Nghệ An:
Góp tiền “cứu đói” học sinh nghèo bỏ học
“Nóng ruột” với tình trạng học sinh ở vùng rẻo cao miền núi, vùng sâu, vùng xa bỏ học ồ ạt do nghèo, đói… nhiều giáo viên ở phòng Giáo dục huyện Quỳ Châu (Nghệ An) nảy sinh sáng kiến quyên góp tiền giúp học sinh nghèo.
Nhờ có những bữa cơm “từ thiện” như thế này nên số lượng học sinh (HS) bỏ học ở đây giảm hẳn…
“Thưa cô, em đói!”
Bản Thung Khạng (xã Châu Bình 2) mùa ngược nắng. Những cung đường xa tít tắp. Dưới thung lũng đỉnh núi Pù Khạng, các lớp học ở điểm lẻ nơi đây rôm rả tiếng học bài. Trên dãy bàn lớp 1C, khuôn mặt HS hốc hác, quần áo nhếch nhác, mồ hôi ướt dầm, ngước nhìn khách. Trong lớp học số lượng HS chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hoa đôi mắt buồn xo cho biết như thế này là còn may mắn lắm. Cô Hoa nhớ lại cảnh HS đến trường, mắt đẫm lệ: “Những ngày đầu mới lên cuộc sống vô cùng khó khăn, phức tạp. Trường lớp ở đây đều tranh tre nứa lá, nền đất nham nhở. Vách tường đất hở toang hoác. HS đến trường bữa no, bữa đói. Có hôm, trong giờ học, HS đói quá, lả đi, giáo viên hốt hoảng đôn đáo gọi bác sĩ nhưng em này mắt nhắm, khuôn mặt lịm dần, giọng thều thào: Thưa cô, em đói!”. Nhiều giáo viên từng có thâm niên công tác ở đây như cô Lê, cô Oanh, cô Chiến… bảo rằng, những trường hợp như vậy ở điểm lẻ này nhiều như chuyện thường ngày ở huyện.
Theo chân của trường đến vào tận bản, cảnh tượng nơi đây hoang vắng lạ thường, san sát là những mái nhà tạm bợ. Thấp thoáng phía đỉnh đồi Pù Khạng là những căn nhà của đồng bào Thái, Thanh nằm tựa vào vách núi. Dân bản Thung Khạng đa phần là đồng bào các dân tộc, cuộc sống khó khăn, cái đói luôn rình rập nên các em ở đây được đến trường là một kỳ tích đối với các bậc phụ huynh. Chính vì vậy, việc vận động con cái đến trường của phòng Giáo dục, các giáo viên “cắm” bản là rất khó khăn. Ở bản Thung Khạng, nhiều HS từng bỏ học hồn nhiên: “Ta học rồi cũng đâu có no được cái bụng. Không có chữ cũng chẳng sao, không có cái ăn mới chết?”. Cô giáo Cao Thị Dung - Hiệu trưởng trường THCS Châu Bình 2 nhẩm tính tại xã đã có 4 điểm lẻ: Độ 2, Độ 3, Bình Quang và Thung Khạng. Trường có trên 30 giáo viên thì có gần 20 giáo viên “cắm” ở các bản sâu như Phà Hốc, bản Tạt… Sống ở đây mới thấy được nỗi khổ của giáo viên vùng cao.
Mỗi giáo viên trích 15.000 đồng mua gạo cho HS
Năm học 2006-2007, bước sang năm học 2008-2009, huyện Quỳ Châu cũng rơi vào tình trạng chung là tình trạng HS bỏ học hàng loạt. Nhiều thầy cô lại phải vượt núi đến từng nhà để tuyên truyền vận động các em đến trường học chữ. Một số HS quay trở lại lớp chỉ được dăm bữa nửa tháng lại tiếp tục bỏ, thậm chí có trường hợp giáo viên đến nhà vận động thì HS kiên quyết: “Ta đã bảo không đi rồi mà, học chữ có làm được cái gì đâu?!”. Giáo viên lại cặn kẽ giải thích, thậm chí dở chiêu “doạ nạt” bằng biện pháp mời cán bộ xã đến vận động và lập biên bản. Nhiều phụ huynh thấy sợ, thúc ép con đến trường.
Cô giáo Võ Thị Lộc - Trưởng phòng Giáo dục huyện Quỳ Châu cho biết: “Thấy các em đi học, mùa rét thì co ro trong tấm áo rách, đến trường bụng đói nên khi phòng đưa ra chủ trương vận động giáo viên mỗi tháng trích 15.000 đồng tiền lương mua gạo giúp các em cải thiện bữa ăn trưa, ai cũng đồng thuận”. Phong trào được phát động hầu hết tại tất cả các trường học, các điểm lẻ trên địa bàn huyện. Tại điểm lẻ Thung Khạng, ngoài nhiệm vụ mỗi giờ lên lớp, các giáo viên tại tất cả các điểm lẻ còn được quán triệt thêm nhiệm vụ mỗi buổi sáng đến trường giáo viên chủ nhiệm đều phải mang thêm cơm đế “cứu đói” giúp HS.
Buổi trưa, tới giờ nấu ăn chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều HS của điểm lẻ tụ họp quanh bếp củi tự tạo hì hục nấu cơm. Bữa cơm thật đạm bạc chỉ có món rau rừng do các em tự hái, một ít thức ăn khô do các cô mua. Em Lương Thị Ngọc, HS lớp 5E sau thời gian bỏ học vì đói, giờ quay trở lại trường phấn khởi: “May có các cô giúp đỡ nên em không còn sợ đói nữa”. Điều dễ nhận thấy mà các giáo viên này khẳng định là từ đợt sau tết, nhờ có những bữa cơm “từ thiện” như thế này nên số lượng HS bỏ học ở đây giảm hẳn, nhiều em đến trường không còn cảnh nơm nớp lo sợ cái đói rình rập. Con em giờ đã được đến trường học cái chữ, nhưng vẫn còn chông chênh lắm…