GS sử học Đinh Xuân Lâm:

Giáo viên dạy lịch sử chưa đạt yêu cầu

(Dân trí)- Giáo viên dạy lịch sử chưa gây được hứng thú cho học sinh, chưa làm được cao trào học tập về lịch sử do bản thân người dạy không đẩy mạnh việc nghiên cứu. SGK cũng cần phải chỉnh sửa nhiều hơn, cần gợi mở để HS đọc SGK phải suy nghĩ, sáng tạo nhiều hơn.

GS sử học Đinh Xuân Lâm đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Dân trí.
 
Theo GS Lâm, lịch sử là môn khoa học góp phần đào tạo nhân cách của con người. "Đối với học sinh càng nhỏ càng tiếp cận với lịch sử thì càng có ấn tượng sâu sắc. Cùng với tuổi lớn lên của các em thì kiến thức đó ngày càng sâu rộng nên tôi cho rằng học sinh học lịch sử rất quan trọng. Ngay trường Đảng, trước kia chỉ dạy lịch sử Đảng sau đó rút kinh nghiệm bổ sung phần lịch sử dân tộc hỗ trợ cho môn lịch sử Đảng vì lịch sử Đảng cũng nằm trong lịch sử dân tộc. Nhưng hiện nay, vấn đề học sử ở các trường phổ thông chưa được coi trọng".
 
Giáo viên dạy lịch sử chưa đạt yêu cầu - 1
GS Sử học Đinh Xuân Lâm. 

Vẫn còn sai sót trong SGK về lịch sử

Sau 2 năm tổ chức hội thảo Khoa học "Thực trạng việc dạy và học lịch sử trong trường phổ thông - Nguyên nhân và giải pháp” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, GS có thể nhận xét khái quát về dạy và học môn lịch sử hiện nay?

Tôi cho là giáo viên dạy lịch sử chưa đạt yêu cầu, chưa gây được hứng thú cho học sinh, chưa làm được cao trào học tập về lịch sử do chính bản thân người dạy không nghiên cứu, không đẩy mạnh việc nghiên cứu.

Bên cạnh đó, sách giáo khoa (SGK) cũng cần phải chỉnh sửa nhiều hơn, đừng nặng về sự kiện, cần gợi mở để ngay bản thân học sinh đọc SGK phải suy nghĩ, sáng tạo nhiều hơn.

Trong SGK lịch sử trước kia có sai nhiều. Tại các hội thảo khoa học, qua các công trình nghiên cứu mới, chúng ta cần bổ sung đính chính để SGK ngày càng hoàn chỉnh hơn, ví dụ như tên các địa phương. Khi tôi dạy về khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám, trước kia có nhiều tên địa phương, các trận đánh sai như trong tài liệu có nói là trận Hữu Nhuế là trận lớn giữa nghĩa quân của Đề Thám với quân Pháp nhưng cuối cùng các nhà nghiên cứu mới thấy chữ Hữu Nhuế không có. Bản thân tôi đi nói chuyện ở Bắc Giang, các cụ cũng nói ở địa phương này không có tên Hữu Nhuế đó nhưng trong sách vở lại có hết. Cuối cùng phát hiện ra tên trận đánh này là Hố Chuối và địa điểm này hiện nay vẫn có. Lý do sai là do đợt trước do Pháp ghi lại theo cách của họ nên khi mình luận ra là sai.

Bên cạnh đó, cách đánh giá nhân vật, đánh giá một số sự kiện cũng sai. Ví dụ như nhân vật Tôn Thất Thuyết, trước kia ta cứ cho ông là thế này, thế nọ là phần tử không tốt nhưng bây giờ qua các tư liệu chứng minh được Tôn Thất Thuyết là người yêu nước có tinh thần chống Pháp kịch liệt.
 

Cùng với GS. Phan Huy Lê, GS. Hà Văn Tấn và GS. Trần Quốc Vượng, GS. Đinh Xuân Lâm đã tạo nên "tứ trụ" của ngành sử học Việt Nam đương đại. Theo lời giải thích của cố GS. Trần Quốc Vượng thì khái niệm "tứ trụ" đó có lẽ hình thành vào cuối năm 1960, khi cả bốn ông đều nổi tiếng học giỏi.

Có nghĩa là SGK lịch sử hiện nay phải sửa sai rất nhiều thưa GS?

Cơ bản cái khung là vẫn đúng nhưng đi vào chi tiết, sự kiện, cách giải thích và đánh giá nhân vật còn nhiều vấn đề cần phải sửa. Ngay như phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, hay Cách mạng tháng 8 trước kia mình viết còn hơi sơ lược, bây giờ phải đi sâu vào phân tích cho sâu và cụ thể hơn. Sử thì còn nhiều vấn đề.

Đoạt tuyệt với phương pháp truyền đạt kiến thức một chiều

Thưa GS, nhưng ngay chính giáo viên cũng rất lúng túng trong việc truyền thụ kiến thức cho học sinh vì tâm lý học sinh chưa hứng thú với môn học này?

Có lần tôi đã tuyên bố trong hội nghị lớn về SGK, muốn có chất lượng giáo dục thì phải nâng cao trình độ giáo viên phổ thông. Hiện nay, giáo viên phổ thông với lối dạy sư phạm rất hạn chế chỉ nằm trong kiến thức chung chung theo chương trình. Giáo viên vừa là người truyền đạt kiến thức đồng thời phải là nhà nghiên cứu.

Giáo viên cần nâng cao trình độ vì giáo viên chúng ta đào tạo theo lối cũ, lối truyền thụ kiến thức không có phần sáng tạo và không kết hợp nghiên cứu. Do vậy, bản thân giáo viên phải nghiên cứu, tâm đắc tới vấn đề mình giảng dạy, như vậy truyền đạt mới hay tạo hứng thú để học sinh tiếp nhận tốt hơn. Đặc biệt, giáo viên cần phải hoàn toàn đoạn tuyệt với phương pháp truyền đạt kiến thức một chiều mà phải làm thế nào gây hứng thú cho học sinh.

Ngày nay HS, SV không thích môn lịch sử mà cả những môn xã hội nói chung. Là người làm lịch sử lâu năm, GS thấy có mối nguy hại như thế nào đối với sự phát triển chung của đất nước?

Tôi cho rằng, rất có nguy hại vì môn sử rất có ý nghĩa quan trọng. Nói chung các môn khoa học xã hội (KHXH) có tác dụng đào tạo con người cho nên cần phải chú ý, không nên lệch về khoa học tự nhiên (KHTN).

Đào tạo phổ thông cần phải đào tạo cân bằng giữa các môn, đến khi vào đại học mới đi nghiên cứu sâu về các chuyên ngành. Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, nhiều phụ huynh muốn con đi vào KHTN và cho rằng học KHXH ra tìm việc khó hơn. Đó cũng là một áp lực.

Do tác động của xã hội nên làm cho ngành KHXH và đặc biệt là ngành lịch sử không được coi trọng. Môn lịch sử rất quan trọng vì dân ta có truyền thống yêu nước, Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đó là những bài dạy quan trọng nhưng do nhiều điều kiện hiện nay khó thực hiện.

Môn lịch sử cần đặt ở vị trí quan trọng

Theo GS để cho học môn xã hội cân bằng hơn với môn tự nhiên thì bài toán này nên giải thế nào?

Tôi cho rằng cần đặt vị trí của từng bộ môn như nhau đừng có lệch. Tôi thấy các môn KHTN, học sinh chọn thi nhiều hơn nên các trường dồn thầy vào môn đó, lại sao nhãng với các môn KHXH gây ấn tượng không tốt với học sinh.

Đứng về phía lãnh đạo nhà trường, ngay cả những người thầy không dạy môn lịch sử cũng cần phải thể hiện mình gắn bó với lịch sử, thể hiện tình yêu với lịch sử thì học sinh mới thấy được môn lịch sử đặt chỗ vị trí quan trọng. Có như vậy, mới tạo ra hào hứng học tập cho học sinh, chứ thầy tự nhiên mà chê bai môn lịch sử thì có tác dụng không tốt.

Điều trăn trở nhất hiện nay với GS là gì?

Môn lịch sử tuy được nói có vị trí quan trọng nhưng chưa đặt đúng với vị trí quan trọng của nó thể hiện ở đề tài nghiên cứu, cách đãi ngộ với các công trình lịch sử. Xu hướng chung là mọi người vẫn nặng về KHTN.

GS nhận xét thế nào về đãi ngộ đối với nhân tài ở lĩnh vực lịch sử?

Nói chung về nguyên tắc như nhau nhưng trong vận dụng, lựa chọn, xét tuyển có nhiều hạn chế.

Xin cảm ơn GS!
 
Hồng Hạnh (thực hiện)