Giúp sinh viên đọc sách hiệu quả
Có phương pháp đọc sách tốt, sinh viên (SV) vừa tiết kiệm thời gian lại vừa đạt kết quả cao trong học tập, nghiên cứu.
Đọc để hiểu chứ không phải thuộc lòng
Theo thạc sĩ Hiếu, ở mỗi môn học sẽ có những loại sách và giáo trình riêng. Tùy theo quan điểm của từng giảng viên sẽ yêu cầu SV sử dụng sách tương ứng. Tốt nhất là SV nên trực tiếp trao đổi với giáo viên bộ môn và nhờ họ tư vấn, hướng dẫn phương pháp đọc những tài liệu đó để đạt hiệu quả cao.
Bà Trần Thị Ái Liên, thạc sĩ chính sách công chuyên về giáo dục và y tế cộng đồng Trường ĐH California (Mỹ) khuyên SV nên đọc trước mục lục, lời giới thiệu để định hình được nội dung tổng thể sách bàn về vấn đề gì, sau đó hãy đọc chi tiết. Hãy dừng ở từng đoạn, từng chương quan trọng và đọc kỹ. Quan trọng là, SV phải nắm và hiểu được lập luận, quan điểm và cách giải quyết vấn đề của tác giả. Đọc sách nghĩa là phải hiểu chứ không phải nhớ từng lời, từng chữ trong sách mà chép lại.
Những phần phải đọc
Nhóm KNGT - SV Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, đưa ra một số phương pháp đọc sách hiệu quả như sau: Xác định mục đích đọc sách bằng cách trả lời câu hỏi: “Đọc để làm gì?”, từ đó trả lời câu hỏi “Đọc sách gì, chỗ nào và đọc như thế nào?”. Điều này sẽ giúp SV tránh việc đọc tràn lan, tốn công sức và thời gian. Mục đích đọc còn giúp SV có cách đọc hợp lý và quyết định phương hướng khai thác vấn đề trong cùng một cuốn sách. Tìm hiểu địa chỉ cuốn sách bằng cách đọc trang đầu và trang cuối để biết tên cuốn sách, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản và lần xuất bản. Thông tin trên sẽ giúp SV trong việc trích dẫn, giới thiệu sách, tìm kiếm sách trong thư viện hoặc đi mua sách. Xem mục lục vì phần này phản ánh dàn ý chung và tính logic của nội dung. Đọc mục giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu để biết cuốn sách đề cập vấn đề gì, đối tượng nào sử dụng cuốn sách có ích hơn cả.
Xem phần kết luận và tóm tắt ở cuối sách để thấy được kết luận chính và khẳng định của tác giả đối với những vấn đề đã trình bày. Trực tiếp tìm hiểu nội dung bằng cách đọc qua một vài đoạn sẽ phát hiện những thông tin lý thú, giá trị. Ghi chú lại bằng giấy những điều quan trọng. Cuối cùng, sau khi đọc xong, SV nên sắp xếp lại những gì đã thu hoạch được, lượng hóa một số thông tin, nếu có thể thì vẽ sơ đồ tư duy để hệ thống hóa tri thức của cuốn sách.
Trong khi đó, nhóm D4B, SV Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 đề nghị phương pháp SQRW gồm các bước: S - Survey (Tìm hiểu tổng quát) đọc đoạn đầu đề, đoạn giới thiệu các tiêu đề của các tiểu mục, phần tóm tắt hay tiểu kết chương. SV đừng quên nghiên cứu các hình vẽ minh họa, bảng biểu, biểu đồ và đọc những chú thích đi kèm. Q - Question (Đặt câu hỏi) giúp bạn đọc có mục đích và tập tung hơn vào việc đọc có trọng tâm. R - Read (Đọc) sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi vừa đặt. W - Write (Viết) viết ra câu hỏi có cùng câu trả lời vào vở. Hãy đọc lại những câu trả lời đã viết để biết chắc chắn rằng các câu trả lời đều dễ đọc và chứa tất cả các thông tin quan trọng cần thiết. Khi thực hiện đầy đủ các bước này, SV sẽ thấy mình không chỉ học được nhiều hơn mà còn biết cách ghi chép tốt hơn để sử dụng khi thảo luận trên lớp cũng như ôn thi.
Học cách tra cứu thư viện Thạc sĩ Dương Thúy Hương - Phó giám đốc thư viện Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - cho biết hiện ĐHQG TP.HCM có tổ chức lớp kiến thức thông tin thư viện cho SV, 80 SV/lớp, học trong khoảng 3 - 4 giờ vào thứ bảy và chủ nhật. Chương trình học bao gồm tài liệu Cẩm nang thư viện sẽ giúp SV biết cách sử dụng dịch vụ thông tin thư viện, khai thác thông tin trên mạng, tra cứu trực tuyến, tham khảo tài liệu trong bộ sưu tập số như luận văn, báo cáo tốt nghiệp… Từ đó, SV sẽ biết đánh giá thông tin, sử dụng và trích dẫn tài liệu. |