Gợi ý giải môn Lịch Sử, khối C kỳ thi ĐH 2010

(Dân trí) - Đề Sử, khối C chiều nay được nhận xét là không khó, nhưng dài, khiến không ít thí sinh chật vật. Bài giải gợi ý dưới đây do GV Đặng Thị Ngọc Phúc - Trung tâm LT ĐH Vĩnh Viễn thực hiện.

 
 
 
ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2010

Môn: LỊCH SỬ; Khối: C

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề.

 

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm)

Câu I (3,0 điểm)

Trình bày nội dung cơ bản chiến lược tòan cầu của Mĩ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1973 và việc triển khai chiến lược đó ở Tây Âu trong những năm 1947 – 1949.

Câu II (2,0 điểm)

Nêu và nhận xét về nhiệm vụ và lực lượng Cách mạng được xác định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu III (2,0 điểm)

Bằng những sự kiện lịch sử có chọn lọc từ năm 1941 đến năm 1945, hãy làm sáng tỏ vai trò của Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

PHẦN RIÊNG (3,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu VI.a hoặc VI.b)

Câu IV.a. Theo Chương trình Chuẩn (3,0 điểm)

Chiến dịch chủ động tiến công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) là chiến dịch nào? Tóm tắt hòan cảnh lịch sử, chủ trương của ta và ý nghĩa của chiến dịch đó.

Câu IV.b. Theo Chương trình Nâng cao (3,0 điểm)

Cuộc tiến công chiến lược nào của quân và dân ta ở miền Nam đã buộc Mĩ phải tuyên bố “Mĩ hóa” trở lại chiến tranh xâm lược Việt Nam? Tóm tắt hòan cảnh lịch sử, diễn biến và kết quả của cuộc tiến công đó.

 

BÀI GIẢI GỢI Ý

PHẦN CHUNG:

Câu I:

  • Nội dung cơ bản chiến lược toàn cầu của Mĩ 1945 – 1973:

- Từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai, với tiềm lực về kinh tế và quân sự to lớn, Mĩ đã triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng bá chủ thế giới. Nội dung cơ bản:

+ Ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

+ Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, phong trào chống chiến tranh, vì hòa bình, dân chủ trên thế giới.

+ Khống chế, chi phối các nước tư bản đồng minh của Mĩ.

  • Việc triển khai chiến lược tòan cầu ở Tây Âu 1947 – 1949:

- 12/3/1947, tổng thống Mĩ Truman đọc thông điệp trước quốc hội Mĩ, khẳng định: sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ lớn đối với nước Mĩ và đề nghị viện trợ khẩn cấp 400 triệu USD cho hai nước Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kì.

- Đầu tháng 6/1947, Mĩ đề ra “kế hoạch Mácsan” với khoản viện trợ 17 tỉ USD để giúp các nước Tây Âu phục hồi nền kinh tế bị tàn phá sau chiến tranh. Và thông qua kế hoạch này, Mĩ còn nhằm tập hợp các nước Tây Âu vào liên minh quân sự chống Liên Xô và các nước Đông Âu.

- Ngày 4/4/1949, Mĩ thành lập khối quân sự - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là liên minh quân sự lớn nhất cùa các nước tư bản phương Tây do Mĩ cầm đầu nhằm chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Câu II:

  • Nhiệm vụ cách mạng được xác định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam: đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến và phản cách mạng, làm cho Việt Nam được độc lập tự do; lập chính phủ công nông binh; tổ chức quân đội công nông, tịch thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc; tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn phản cách mạng chia cho dân cày nghèo, tiến hành cải cách ruộng đất…

- Nhận xét: Đây là nhiệm vụ đúng đắn và sáng tạo, sớm kết hợp vấn đề dân tộc và giai cấp. Độc lập và tự do là tư tưởng chủ yếu.

  • Lực lượng cách mạng được xác định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam: công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức. Đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản thì lợi dụng hoặc trung lập, đồng thời phải liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới.

- Nhận xét: Thể hiện được vấn đề đòan kết dân tộc rộng rãi để đánh đuổi kẻ thù, rất phù hợp với hòan cảnh một nước thuộc địa như Việt Nam. Nhuần nhuyễn về quan điểm giai cấp, thấm đượm tính dân tộc và nhân văn.

Câu III:

  • Sau 30 năm bôn ba ở hải ngoại, đến ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Sau đó, Người tổ chức và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Pắc Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 để hòan thành chủ trương chuyền hướng chỉ đạo chiến lược đã được đề ra trong Hội nghị Trung ương tháng 11/1959, đó là:

- Giương cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc.

- Giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương. Như vậy, tại mỗi nước Đông Dương phải thành lập mặt trận thống nhất của nước mình để lãnh đạo cách mạng. Do đó, tại Việt Nam thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh.

- Đề ra chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa khi thời cơ thuận lợi; đặt nhiệm vụ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là trung tâm.

  • Hoạt động chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền:

- Sáng lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941), một hình thức mặt trận có quy mô và tổ chức rộng khắp cả nước do Người đứng đầu, là một trung tâm đoàn kết đấu tranh chống Pháp – Nhật để giành độc lập.

- Ra chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944), là đội quân chính qui cách mạng đầu tiên.

- Tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng, ban đầu là căn cứ Cao Bằng, đến tháng 6/1945 thành lập Khu Giải phóng Việt Bắc. Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng được thành lập. Khu giải phóng Việt Bắc là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới.

- Năm 1942 và 1945 Người đi Trung Quốc liên hệ để tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng đồng minh chống phát xít.

- Sáng suốt dự đóan thời cơ cách mạng và khi thời cơ đến, Người cùng với Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ban bố “Quân lệnh số 1”, chính thức phát động tổng khởi nghĩa trong cả nứơc.

- Từ ngày 14 đến ngày 15/8/1945, Người cùng với Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị tòan quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang), Hội nghị thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa và quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội, đối ngoại sau khi giành được chính quyền.

- Từ ngày 16 đến ngày 17/8/1945, Người cùng với Tổng bộ Việt Minh triệu tập Đại hội Quốc dân cũng ở Tân Trào. Đại hội  tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Người làm chủ tịch.

- Ngày 28/8/1945 theo đề nghị của Người, Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người đứng đầu. Người soạn thảo và công bố Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945).

PHẦN RIÊNG:

Câu IV.a.

  • Chiến dịch chủ động tiến công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) là chiến dịch Biên giới.
  • Hòan cảnh lịch sử: bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến của ta có thêm nhiều thuận lợi:

- Ngày 1/10/1949, cách mạng Trung Quốc thành công, nứớc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời.

- Ngày 18/1/1950, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 30/1/1950 chính phủ Liên Xô và trong vòng một tháng sau, các nước trong phe xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Công hòa. Đây là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam.

- Cuộc kháng chiến của nhân dân ta được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới.

  • Chủ trương của ta: tháng 6/1950, Đảng và Chính phủ quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; khai thông đường sang Trung Quốc và thế giới; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, đồng thời tạo những thuận lợi mới thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên.
  • Ý nghĩa: với chiến thắng biên giới, con đường liên lạc của ta với các nước XHCN được khai thông. Quân đội ta đã trưởng thành, giành được thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính (Bắc Bộ), mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến.

Câu IV.b.

  • Cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta ở miền Nam đã buộc Mĩ phải tuyên bố “Mĩ hóa” trở lại chiến tranh xâm lược Việt Nam là cuộc tiến công chiến lược năm 1972.
  • Hòan cảnh lịch sử, diễn biến và kết quả:

- Bước vào năm 1972, quân ta mở cuộc tiến công chiến lược từ ngày 30/3, lấy Quảng Trị làm hướng tiến công chủ yếu bên cạnh các hướng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, rồi phát triển rộng ra khắp chiến trường miền Nam.

- Quân ta tiến công địch với cường độ mạnh, quy mô lớn, trên hầu khắp các địa bàn chiến lược quan trọng. Chỉ trong thời gian ngắn (cuối tháng 3 đến cuối tháng 6/1972), quân ta chọc thủng ba phòng tuyến mạnh nhất của địch là: Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20 vạn tên địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn và đông dân.

- Sau đòn mở đầu bất ngờ của quân ta, quân đội Sài Gòn có sự yểm trợ của Mĩ đã phản công lại, gây cho ta nhiều tổn thất; còn Mĩ gây trở lại chiến tranh phá hoại miền Bắc từ ngày 6/4/1972.

- Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã giáng đòn nặng nề vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mĩ phải tuyên bố “Mĩ  hóa” trở lại chiến tranh xâm lược (tức là thừa nhận thất bại của “Việt Nam hoá chiến tranh”).

 

Đặng Thị Ngọc Phúc
(Trung tâm LT ĐH Vĩnh Viễn)