bó với Bác Hồ năm 1941, với các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh... Một tài năng quân sự đầy triển vọng, nhưng ông không may bị địch sát hại, không sống đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.
Đường hẹp, mấp mô, cua ngoặt nhiều, sát mép vực dựng đứng. Hai bên là núi xanh trùng điệp. Đây đó hiện lên những mảng nham nhở như miếng vá vụng, khác màu, trên tấm áo chàm mênh mông. GS Trương nói với tôi, một học trò cũ của ông:
- Hàm Châu thấy không? Kia là những nương rẫy cũ, giờ bỏ hoá đấy! Người Tày quen khai thác đất rừng ở những nơi có nhiều cây bụi. Dưới tán rừng, hay nơi có cây bụi che phủ, đất khá màu mỡ, nhất là sau khi cây bị đốt cháy thành tro. Lớp mùn cùng với lớp rễ cây gỗ và cây thảo giữ cho nước mưa thấm sâu vào đất. Loại nương rẫy này, vài năm đầu, sản lượng khá. Nhưng rồi, độ màu giảm nhanh, một phần do cây trồng hút kiệt, phần khác do bị nước cuốn trôi. Thế là người dân lại đi đốt rừng nơi khác! Nương rẫy cũ bỏ hoá...
Ô-tô bắt đầu vượt đèo Áng Toòng, một ngọn đèo cao, quanh co hàng chục ki-lô-mét.
Nhìn những đám khói đốt nương bay lên mờ mịt, GS Trương sốt ruột:
- Nếu chúng ta không hướng dẫn người dân biết cách canh tác bền vững trên triền đất dốc, thì họ vẫn cứ tiếp tục đốt nương! "Đao canh, hoả chủng" (dùng dao để phát hoang canh tác, dùng lửa để đốt rừng trỉa hạt giống) là tập quán nghìn năm, không dễ gì xoá bỏ! Chỉ sau vài ba vụ, tầng đất mặt bị xói mòn, để lộ tầng sỏi sạn, đá ong, đá đầu sư, thì chịu chết, chẳng còn cây gì mọc được!
Canh tác sao cho bền vững trên triền đất dốc?
Na Rì núi cao, lũng sâu, hẹp, hai bên bờ suối nối tiếp những thửa ruộng dài, cho nên mới có cái tên Thái là Nà Slì có nghĩa Ruộng Dài, đọc chệch ra tiếng Kinh thành Na Rì. Những thửa ruộng nước hẹp như vậy làm sao cung cấp đủ thóc, ngô cho dân? Vậy nên khó tránh khỏi đốt nương làm rẫy, cho dù cấp trên có rát cổ kêu gào định canh, định cư! Muốn xoá bỏ tận gốc tình trạng ấy, phải bày cho dân cách canh tác trên triền đất dốc.
Cùng lên Na Rì lần này, còn có PGS Hà Chu Chử, PGS Nguyễn Cảnh Khâm. Hai ông đều là tiến sĩ, từng làm viện trưởng, vụ trưởng ở ngành này, bộ kia, nay về hưu rồi, nhưng còn khỏe, còn ham việc. Khi qua Bắc Cạn, đoàn đón thêm hai cô Tú Oanh và Lan Anh, hai cử nhân sinh học "chân son, mình rỗi", sôi nổi, duyên dáng, được GS Trương biệt phái lên "nằm vùng" ở gần hồ Ba Bể, hướng dẫn bà con xây dựng 15 thửa vườn sinh thái và tham gia một dự án khác của Hiệp hội Thế giới Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) về "tài nguyên rừng ngoài gỗ" (như: tre, trúc, song, mây, cây dược liệu...).
Xe tới thị trấn Yên Lạc, huyện lỵ Na Rì, lúc 3 giờ chiều. Anh Trương Quốc Long, cử nhân sinh học, cán bộ Viện "cắm" tại huyện này từ hai năm trước, đưa cả đoàn đến một nhà nghỉ tư, tiền phòng, tiền ăn đều do Viện trả.
- Mình chưa làm gì nên chuyện cho bà con, thế mà lại cứ "bắt" huyện, xã phải "rước" mình vào nhà khách uỷ ban, "cơm gà cá gỏi", thì ngượng chết đi được!" - GS Trương nói.
Buổi chiều, các em học sinh Tày, Nùng, Dao tan trường, giương ô vàng, xanh, tím, rảo bước trên cây cầu treo bắc ngang qua sông Bắc Giang, sang Háng Cấu. Ngôi trường tiểu học của các em mới xây xong hai năm trước, ở xóm Pò Khín. Thỉnh thoảng một chiếc xe máy lăn bánh, khiến cây cầu đung đưa... Xã Kim Lư nay đã có các loại trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Trẻ em trong độ tuổi tới trường hầu như không còn em nào mù chữ nữa. Phải khách quan nhìn nhận, nền giáo dục cách mạng đã có không ít thành công.
