Nghệ An:

Giáo viên phổ thông có 7 bài báo quốc tế ISI: Vừa làm gia sư, vừa nghiên cứu khoa học

(Dân trí) - Thầy giáo Nguyễn Văn Yên - giáo viên dạy môn Vật lý, trường THPT Yên Thành 3, huyện Yên Thành, tỉnh (Nghệ An) vừa bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong 4 năm làm nghiên cứu sinh, thầy Yên đã có 7 bài báo khoa học đăng trên hệ thống tạp chí ISI danh tiếng quốc tế.

Thầy giáo Nguyễn Văn Yên đang truyền kiến thức cho học sinh.

Vượt lên hoàn cảnh!

Trường THPT Yên Thành 3, nơi thầy Yên đang công tác.
Trường THPT Yên Thành 3, nơi thầy Yên đang công tác.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo xứ Nghệ, năm 2005, sau khi tốt nghiệp trường ĐH Vinh chuyên ngành sư phạm Vật Lý thầy Yên được nhận về công tác tại ngôi trường miền núi Yên Thành 3.

Trong 13 năm công tác tại trường THPT Yên Thành 3, thầy giáo Nguyễn Văn Yên được đánh giá là một trong những người đã làm tốt và hoàn thành công việc của mình.

Học sinh Trần Thị Dung – lớp 12A1 tâm sự: “Thầy Yên là một trong những người thầy rất tận tâm, tận tình, thầy luôn quan tâm tạo điều kiện để chúng em phát huy hết khả năng của mình”.

Ông Phan Tất Khang- Phó hiệu trưởng THPT Yên Thành 3 cho biết: “Thầy Nguyễn Văn Yên là giáo viên trẻ nhưng rất nhiệt huyệt với công việc. Hoàn cảnh của gia đình thì còn gặp nhiều khó khăn nhưng thầy luôn chịu khó vượt qua hoàn cảnh để phụng sự cho công việc của mình”.

Thầy Yên luôn hết tâm, tận tụy với học sinh.
Thầy Yên luôn hết tâm, tận tụy với học sinh.

Được biết, tháng 6/2014, thầy Yên bắt đầu Hà Nội học tiến sĩ. Trong 4 năm học, để có chi phí trang trải cho việc nghiên cứu học tập và sinh sống ở thủ đô thầy Yên phải lao động cật lực: “Ban ngày lên lớp, ban đêm tranh thủ đi làm gia sư. Mỗi tối tôi dạy một hoặc hai ca cho học sinh cấp ba, có hôm tới khuya mới về tới phòng trọ thì lại tiếp tục nghiên cứu tài liệu. Tính ra mỗi ngày, tôi chỉ ngủ vài ba giờ, bù lại cũng kiếm thêm vài trăm nghìn”, thầy Yên nhớ lại.

“Ban giám hiệu nơi công tác, đồng nghiệp… tạo điều kiện rất nhiều trong thời gian tôi nghiên cứu. Gia đình, đặc biệt là người vợ là hậu phương vững chắc, nuôi dưỡng hai con nhỏ, chăm sóc bố mẹ già trong lúc tôi xa nhà”, thầy Yên thay lời cám ơn.

Có đam mê sẽ thành công

Học sinh cảm nhận và tự hào về người thầy của mình

Sau lễ trao bằng tiến sĩ vừa qua của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, TS Nguyễn Văn Yên không giấu nổi niềm vui khi mình là một trong hai người được nhận giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc nhất của trường. Giải thưởng này, lần đầu tiên được trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức xét duyệt và vinh danh.

Chia sẻ với PV, TS Nguyễn Văn Yên cho biết: “Với niềm đam mê nghiên cứu khi đang còn học thạc sĩ, thầy bắt đầu biết đến nghiên cứu khoa học. Người hướng dẫn luận văn thạc sĩ cho anh khi đó là PGS.TS Lê Thế Vinh. PGS Vinh vốn là cựu sinh viên của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, (PGS Vinh học từ ĐH đến tiến sĩ đều ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội)”.

Thầy của PGS Lê Thế Vinh là PGS. TS Nguyễn Văn Hồng. Sau khi được PGS. Lê Thế Vinh giới thiệu, anh đã ra trường ĐH Bách khoa Hà Nội học tiến sĩ từ tháng 6/2014. PGS Vinh và PGS Hồng là người đồng hướng dẫn luận án tiến sĩ cho anh. Đề tài anh chọn để nghiên cứu là: "Cấu trúc và sự không đồng nhất động học trong vật liệu silicat ba nguyên gồm Chì silicat, Nhôm siliacat và Natri silicat (PbO.SiO2, Al2O3.2SiO2 và Na2O.2SiO2) ở trạng thái lỏng và vô định hình".

Anh cho biết lý do lựa chọn đề tài này là do vật liệu silicat đang có tính thời sự, thu hút nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới. Từ đó nghiên cứu sẽ ứng dụng sang vật liệu để sản xuất như gốm, silicat… cùng nhiều vật liệu ứng dụng khác trong thực tế.


Thầy giáo Nguyễn Văn Yên: Có đam mê sẽ có thành công

Thầy giáo Nguyễn Văn Yên: "Có đam mê sẽ có thành công"

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, TS. Nguyễn Văn Yên đã có 7 bài báo ISI với tổng chỉ số trích dẫn (IF) là gần 10, trong đó có 2 bài đạt chỉ số Q1 (tạp chí chiếm vị trí cao nhất về chỉ số trích dẫn), 3 bài Q3, 2 bài Q4.

Khi được hỏi về tương lai, thầy Yên vui vẻ trả lời: “Trước mắt, công việc vẫn không có gì thay đổi. Tôi sẽ cố gắng truyền thụ kiến thức cho học sinh, hoàn thành tốt công việc cho ngôi trường yêu dấu nơi đang công tác”.

“Nếu có đam mê thì tất cả chúng ta đều làm được, bất kể là việc gì. Tôi muốn các bạn trẻ, học sinh hôm nay hãy phát huy hết khả năng của mình vốn có và điều quan trọng là phải có niềm đam mê thực thụ” thầy Yên chia sẻ.

Nguyễn Tú