Giáo viên lên tiếng: Sao cứ phải xuất sắc?

(Dân trí) - Mấy ngày nay, chúng tôi vất vả với công tác coi thi và chấm thi học kì 1. Gần một tuần giáo viên chúng tôi làm việc căng thẳng với mong muốn đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh. Từ đó mà điều chỉnh việc dạy và học sao cho thật phù hợp.

Là một giáo viên, bản thân tôi khi chấm thi luôn tuân thủ nguyên tắc công tâm và khách quan. Chưa bao giờ tôi thiên vị trò nào về điểm số. Ngay cả người quen cũng vậy. Tôi luôn làm đúng chức trách nhiệm vụ được giao. Sau mỗi kì thi, bao giờ tôi cũng sửa bài, rút kinh nghiệm chung cho tất cả các em.

Năm nay, đề môn Ngữ văn của tôi được Phòng Giáo dục ra hơi khó. Mức độ yêu cầu cũng cao đối với học sinh. Ở phần Tập làm văn, học sinh phải xây dựng được một câu chuyện tưởng tượng dựa trên những sự việc đã có sẵn trong tác phẩm. Ngoài ra các em phải nói được suy nghĩ và nêu trách nhiệm của bản thân. Riêng phần đọc - hiểu học sinh phải đọc kĩ mới không bị nhầm. Chính vì vậy mà điểm số các em không cao. Tuy nhiên, theo tôi đề ra hay và phân loại đúng được đối tượng học sinh.

Sau hơn hai ngày chấm thi vất vả, tôi đã hoàn thành điểm cho học sinh. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành công việc. Tuy nhiên chỉ hơn tiếng sau đã có một phụ huynh điện cho tôi hỏi xem điểm số của con. Sau khi nghe tôi thông báo cháu đạt điểm 7 thì phụ huynh bảo tôi coi dùm lại bài xem có sự nhầm lẫn không. Chị bảo rằng con bé năm nào môn Văn cũng đạt điểm 9 hoặc 9,5. Năm nay với điểm 7 này, con bé tổng kết chung chỉ đạt 7,5, tức là có nguy cơ rớt danh hiệu học sinh giỏi. Rồi chị không ngừng trách con gái lơ là trong học tập. Chị bảo đã la rầy con suốt những ngày thi rồi. Ai dè nó mê bóng đá quá. Mà không hiểu sao năm nay chung kết AFF Cup 2018 lại diễn ra đúng vào mùa thi. Kết quả cuối cùng là như vậy. Thật là buồn biết bao.

Sau khi nghe chị phân trần, tôi hiểu tâm trạng lúc này của chị. Cô bé vốn học khá ở tất cả các môn. Tuy nhiên ở phần đọc hiểu, học sinh dễ bị mất điểm vì đọc đề chưa kĩ. Với lại mùa thi, các em thường căng thẳng quá dẫn đến áp lực. Tôi mong chị sẽ động viên cháu cố gắng phấn đấu tiếp ở học kì 2 để đạt kết quả cao trong kì thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới. Tôi muốn chị ngày mai vào trường để tôi lấy bài thi cho chị coi và giải thích từng phần cụ thể, rõ ràng hơn.

Sau khi tôi nói vậy thì phụ huynh tỏ ý không vui. Điều phụ huynh cảm thấy buồn nhất vẫn là con bị rớt danh hiệu học sinh giỏi. Họ sợ con mình không bằng bạn bè. Nhất định con phải đạt xuất sắc thì họ mới vui.

Dẫu rất thương học trò lẫn thông cảm với phụ huynh nhưng tôi không thể làm khác. Tôi vẫn phải làm đúng theo quy định của ngành. Tôi đã từng nghe phụ huynh trách cứ mình khó tính. Việc nâng điểm cho trò đâu có gì khó. Nhất là môn Văn lại theo cảm nhận chủ quan của từng người. Chưa kể “quyền sinh, quyền sát” trong tay, thế nhưng tôi luôn giữ đúng quan điểm của mình. Cái chính là mong trò cố gắng nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập. Ngoài ra nó còn thể hiện sự công bằng với những trò khác. Tôi rất mong phụ huynh hiểu và thông cảm cho tôi.

Hiện nay có một bộ phận phụ huynh đang xem trọng về thành tích. Họ luôn mong muốn con mình phải xuất sắc. Dường như họ không chấp nhận việc con học khá. Họ không tiếc tiền để đầu tư cho con. Nào là học thêm ở trường, học thêm ở nhà riêng của thầy... Tiền của và công sức của phụ huynh bỏ ra không phải là ít. Chính vì vậy mà khi con không đạt được kết quả như mong muốn, phụ huynh sẽ trút hết lên đầu con. Nhiều người cứ nghĩ mình đầu tư và ép con học nhiều là đang thương con. Họ cứ lấy cái tôi để áp đặt con cái. Với họ, con mình phải luôn là nhất. Khi con điểm số thấp, họ trách con lẫn cả thầy cô đang dạy dỗ. Thật là buồn hết sức.

Năm rồi, tôi từng chứng kiến một em học sinh gần nhà học rất giỏi. Năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Các kì thi em luôn đứng tốp đầu. Cha mẹ em không tiếc tiền để đầu tư cho con gái. Đi đâu họ cũng hãnh diện về con. Vậy mà chẳng hiểu sao cuối năm ngoái em bỗng phát bệnh. Em bắt đầu sợ đến lớp. Rồi em cười nói trong vô thức. Em xé hết tập và đóng cửa nhốt mình trong phòng.

Quá hoảng sợ, ba mẹ em đã đưa con đi viện điều trị. Suốt một năm ròng, em phải uống thuốc và điều trị tâm lý. Mẹ em đã từng khóc khi gặp tôi vì ân hận. Chị không ngừng trách bản thân vì đã ép con học quá nhiều. Với chị, con luôn phải học giỏi bằng mọi giá. Lúc nào chị cũng nhắc nhở con học bài để đạt điểm cao. Chị cứ nghĩ đó là cách thương con tốt nhất. Bây giờ chị chỉ mong con khỏi bệnh rồi đi học một cái nghề nào đó để hòa nhập cuộc sống mà thôi.

Một kỳ thi nữa lại về. Mong sao các bậc phụ huynh hiểu và đừng gây áp lực về điểm số cho các em. Hãy tạo cho chúng sự tự tin để phấn đấu vươn lên. Làm sao để các em luôn cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!