Ở phố chợ Yên Lạc có bán một "mặt hàng hiếm. Đó là những đồng bạc trắng hoa xoè, đúc từ thời thuộc Pháp; các cô gái Thái thích mua để làm khuy bạc bướm; còn các cô gái Kinh như Tú Oanh, Lan Anh thì mua để dành đánh gió ("nằm vùng" miền ngược, dễ bị cảm lạnh lắm).
Na Rì đã có điện lưới quốc gia. Nhà nghỉ tư cũng có bình tắm nóng lạnh, và cả ti-vi màu. Bấy giờ là vào tháng 3/2003. Xem chương trình thời sự, thầy Trương phẫn nộ khi thấy, cho dù bị Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức phản đối thẳng thừng, Tống thống Mỹ George Bush (con) vẫn khăng khăng đe doạ đánh phủ đầu Baghdad, vì Iraq "cất giấu vũ khí huỷ diệt hàng loạt"! Ai đó từng nghĩ GS Trương là người "chuyên môn thuần tuý"! Nhưng chúng tôi, những người gần ông, thì lại thấy ông luôn lo lắng trước thời cuộc, với tất cả tấm lòng yêu nước, yêu chuộng lẽ công bằng.
Không được phép qua quýt, "đánh trống bỏ dùi"
Sáng hôm sau, 10/3/2003, tôi là nhà báo duy nhất dự buổi Khai mạc lớp tập huấn cho 40 hộ nông dân tham gia Dự án thâm canh nương rẫy trên triền đất dốc. Học viên đến học để về làm trên nương rẫy của mình, kiếm lợi cho mình. Dự án trao tặng mỗi hộ 3 triệu đồng làm vốn (số tiền ấy không phải là nhỏ đối với người dân miền núi). Kiến thức canh tác được các giáo sư, phó giáo sư của Viện đến tận nơi truyền dạy. Viện còn "cắm" anh Long bám trụ, hằng ngày chỉ vẽ tỉ mỉ cho từng hộ cách chống xói mòn, giữ đất màu mỡ, khống chế dòng chảy, trồng các loại cây mọc nhanh để cải tạo đất, dần dần xây dựng các vật chắn theo đường đồng mức (đường nối liền các điểm có cùng độ cao trên mặt đồi). Rồi đào rãnh thoát nước, đắp đập chắn, đặt các "bẫy đất" (hố sâu cắt ngang, làm chậm dòng chảy từ trên đồi xuống, giữ lại đất cặn). Bà con ở Kim Lư cho biết, anh Long ngày nào cũng leo ba, bốn quả đồi, chỉ vẽ tại chỗ cho từng hộ đào hố, đào mương, trồng đai dứa, đai chè, trồng cây cốt khí, trồng vải, trỉa ngô, trồng quýt Quang Thuận, xoài cuống tím... Mấy cô "sơn nữ" Tày cảm thấy "xót xa" cho anh cử nhân miền xuôi chưa vợ ngày nào mới đến Kim Lư da trắng thế, mà nay đen nhẻm đen thui!...
Thấy cậu Long nhà ta cuốc bộ vất vả quá, GS Trương hứa sẽ điều gấp cho cậu một chiếc Minsk, loại xe máy Nga chẳng "đẹp mã" gì, nhưng được cái "chịu chơi" với đường núi lắm.
Khai mạc lớp tập huấn, GS Trương nhắc lại mấy câu thơ Bác Hồ làm năm 1947 ở An toàn khu Việt Bắc: Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa...
Rừng Việt Bắc dạo ấy còn nhiều "cổ thụ". Chứ hiện nay, chẳng còn gì! Ba nghìn héc-ta rừng già ở xã Kim Lư đã bị chặt phá, thiêu đốt để làm rẫy cả! Bà con phần lớn đã định cư, nhưng vẫn du canh. Muốn định canh, thì phải biết cách canh tác trên triền đất dốc.
Ông Hoàng Danh Thắng, Huyện uỷ viên Na Rì, Bí thư Đảng uỷ xã Kim Lư, nói trong buổi lễ:
- Từ trước tới nay, chưa từng có một anh, một chị cán bộ kỹ thuật trung cấp nào chịu ghé qua xã chúng tôi... ba hôm! Thế mà nay, ba vị giáo sư, phó giáo sư đến đây giảng bài! Nếu không chịu học, thì hoá ra chúng tôi là những kẻ... vô ơn! Cho nên, ngoài 40 hộ tham gia dự án, tất cả các cán bộ xã, thôn chẳng ai dám vắng...
Tránh "đánh trống, bỏ dùi", Viện mời hai vị lãnh đạo địa phương làm cán bộ nửa chuyên trách, hưởng một phần lương của Viện, trong ba năm liền, để "ràng buộc" các vị cùng anh Long đôn đốc việc thực thi dự án.
Chính vì thế, hơn ba năm sau, tháng 7/2006, theo GS Trương trở lại Kim Lư, dự lễ Tống kết, tôi mới thấy hầu hết các chỉ tiêu do dự án đề ra đều đạt được.
Hàm Châu