Giáo viên New Zealand và phương pháp giảng dạy không cho học sinh… “ăn sẵn”

(Dân trí) - Đông đảo phụ huynh, học sinh Việt có cơ hội trải nghiệm phương pháp học tập tiên tiến, hướng đến tương lai thông qua Lớp học Kiểu mẫu New Zealand được hướng dẫn bởi giáo viên dày dặn kinh nghiệm tới từ New Zealand tại Triển lãm giáo dục Zealand 2019 diễn ra ở TPHCM (24/8) và Hà Nội (25/8).

Triển lãm có sự góp mặt của 50 trường hàng đầu tại New Zealand nhằm giới thiệu tới học sinh, sinh viên Việt Nam môi trường giáo dục hàng đầu thế giới.

Đây là sự kiện giáo dục thường niên quy mô, được tổ chức bởi Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ), Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam.

Giáo viên New Zealand và phương pháp giảng dạy không cho học sinh… “ăn sẵn” - 1

Bà Wendy Matthew (Đại sứ New Zealand tại Việt Nam) phát biểu khai mạc triển lãm tại Hà Nội.

Giáo viên New Zealand không cho học sinh… “ăn sẵn”

Đó là chia sẻ của nữ du học sinh Việt Nguyễn Minh Trang – Đang theo học thạc sĩ ngành Marketing tại Đại học công nghệ Auckland, New Zealand.

Trang cho hay: "Trước đây em có lựa chọn giữa nhiều điểm đến du học khác nhau như Anh, Úc, Hà Lan, Mỹ... nhưng cuối cùng đã chọn New Zealand bởi chính phủ New Zealand đang có chính sách đặc biệt giúp sinh viên học thạc sĩ như em có thể làm việc tại xứ Kiwi 1-3 năm sau khi tốt nghiệp.

Em muốn trải nghiệm môi trường học tập và làm việc đa dạng văn hoá, nên chọn New Zealand. Bên New Zealand nhiều học sinh quốc tế, đặc biệt học thạc sĩ sẽ nhiều các bạn châu Á hơn.

Giáo viên New Zealand và phương pháp giảng dạy không cho học sinh… “ăn sẵn” - 2

Lớp học kiểu mẫu khiến các học sinh Việt hào hứng, thích thú.

Người dân nơi đây họ thân thiện, đặc biệt có lần em đi du lịch về phía đảo Bắc của New Zealand, được chủ nhà là một bác “nông dân” dẫn đi thăm thú mấy quả đồi của bác. Nông dân bên này giàu và hay làm lớn...

Bác còn chia sẻ kế hoạch kinh doanh sắp tới (về mật ong manuka - rất nổi tiếng), giới thiệu loài cây “tinh thần” của người kiwi... Em nghĩ là môi trường New Zealand thân thiện hơn Anh hay Úc.

Riêng trường em đang học là Đại học công nghệ Auckland (AUT) - họ rất chú trọng khả năng làm việc nhóm trong môi trường toàn cầu hoá.

Vì môi trường làm việc ngày càng đa dạng văn hoá, họ thiết kế chương trình học với nhiều bài tập nhóm để sinh viên sau khi tốt nghiệp quen với tinh thần “teamwork”. Thực ra, hiện nay các trường ở New Zealand từ các bậc học dưới đã chú trọng sự đa dạng văn hoá".

Giáo viên New Zealand và phương pháp giảng dạy không cho học sinh… “ăn sẵn” - 3

Trang nhấn mạnh: “Qua trải nghiệm của mình, em thấy giáo viên bên này dạy theo kiểu kích thích tư duy logic và phản biện nhiều. Họ muốn mình tự tìm hiểu trước, rồi trao đổi trên lớp, tự do phát biểu suy nghĩ của mình, sau đó giáo viên mới đưa ra định hướng chung”.

Nữ du học sinh Việt Nam cho hay, có lẽ không chỉ mình mà nhiều du học sinh Việt cũng đồng ý rằng, chính phương pháp giáo dục không cho học sinh… “ăn sẵn” của giáo viên New Zealand đã khơi gợi và thúc đẩy học sinh say mê tìm tòi, khám phá, phát triển tư duy phản biện và xây dựng lập trường cho bản thân.

Một yếu tố quan trọng giúp các bạn trẻ có bản lĩnh trưởng thành và sáng tạo sau khi rời trường đại học.

Học sinh thấy vui vẻ trong lớp - một nửa vấn đề được giải quyết

Những năm gần đây, New Zealand nhận được nhiều sự quan tâm từ học sinh, sinh viên Việt Nam, với số lượng du học sinh Việt Nam tại New Zealand hiện nay lên đến 2.174, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Ben Burrowes, Giám đốc khu vực Đông Á, Cơ quan Giáo dục New Zealand cho biết: “Một trong những điểm thu hút của giáo dục New Zealand chính là phương pháp học tập sáng tạo.

Đây cũng chính là lí do chính giúp New Zealand giành vị trí quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu thế giới về chỉ số chuẩn bị kỹ năng tương lai do tổ chức Economist Intelligence Unit bình chọn trong suốt 2 năm liền.

Giáo viên New Zealand và phương pháp giảng dạy không cho học sinh… “ăn sẵn” - 4

Các học sinh, sinh viên tham dự triển lãm du học New Zealand tại Hà Nội.

