Góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học ở ĐBSCL
(Dân trí) - Do đời sống kinh tế, trình độ dân trí thấp và tập quán đời sống dựa vào thiên nhiên ưu đãi, nên tình trạng học sinh bỏ học đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ...
Chỉ tính riêng huyện An Phú (tỉnh An Giang), Hồng Ngự, Tam Nông (Đồng Tháp)... có tới 600 - 700 học sinh bỏ học giữa chừng.
Để ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, vận động các em quay trở lại lớp, tiếp tục theo học, các cấp các ngành, đoàn thể quần chúng xã hội đã tiến hành nhiều biện pháp như: tuyên truyền, vận động, trợ giúp các em có hoàn cảnh khó khăn về tinh thần cũng như vật chất.
Huyện An Phú (An Giang) đã có sáng kiến thành lập “Quỹ bảo trợ học sinh nghèo bỏ học quay trở lại trường”, đã vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghịêp được hơn 400 triệu đồng, giúp đỡ được 85 em trở lại tiếp tục đi học với mức trợ giúp mỗi em là 200.000 đồng/tháng.
Chương trình Spell đang được triển khai thực hiện tại An Giang: 17 trường học với 281 học sinh, tỉnh Đồng Tháp 10 trường học với 197 học sinh được hưởng lợi. Số học sinh này đều là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn có nguy cơ bỏ học bất cứ lúc nào để ở nhà phụ giúp việc cho gia đình hoặc làm ăn kiếm sống. Chương trình thực hiện 1 năm thăm toàn bộ số gia đình học sinh trên 3 lần vào các thời điểm “nóng”: đầu năm học mới, sau tết nguyên đán và dịp nghỉ hè.
Không chỉ dừng lại ở việc thăm nom một cách đơn thuần, các cán bộ của chương trình còn đi sâu tìm hiểu gia cảnh, tâm tư, nguyện vọng, đưa ra lời khuyên giải phù hợp, sát thực để các em tiếp tục đến trường.
Chương trình phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh được tổ chức theo các nhóm theo từng đối tượng như học sinh yếu kém để giúp các em vươn lên trung bình, học sinh trung bình vươn lên khá, học sinh khá vươn lên giỏi... vừa thiết thực bổ sung, củng cố kiến thức cho các em vừa tạo nhu cầu học tập một cách đích thực cho học sinh. Nhờ vậy, chương trình Spell không chỉ giúp các em học sinh ở đồng bằng sông Cửu Long ngưng bỏ học, đã bỏ học quay trở lại trường, mà còn yên tâm học tốt hơn.
Đình Hà