Giáo viên trẻ và hệ lụy của việc thiếu thời gian
(Dân trí) - Áp lực công việc đòi hỏi quá nhiều thời gian, thu nhập thấp, cùng môi trường làm việc ít cơ hội tiếp xúc dẫn đến thực tế “khó kiếm bạn đời” mà không ít giáo viên hiện nay gặp phải.
Mê nghề quên… yêu
Sinh năm 1980, ra trường đi dạy một thời gian, cô N.D tiếp tục học cao học, hiện là tổ trưởng bộ môn Văn của một trường THCS ở TPHCM. Yêu nghề giáo, yêu học trò, cô dốc hết mọi thời gian, tâm huyết. Không chấp nhận kiểu dạy hết tiêt là xong, mỗi giờ dạy, cô chú trọng từng nội dung, cách truyền đạt sao cho không chỉ bản thân “thỏa lòng” mà học sinh (HS) vừa hứng thú vừa dễ dàng tiếp cận kiến thức. Sự sáng tạo luôn đòi hỏi cô đầu tư thời gian, công sức.
Tâm huyết của cô được ghi nhận không chỉ bằng những tấm giấy khen, bằng khen của ngành mà hơn hết bằng chính sự quý mến từ HS, cô trở thành “người mẹ thứ hai” của đám học trò độ tuổi mới lớn ương ương. Cô kèm cặp cho những em yếu, chỉnh đốn những em cá biệt và cũng trở thành nơi trút tâm tư của học trò…
Cuộc sống của nhiều GV chỉ có học trò, trường học... (Ảnh mang tính minh họa)
Cô giáo D. tâm sự, từ ngày ra trường cô cũng “trải qua” vài mối tình nhưng chưa mối nào “ra ngô ra khoai”. Chỉ gặp nhau được một hai lần, tiếp tục giai đoạn tìm hiểu, “đối phương” mời đi ăn uống, xem phim nhưng do bận nên cô khất lần sau. Đến năm bảy lần như vậy thì người ta chạy, tuổi xuân của cô vẫn không ngừng trôi qua.
“Mới đây bạn bè giới thiệu cho một anh đã đứng tuổi, tôi cũng xác định cố gắng duy trì. Nhưng rồi việc trường, việc lớp rồi cả học trò mình không thể nào dứt ra làm người họ nản, còn bảo rằng "Em ở vậy mà sống với HS”, cô D. kể.
12 năm gắn bó với nghề với nghề dạy trẻ, có hàng trăm “đứa con” là học trò của mình như đến ngay chị L.T.A (GV mầm non tại một trường ở Q.3, TPHCM) vẫn chưa tìm được mái ấm riêng cho bản thân. Chị không khó tính, kén chọn thế mà để tìm yêu rồi đến với một người không hề dễ khi mà sáng sớm sớm đến tối mịt ở trường, đêm về không chỉ việc nhà mà còn soạn giáo án, làm sổ sách, làm đồ dùng học tập… Rồi các yêu cầu từ chương trình giáo dục mầm non mới cũng làm cô ngập đầu.
Chưa kể phải tham gia tập huấn, học hỏi chương trình nọ đến mức “những lúc bệnh trong người còn không có thời đi thăm khám thì nói gì đến chuyện tìm hiểu nam nữ yêu đương”, chị A nói. Chị phải chịu khá nhiều áp lực từ bố mẹ, bản thân chị cũng có lúc lo tuổi càng lớn cơ hội sinh con càng khó.
Quá “bí” thời gian
Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh - GV trường mầm non Hoàn Mỹ Q.8, TPHCM thẳng thắn cho rằng áp lực công việc đòi hỏi quá nhiều thời gian, thu nhập thấp, cùng môi trường làm việc ít cơ hội tiếp xúc dẫn đến thực tế “khó kiếm bạn đời” mà không ít GV hiện nay gặp phải.
“Khi tôi đi học đã nghe các thầy cô ra trường trước khuyên nên "tranh thủ" yêu khi là sinh viên, ra trường rồi cưới chứ đi dạy rồi khó lắm. Tôi và các bạn đều không tin, đi làm rồi mới thấy thấm thía vì quen một người đã khó chứ chưa nói đến việc yêu, lập gia đình. Lớp tôi hàng chục người nhưng chỉ mới vài người có người yêu”, cô Minh nói.
Một GV tiểu học kể, nhiều phụ huynh thấy các cô lớn tuổi mà “chưa có gì” cũng lên tiếng nhà có chú, có em, người quen để giới thiệu. “Có phụ huynh bảo làm mối cho mình ông em 40 chục tuổi chưa vợ, thế mà ông ấy bảo ai chứ GV tui không chịu. Nghe vừa buồn cười vừa xót xa”.
Làm việc trên 10 tiếng/ngày, GV mầm non không còn thời gian cho bản thân.
Nhiều GV bày tỏ, hiện nay chương trình đổi mới nhiều, nói là giảm tải nhưng rất nhiều việc dồn vào trường học. Ở phổ thông, có quy định số tiết/tuần nhưng không chỉ chuyên môn, GV còn phải kham rất nhiều việc “bên lề”, ngoài giờ lên lớp họ phải lôi việc về nhà. Hay ở bậc học mầm non quy định GV dạy 6 tiếng ngày chỉ nằm trên giấy, còn thực tế thời gian làm kéo dài đến 10 - 12 tiếng/ngày vẫn không xong việc.
GV không chỉ thiếu thời gian mà khó khăn trong việc tìm bạn đời mà xuất phát từ công việc của mình, yêu cầu của họ về “đối tượng tìm hiểu” cũng cao, trong khi cơ hội gặp gỡ không có nên nhiều người chọn cuộc sống độc thân. Còn ngược lại, nhiều người chấp nhận lấy người không tương xứng nếu không muốn… quá tuổi.
Nhiều đơn vị tại TPHCM thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu để GV có điều kiện gặp gỡ khi mà tỉ lệ GV độc thân đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều GV bày tỏ họ cảm thấy “e dè” và không thoải mái kiểu mai mối “tìm người yêu” này. Điều này cũng dễ hiểu vì các cô theo nghề giáo, có những chuẩn mực, yêu cầu và cách thế hiện tình cảm mô phạm của mình.
Bà Trương Thị Mỹ Thanh - hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch (Q. Phú Nhuận, TPHCM) cho hay, trường cũng từng tổ chức cho GV của trường với các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn. Nhưng các cô đều lớn tuổi hơn, các chú bố đội mới tuổi mười chín, đôi mươi nên chỉ đến gặp cho vui. Ở trường, nhiều thầy cô lớn tuổi vẫn cứ lẳng lặng một mình...
Hoài Nam