Tại Triển lãm Giáo dục New Zealand, chúng tôi rất vui mừng được giới thiệu Lớp học Kiểu mẫu New Zealand đến với phụ huynh và học sinh Việt Nam.

Thông qua các buổi học tương tác với giáo viên dày dặn kinh nghiệm người bản xứ, chúng tôi hy vọng sẽ giúp phụ huynh và học sinh sinh viên Việt Nam tiếp cận với phương pháp dạy học tiên tiến và môi trường học tập thân thiện của New Zealand, đặc biệt là khi các em có dự định du học tại đất nước chúng tôi trong tương lai”.

Lớp học Kiểu mẫu New Zealand sẽ diễn ra trong 30 phút với nội dung bài giảng được thiết kế phù hợp cho từng nhóm tuổi, gồm hai chủ đề là “Build an App” (Phát triển ứng dụng điện thoại) dành cho nhóm 12 – 16 tuổi và “Innovation with a Paperclip” (Tư duy sáng tạo cùng chiếc kẹp giấy) dành cho nhóm 17 – 20 tuổi.

Lớp học được hướng dẫn bởi thầy Marc Capstick – giáo viên với hơn 10 năm kinh nghiệm và hiện đang giảng dạy tại trường trung học Scots College (Wellington, New Zealand). Ngoài ra, thầy Marc được đào tạo và có bề dày kinh nghiệm về Khung Chương trình Giảng dạy của New Zealand, Tú tài Quốc tế (IB) và IGCSE.

Đặc biệt, với phương pháp giảng dạy độc đáo của mình, thầy có thể chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 như làm việc nhóm và hợp tác thông phương pháp học Blended Learning (kết hợp các hình thức học tập tại lớp và trực tuyến).

Giáo viên New Zealand và phương pháp giảng dạy không cho học sinh… “ăn sẵn” - 5

Thầy Marc Capstick (bên phải) hướng dẫn cho học sinh trải nghiệm lớp học kiểu mẫu New Zealand.

Thầy Marc cũng sử dụng dữ liệu để phát triển các kế hoạch học tập cá nhân hóa và ứng dụng hiệu quả các chiến lược khác nhau bao gồm việc sử dụng công nghệ phục vụ cho học tập.

Các học sinh thực sự thích thú khi được khơi gợi sức sáng tạo, tư duy phản biện với sự dẫn dắt và những câu hỏi đầy thú vị của thầy giáo New Zealand.

Trao đổi tại chương trình, thầy Marc cho hay: "Triết lý giảng dạy của tôi là tạo nên sự kết nối với học sinh. Nếu học sinh thấy vui vẻ trong lớp học của mình, đồng nghĩa với việc tôi đã giải quyết được một nửa vấn đề trong việc dạy các em. Việc còn lại là mang đến cho các em những bài giảng thú vị mà các em có thể áp dụng vào thực tế.

Khi soạn giáo án, tôi luôn cố gắng tạo cơ hội để các em học sinh liên hệ với những kiến thức mà các em đã có và ứng dụng nội dung mới học được vào cuộc sống.

Ngoài ra, tôi hướng đến xây dựng các hoạt động tương tác, trong đó học sinh nắm vai trò chủ động và ứng dụng các sản phẩm công nghệ để phục vụ cho mục đích học tập".

Theo thầy giáo đến từ xứ sở kiwi, thế hệ học sinh ngày nay có lợi thế là những công dân thời đại kỹ thuật số. Các em được nuôi dạy trong môi trường quen thuộc với công nghệ và có thể thoải mái khi làm việc, học tập trên các nền tảng kỹ thuật số.

Dựa vào kiến thức về công nghệ, các em có thể tham gia nhiều hoạt động tương tác thú vị cũng như ứng dụng kiến thức trong thực tiễn. Bởi vậy, trên thực tế, các lớp học ở New Zealand đang áp dụng STEM để khơi gợi thêm niềm đam mê học tập và tiếp xúc với công nghệ từ sớm cho các bạn trẻ.

Giáo viên New Zealand và phương pháp giảng dạy không cho học sinh… “ăn sẵn” - 6

Nam sinh Việt trình bày ý tưởng của mình.

"Thông qua lớp học kiểu mẫu, tôi muốn giới thiệu với các em học sinh phương pháp Tư duy Thiết kế (Design Thinking) và Sáng tạo (Innovation).

Tại New Zealand, các em học sinh được khuyến khích nhìn nhận mọi sự việc theo nhiều hướng và đưa ra nhiều ý tưởng, từ đó đưa ra được các giải pháp tối ưu cho các vấn đề.

Lớp học kiểu mẫu đặt ra các thách thức cho học sinh để khơi gợi tư duy sáng tạo và yêu cầu các em giải quyết vấn đề thực tế. Các em sẽ được yêu cầu thiết kế một ứng dụng di động hoặc cải tiến một sản phẩm và tìm cách đưa sản phẩm tới khách hàng.

Mỗi tiết học, các em sẽ vừa học lý thuyết thông qua ứng dụng Kahoot, vừa thực hành giải quyết vấn đề được giao", thầy Marc Capstick nói thêm.

Buổi học diễn ra tương tự với những lớp thầy Marc đang dạy tại trường Scots College - New Zealand và theo Khung chương trình quốc gia New Zealand.

Giáo viên New Zealand và phương pháp giảng dạy không cho học sinh… “ăn sẵn” - 7

Các bạn trẻ hào hứng trao đổi về du học New Zealand tại TPHCM.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm